
Theo thông tin từ Ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, đơn vị này vừa nhận được thông báo của Bộ Xây dựng về danh sách doanh nghiệp và phương tiện vận tải của Trung Quốc được cấp Giấy phép vận tải đường bộ GMS và sổ TAD tham gia hoạt động vận tải trên lãnh thổ Việt Nam.
GMS (cụm từ viết tắt của Greater Mekong Subregion) là chương trình hợp tác hoàn chỉnh nhất trong hợp tác Tiểu vùng Mê Công, bao gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. GMS được hình thành năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Giấy phép liên vận GMS hoặc sổ TAD (Transport Admission Document - sổ theo dõi tạm nhập phương tiện vận tải) được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp cho các phương tiện thuộc quyền sử dụng hợp pháp của các đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế GMS.
Theo đó, các phương tiện vận tải của Trung Quốc có Giấy phép vận tải đường bộ GMS và sổ TAD hoạt động vận tải trên các tuyến vận tải GMS sẽ được lưu thông qua các cửa khẩu quốc tế trên biên giới với Việt Nam - Trung Quốc, trong đó có Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai để đi vào những địa phương có tuyến vận tải GMS, như: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Điện Biên, Tây Ninh, Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo thông báo của Cục Đường bộ Việt Nam về danh sách phương tiện vận tải của Trung Quốc được cấp Giấy phép vận tải hàng hóa đường bộ GMS và sổ TAD hoạt động trên tuyến vận tải Côn Minh - Hà Khẩu - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, thực hiện qua cặp cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam) là 262 phương tiện.

Trao đổi với phóng viên, ông Vương Trinh Quốc, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết: Ngay khi Bộ Xây dựng có thông báo, Ban đã tổ chức triển khai đến các đơn vị chức năng ở Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành để lên phương án đón và làm thủ tục cho các phương tiện vận tải quốc tế theo tuyến GMS một cách thuận lợi. Đây là việc thực hiện các Hiệp định đã ký giữa các nước trong khu vực, đảm bảo quyền lợi trong lĩnh vực giao thông vận tải xuyên biên giới. Việc phương tiện từ Trung Quốc chính thức lưu thông qua tuyến cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu không chỉ khẳng định vai trò cửa khẩu quốc tế, mà còn góp phần nâng cao năng lực thông quan của địa phương.

Ông Văn Hữu Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Ở nội địa, Sở Xây dựng đã phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng giám sát hoạt động của các phương tiện vận tải của Trung Quốc trên các tuyến vận tải GMS theo quy định. Các doanh nghiệp có phương tiện được cấp Giấy phép vận tải hàng hóa đường bộ GMS và sổ TAD sẽ được tham gia hoạt động vận tải ở các tuyến đường đủ điều kiện đã được cắm biển báo trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có địa bàn Lào Cai.
"Các xe vận tải được cấp Giấy phép vận tải hàng hóa đường bộ GMS khi đi vào lãnh thổ Việt Nam được gắn biển số và phù hiệu theo quy định; đáp ứng các tiêu chuẩn về đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự quốc tế. Lái xe phải có giấy phép lái xe quốc tế hoặc được công nhận tương đương" - ông Thành cho biết thêm.

Theo thông tin phóng viên nhận được, vào ngày 14/5 và 16/5, tại 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), các doanh nghiệp có phương tiện được cấp Giấy phép vận tải đường bộ GMS đã đồng loạt khai trương tuyến vận tải đường bộ quốc tế từ Trung Quốc đến thủ đô Hà Nội của Việt Nam.
Theo đó, hai tuyến vận tải này kết nối Trung Quốc qua cửa khẩu Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam) và cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Quảng Tây) tới Hà Nội. Việc vận chuyển trực tiếp này áp dụng phương thức "một thùng hàng đến đích" và "một xe tải đến đích", qua đó, phát huy tối đa ưu điểm của vận tải đường bộ theo tuyến điểm đến điểm, hiệu quả cao. So với phương thức vận chuyển truyền thống, mỗi xe tải có thể tiết kiệm được thời gian khoảng 1 ngày và chi phí có thể tiết kiệm được từ 800 - 1.000 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 2,8 - 3,6 triệu Việt Nam đồng.
Tính đến thời điểm này, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã đón và làm thủ tục cho 7 xe vận tải hàng hóa của tỉnh Vân Nam chở hàng vào nội địa Việt Nam an toàn, đúng quy định. Đây là lần đầu tiên, những xe chở hàng hóa và hành khách của Trung Quốc được cấp Giấy phép vận tải đường bộ GMS và sổ TAD vận chuyển vào nội địa Việt Nam thông qua các văn bản Hiệp định, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và hành khách qua biên giới giữa các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Nguồn: https://baolaocai.vn/lao-cai-dam-bao-cac-dieu-kien-don-phuong-tien-van-tai-trung-quoc-nhap-canh-luu-thong-tren-tuyen-duong-bo-gms-post401987.html
Bình luận (0)