Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lắng đọng không gian văn hóa S’tiêng

Bảo tàng Đồng Nai (phường Bình Phước) hiện quản lý, trưng bày hơn 14 ngàn tư liệu, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng của vùng đất và con người khu vực tỉnh Bình Phước (cũ). Trong đó, bộ sưu tập hiện vật truyền thống của người S’tiêng rất phong phú và đặc sắc, được trưng bày trong không gian sang trọng, bắt mắt và hiện đại, tạo ấn tượng đặc biệt cho khách tham quan.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai26/07/2025

Không gian trưng bày các hiện vật đặc trưng, truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng tại Bảo tàng Đồng Nai (phường Bình Phước).
Không gian trưng bày các hiện vật đặc trưng, truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng tại Bảo tàng Đồng Nai (phường Bình Phước).

Tọa lạc bên hồ Suối Cam, giữa không gian xanh mát, hồ nước yên bình, thoáng đãng, Bảo tàng Đồng Nai là một trong những điểm dừng chân không thể thiếu của khách thập phương khi đến với tỉnh.

Lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật

Với sự tính toán tỉ mỉ trong sắp xếp, bố trí không gian và trưng bày hiện vật, Bảo tàng Đồng Nai giúp khách tham quan có cái nhìn tổng thể về đặc trưng văn hóa các tộc người trên địa bàn. Các hiện vật truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc được thiết kế theo không gian riêng, nhưng có sự tương đồng, thể hiện trong cái chung có cái riêng và là sự hài hòa, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc.

Ông Nguyễn Sơn Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, chia sẻ: Là cư dân bản địa, xưa kia, đồng bào dân tộc S’tiêng sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, biên giới, công việc chính của đồng bào là đi rừng, làm rẫy. Cũng bởi vậy, cái ăn, cái mặc, công cụ lao động sản xuất của đồng bào dựa chủ yếu vào thiên nhiên và sáng tạo từ trong lao động sản xuất, sinh hoạt, đời sống. Chính điều này đã tạo nên chất riêng trong văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng. Những chiếc gùi, dao rựa, cung nỏ, xà lung, tố ché, những tấm thổ cẩm đa sắc màu…, tất cả đều được tạo nên từ những nguyên vật liệu có trong tự nhiên, bền đẹp với thời gian. Đến nay, nhiều hiện vật quý của đồng bào dân tộc S’tiêng đã được sưu tầm, gìn giữ tại bảo tàng, phục vụ khách tham quan.

Để gìn giữ, lưu truyền và phát huy các giá trị đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc S’tiêng, công tác tìm kiếm, sưu tầm và bảo tồn được Bảo tàng Đồng Nai thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ và toàn diện. Tại Bảo tàng Đồng Nai, gần 120 hiện vật là công cụ săn bắn, đánh bắt, vật dụng sinh hoạt, sản xuất, nhạc cụ… của đồng bào dân tộc S’tiêng đang được gìn giữ, bảo tồn và trưng bày theo từng chủ đề, chủ điểm, thuận lợi cho khách tham quan” - Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai NGUYỄN SƠN HÀ cho biết.

Nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Tạo ấn tượng và được nhiều người biết đến không chỉ bởi sự phong phú, đa dạng của hơn 14 ngàn tư liệu, hiện vật, chính sự trưng bày, thiết kế, bố trí một cách khoa học, sáng tạo, kết hợp hình ảnh với hiện vật, màu sắc, âm thanh, ánh sáng đã dẫn dắt khách tham quan theo một mạch cảm xúc, hấp dẫn và dễ hiểu. Từng hiện vật được bài trí khoa học và lan tỏa qua các ứng dụng công nghệ số, giúp khách tham quan hiểu sâu sắc hơn, nhanh nhất và nhiều nhất về đặc trưng văn hóa các dân tộc.

Chị Phan Thị Thu Hà (ngụ phường Bình Phước) chia sẻ: Tại bảo tàng, từng hiện vật không còn đơn thuần là hiện vật, không nhàm chán, khô khan như nhiều người vẫn nghĩ. Mỗi hiện vật ở đây là một câu chuyện văn hóa được kể bằng hình ảnh, bằng hình, bằng khối. Thông qua các hiện vật giúp khách tham quan có cái nhìn toàn diện về đời sống, không gian văn hóa, lao động sản xuất của đồng bào dân tộc S’tiêng.

Trong dòng chảy hội nhập, đến nay, đời sống đồng bào dân tộc S’tiêng đã có nhiều đổi thay khác trước. Công nghệ, khoa học - kỹ thuật phát triển khiến nhiều đặc trưng văn hóa, làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào S’tiêng bị mai một dần. Tìm kiếm, sưu tầm, bảo tồn và gìn giữ các đặc trưng văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn là tất yếu khách quan. Bởi, bảo tàng không đơn thuần là điểm dừng chân của khách tham quan, đó còn là thước phim quay chậm, nơi thời gian lắng đọng, kết nối quá khứ và hiện tại, trường học thực tế, nơi giáo dục truyền thống, nguồn cội cho thế
hệ trẻ.   

Minh Luận

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202507/lang-dong-khong-gian-van-hoa-stieng-f43236f/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm