Tâm huyết giữ “lửa” nghề
Ngôi nhà giản dị của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1960) tại phường Thuận Thành đơn sơ với mái ngói rêu phong rợp bóng cau và hoa trái. Không gian ấy vừa là nơi ở vừa là xưởng vẽ, phòng truyền nghề và cả một bảo tàng sống về tranh Đông Hồ. Trong những căn phòng thoang thoảng mùi thơm của giấy dó, màu điệp, hồ nếp đang lưu giữ nhiều bức tranh như: "Đám cưới chuột", "Đàn gà mẹ con", "Đàn lợn âm dương", "Vinh quy bái tổ", “Hứng dừa”… Tại đây, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh cùng chồng - Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa và các con miệt mài đưa văn hóa dân gian vào từng đường nét, sắc màu trên giấy. Mỗi công đoạn đều được thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận, từ phác họa ý tưởng, pha chế màu đến việc in từng lớp màu lên giấy để bức tranh đạt được độ sắc nét và sống động.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh tại phòng vẽ tranh của gia đình. |
Đôi tay tài hoa của các nghệ nhân tạo nên những bức tranh độc đáo và gần gũi với đời sống, chứa đựng ý nghĩa, ước vọng của người dân Việt Nam về cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, một xã hội công bằng, tốt đẹp. Hơn 50 năm gắn bó với nghề, nữ nghệ nhân cho biết: Làng tranh Đông Hồ có từ lâu đời, nổi tiếng với kỹ thuật in chồng màu độc đáo, tạo nên hiệu ứng màu sắc sống động. Trong làng đang lưu giữ khoảng 1 nghìn bản khắc gỗ, phản ánh sự phát triển đồng thời của truyền thống và đổi mới trong nghệ thuật tranh Đông Hồ. Thời kỳ hưng thịnh, cả làng có hơn 220 hộ dân thì hầu hết đều tham gia làm tranh.
Thu nhập từ nghề giúp người dân có cuộc sống ổn định, ấm no. Trải qua những thay đổi của thời cuộc, nghề làm tranh dần trầm lắng, hiện chỉ còn một số hộ tham gia song Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh vẫn kiên trì giữ “lửa nghề”. Các thế hệ trong gia đình bà quyết tâm từng bước phục hồi làng nghề cổ truyền để gìn giữ và phát triển di sản văn hóa quê hương. Không chỉ tái hiện những mẫu tranh cổ, nữ nghệ nhân còn sáng tạo thêm hơn 40 mẫu tranh mới phù hợp đời sống hiện đại. Sau khoảng thời gian đắm mình vào nét vẽ, Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh cùng gia đình còn truyền dạy nghề miễn phí cho học sinh, sinh viên, người yêu tranh; thường xuyên tham gia các hoạt động giới thiệu, quảng bá, triển lãm tranh quốc gia, quốc tế.
Cũng với tâm huyết và sự sáng tạo, ông Đặng Ngọc Phùng (sinh năm 1963) ở thôn Xuân Hội (xã Tân Chi) từng bước đưa sản phẩm mây tre đan truyền thống vươn ra thị trường quốc tế. Sống trong gia đình làm nghề lâu đời, nghệ nhân biết đan mây tre khi chưa đầy 10 tuổi và gắn bó đến nay. Ông cho biết: “Trước kia, sản phẩm được sản xuất thô mộc gồm những vật dụng trong cuộc sống thường ngày. Để nghề đứng vững, tôi tìm tòi sáng tạo mẫu mã mới với hoa văn, màu sắc tinh tế, phù hợp với không gian sống hiện đại”.
Ông Đặng Ngọc Phùng giới thiệu sản phẩm mây tre đan. |
Các sản phẩm như: Lộc bình, khay hoa văn trống đồng, đèn trang trí và giỏ xách xuất khẩu... đều được đánh giá cao bởi tính thẩm mỹ, độ bền và giá trị văn hóa. Đến nay, 7 mặt hàng đã được công nhận sản phẩm OCOP; nhiều mẫu được chọn trưng bày tại các hội chợ triển lãm, giới thiệu, quảng bá trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Nhờ sự liên kết giữa nghệ nhân, hợp tác xã và doanh nghiệp, sản phẩm mây tre đan Xuân Hội đã vươn tới thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nga... mang lại giá trị kinh tế cao. Hằng năm, ông Phùng phối hợp mở các lớp truyền nghề tại nhà hoặc tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn để duy trì nghề truyền thống. Hiện làng nghề phát triển ổn định với hơn 80% hộ dân tham gia sản xuất, lao động chủ yếu ở lứa tuổi trung niên, người cao tuổi, trẻ em.
