Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động VND ổn định, với lãi tiền gửi tiết kiệm khoảng 3%/năm (kỳ hạn ngắn) và 4-5%/năm (kỳ hạn trung và dài).
Trên thị trường liên ngân hàng, ngày 3-7, lãi suất qua đêm giảm 0,95%, còn 3,91%/năm; kỳ hạn 1 tuần cũng giảm 0,82%, xuống 4,03%; kỳ hạn 2 tuần giảm 0,89% còn 4,19%/năm; 1 tháng giảm sâu 1,1% xuống 3,82%/năm; 3 tháng giảm 0,5% còn 4,5%/năm.

Tuy nhiên, trước đó, phiên đầu tuần (ngày 30-6), lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bất ngờ tăng “đột biến” tại các kỳ hạn, trong đó, lãi suất qua đêm tăng tới 6,45%/năm, gấp gần 4 lần so với mức đáy trước đó (1,62%), đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm.
Cũng trong phiên ngày 30-6, Ngân hàng Nhà nước bơm tiền quy mô lớn ra thị trường, lên tới 52.904,4 tỷ đồng, nhằm giải tỏa áp lực thiếu hụt vốn ngắn hạn.
Với thị trường mở tuần qua, ở kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu các kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày và 91 ngày, lãi suất 4%. Có 62.424,19 tỷ đồng trúng thầu; 58.132,86 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chào thầu tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, có 17.400 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 3,5%; 22.500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn tuần qua.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 9.391,33 tỷ đồng qua kênh thị trường mở. Có 94.609,61 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 17.400 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành trên thị trường.
Khảo sát biểu lãi suất huy động những ngày đầu tháng 7, niêm yết trên website của các ngân hàng (gồm nhóm ngân hàng có vốn nhà nước như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), hay nhóm các ngân hàng cổ phần như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quân đội), có thể thấy mặt bằng lãi suất huy động khá ổn định tại các kỳ hạn 6, 9, 12, 24 tháng. Chỉ một vài ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động, nhưng mức thay đổi không lớn.
Cụ thể, với nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, lãi suất huy động dao động từ 1,6%/năm đến 4,8%/năm cho hình thức trả lãi cuối kỳ, áp dụng tại quầy cho khách hàng cá nhân, kỳ hạn 1-36 tháng.
Trong đó, Vietcombank huy động kỳ hạn 6 và 9 tháng 2,9%/năm; 12 tháng 4,6%/năm; 24 tháng trở lên 4,7%/năm. Mức lãi suất huy động 4,7%/năm cũng là mức lãi suất huy động cao nhất đang được Vietcombank áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Còn với BIDV, lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng là 3%/năm; 12 tháng 4,7%/năm; 24 tháng 4,8%/năm. Hay VietinBank áp dụng lãi suất các kỳ hạn 6 và 9 tháng là 3%/năm; 12 tháng 4,7%/năm; 24 tháng 4,8%/năm.
Ở nhóm nhóm ngân hàng cổ phần, có một số ngân hàng giảm lãi suất như Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) giảm 0,1%/năm lãi suất đối với sản phẩm tiết kiệm truyền thống và tiền gửi "An khang" kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 84 tháng, với phương thức lĩnh lãi 6 tháng.
Tuy nhiên, ngân hàng này nâng lãi suất thêm 1% cho khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi "An Phát Lộc", lên tới 6,3% dù mốc cao nhất tại bảng niêm yết lãi suất tiền gửi tại quầy của NCB là 5,3%/năm.
Ngoài NCB, một số ngân hàng khác cũng tăng lãi suất gồm: Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank)…
Theo biểu mới, chỉ có 3 ngân hàng niêm yết mức từ 6%/năm trở lên gồm: Bac A Bank niêm yết lãi suất 6,1%/năm cho các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 18-36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, tiền gửi trên 1 tỷ đồng. HDBank huy động tại quầy kỳ hạn 18 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ là 6%/năm. Ngân hàng số Vikki Bank áp dụng lãi suất tiền gửi trực tuyến 6%/năm cho tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn 13 tháng trở lên.
Các chuyên gia dự báo lãi suất đầu vào sẽ tăng dần về cuối năm, trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn sẽ dao động quanh mức 5,5% - 6% trong năm 2025.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/lai-suat-lien-ngan-hang-giam-lai-suat-tiet-kiem-on-dinh-708129.html
Bình luận (0)