
Địa bàn rộng, chủ yếu là miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn... là đặc thù sau hợp nhất tại tỉnh Lào Cai. Cũng vì thế, công tác truyền thông chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) luôn đòi hỏi sự linh hoạt, tận tâm và sát dân hơn bao giờ hết.
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, BHXH khu vực XVII đã duy trì hiệu quả các hình thức truyền thông gần gũi, dễ hiểu và phù hợp thực tiễn. Từ loa phát thanh xã, mạng xã hội, họp thôn, phiên chợ, đến truyền thông nhóm nhỏ... mỗi cán bộ BHXH đều trở thành tuyên truyền viên tích cực.

Thực tế ở các xã như Văn Yên, Hạnh Phúc, Bát Xát, Bắc Hà… cho thấy, sự đồng hành giữa ngành BHXH và hệ thống chính trị cơ sở chính là chìa khóa để chính sách đến được từng hộ dân, nhất là ở vùng cao. Đơn cử như thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 90%.
Bà Vũ Thị Hiến - Bí thư Chi bộ thôn khẳng định: Chúng tôi đưa nội dung tuyên truyền về BHYT, BHXH vào mỗi buổi họp chi bộ, sinh hoạt đoàn thể. Mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu vận động người thân tham gia BHYT, BHXH thì dân mới nghe.
Chính sự gắn kết đó đã tạo ra những thay đổi rất thực tế. Trường hợp chị Phùng Nảy Phẩu, dân tộc Mông ở thôn Nậm Cang, xã Mường Bo là một ví dụ. Gia đình chị Phẩu có 7 người, mặc dù làm nông nghiệp nhưng năm nào chị cũng cố dành tiền mua BHYT cho cả nhà.
“Nhờ được cán bộ đến tận nhà tuyên truyền nên tôi cũng hiểu và mua thẻ BHYT cho cả gia đình. Có BHYT, mỗi khi mắc bệnh, tôi yên tâm đến bệnh viện điều trị mà không lo chi phí" - chị Phùng Nảy Phẩu cho biết.

Hay như chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Phúc Thịnh, phường Âu Lâu đã từng chần chừ không tham gia BHXH tự nguyện vì cho rằng “khó có lương hưu”. Sau nhiều lần được cán bộ BHXH giải thích, chị Huệ đã quyết định đóng BHXH tự nguyện từ đầu năm nay.
“Chính sách BHXH tự nguyện có nhiều quyền lợi hơn trước nên tôi quyết định tham gia, sau này có lương hưu, không phải phụ thuộc vào các con” - chị Huệ chia sẻ.
Sau khi hợp nhất thành tỉnh Lào Cai mới, công tác thống kê, rà soát và điều chỉnh thông tin người tham gia BHXH, BHYT đã được hoàn thiện nhanh chóng. Các hợp đồng, cơ sở dữ liệu, mã số BHXH đều được giữ nguyên, bảo đảm tính liên tục và quyền lợi cho người dân.

Tính đến hết tháng 6/2025, BHXH khu vực XVII có 164.263 người tham gia BHXH, trong đó có 122.645 người tham gia BHXH bắt buộc và 41.618 người tham gia BHXH tự nguyện.
Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện đạt 5,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đến năm 2025, đạt 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện. Về số người tham gia BHYT có gần 1.450.890 người, đạt trên 92% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh đạt trên 88%.
Đạt được kết quả trên là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành BHXH với chính quyền địa phương, các đơn vị, tổ chức như Bưu điện, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy của cán bộ BHXH.
Theo đánh giá của lãnh đạo ngành BHXH, cơ chế liên thông dữ liệu, đơn giản hóa thủ tục, tiếp nhận hồ sơ điện tử… đã giúp người dân tiếp cận các quyền lợi BHYT, BHXH thuận tiện hơn bao giờ hết. Giờ đây, từ vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến trung tâm đô thị, mỗi tấm thẻ BHYT, mỗi sổ BHXH tự nguyện đang dần trở thành vật dụng quen thuộc, gần gũi và thiết thực với người dân Lào Cai.
Sự kiên trì, sát dân của ngành BHXH chính là cầu nối giúp chính sách an sinh không chỉ hiện diện trong văn bản, mà lan tỏa bằng niềm tin và hành động cụ thể.
Nguồn: https://baolaocai.vn/lan-toa-chinh-sach-an-sinh-den-tung-nguoi-dan-post648367.html
Bình luận (0)