Chính quyền đồng hành
Tỉnh Bắc Ninh hiện có hơn 100 làng nghề thuộc các lĩnh vực như: Gỗ mỹ nghệ, giấy, gốm, đúc kim loại, mây tre… đã được các cấp chính quyền, đơn vị chức năng công nhận. Nhiều sản phẩm làng nghề đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý như: Mỳ gạo của làng nghề Thủ Dương (xã Nam Dương); rượu làng Vân, bánh đa nem của làng nghề Thổ Hà (phường Vân Hà); bánh đa của làng nghề Sau (phường Bắc Giang); gốm Phù Lãng (xã Phù Lãng), gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (phường Đồng Nguyên)... Đặc biệt, với giá trị đặc sắc, mới đây làng nghề làm bánh đa nem Thổ Hà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các làng nghề mang lại doanh thu không nhỏ, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn.
Ông Nguyễn Đức Tạo, tổ dân phố Thổ Hà (phường Vân Hà) hơn 50 năm giữ gìn nghề làm bánh đa nem truyền thống. |
Góp phần “truyền lửa” để lan tỏa tinh hoa nghề truyền thống có vai trò quan trọng của các nghệ nhân. Những năm qua, trải qua bao thăng trầm của nghề, nhiều nghệ nhân vẫn kiên trì gắn bó, sáng tạo, tâm huyết truyền nghề. Ví như ông Lưu Xuân Khuyến (sinh năm 1977), sinh ra, lớn lên ở làng Ngòi (nay là tổ dân phố Tân Ninh, phường Cảnh Thụy). Với năng khiếu bẩm sinh, kiến thức được đào tạo tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội và quá trình miệt mài học hỏi ở nhiều làng gốm nổi tiếng trong cả nước, ông đã sáng tạo nên những sản phẩm độc đáo, mang đậm hơi thở văn hóa dân gian.
Hơn 20 năm qua, ông Khuyến cùng các nghệ nhân làng Ngòi đã tạo lối đi riêng, xây dựng thương hiệu gốm vừa dung dị, trang nhã, vừa đặc sắc, giàu hồn cốt Kinh Bắc, được công nhận là “Sản phẩm tinh hoa làng nghề”. Đặc biệt, tranh phù điêu gốm men màu - dòng sản phẩm độc đáo và tinh xảo của cơ sở gốm làng Ngòi hiện được thị trường ưa chuộng. Ông cho biết, cơ sở đang tích cực truyền dạy nghề cho lao động địa phương, tổ chức cho học sinh, thanh thiếu niên đến tham quan, tìm hiểu nghề gốm. Qua đó không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn khơi dậy tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và ý thức gìn giữ di sản trong thế hệ trẻ.
Du khách quốc tế trải nghiệm in tranh Đông Hồ. |
Sự tận tâm, sáng tạo và trách nhiệm của các nghệ nhân phát huy hiệu quả khi có sự đồng hành từ chính quyền, ngành chức năng và cộng đồng. Những năm gần đây, hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (cũ) quan tâm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng và cải tiến bao bì, tem nhãn, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề. Đồng thời, tập trung xây dựng hạ tầng làng nghề đáp ứng điều kiện sản xuất, kinh doanh. Nhiều nghệ nhân được hỗ trợ kinh phí mở lớp truyền nghề, tham gia hội thi tay nghề và được vinh danh. Hiện toàn tỉnh có 50 nghệ nhân làng nghề đã được phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Bên cạnh đó, các nghệ nhân được tạo điều kiện tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm.
Để làng nghề truyền thống ngày càng phát triển trong thời đại mới, nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo tồn, giữ nghề cần gắn với kinh tế - du lịch - giáo dục để tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Các nghệ nhân mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công tác đào tạo nghề, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối mở rộng thị trường, đưa nghề truyền thống vào trường học qua hoạt động ngoại khóa, thông qua đó bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc và gợi mở hướng nghề nghiệp tương lai cho thế hệ trẻ.
Theo ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, việc truyền dạy nghề không chỉ là nhiệm vụ văn hóa mà còn là giải pháp phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Sở sẽ phối hợp với các ngành tập trung phát triển các làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, xây dựng mô hình “nghề truyền thống trong trường học”. Đồng thời quan tâm bồi dưỡng nghệ nhân trẻ, xây dựng đội ngũ kế cận, đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng công nghệ số, số hóa sản phẩm để quảng bá rộng rãi, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/lan-toa-tinh-hoa-nghe-truyen-thong-postid421609.bbg
Bình luận (0)