Xá lợi Đức Phật được cung thỉnh từ Viện Bảo tàng quốc gia Ấn Độ về Việt Nam từ ngày 2.5 đến 21.5, nhân Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025. Đây là lần đầu tiên xá lợi Đức Phật được cung thỉnh tới Việt Nam, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chính phủ Ấn Độ và các tổ chức Phật giáo quốc tế.
Dự kiến khoảng 3-4 triệu Phật tử đến chiêm bái xá lợi tại các ngôi chùa. Theo kế hoạch, xá lợi Đức Phật sẽ đi qua 4 ngôi chùa lớn tại nước ta gồm chùa Thanh Tâm (TPHCM), chùa Bà Đen (Tây Ninh), chùa Quán Sứ (Hà Nội) và chùa Tam Chúc (Hà Nam).
Chùa Thanh Tâm
Ngày 2.5, xá lợi Đức Phật được cung thỉnh từ New Delhi, Ấn Độ, bằng chuyên cơ quân sự C-130J-30, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 7h45. Sau lễ đón, xá lợi được rước qua diễu hành đến Học viện Phật giáo Việt Nam và tôn trí tại chùa Thanh Tâm.
Xá lợi được trưng bày tại chùa từ 3-8.5, cho phép người dân đến chiêm bái từ 6h-22h hàng ngày. Riêng ngày 7.5, chùa sẽ mở cửa cho Phật tử chiêm bái đến 24h và từ 4h đến 10h ngày 8.5. Ban tổ chức không thu phí, không nhận lễ phẩm, yêu cầu người dân giữ trật tự, không chụp ảnh.
Khách chiêm bái xá lợi Đức Phật ở chùa Thanh Tâm. Ảnh: Ngọc Đông
Tọa lạc tại Ấp 3, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM, chùa Thanh Tâm còn gọi là chùa Phật Cô Đơn, thành lập năm 2007. Ngôi chùa nằm trong khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam cơ sở 2, với kiến trúc trang nghiêm, không gian rộng rãi. Ngôi chùa đóng vai trò quan trọng trong đào tạo tăng ni và nghiên cứu Phật học tại Việt Nam.
Chùa Bà Đen
Trưa 8.5, xá lợi được cung tiễn từ chùa Thanh Tâm sang chùa Bà Đen, thuộc Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen (Ninh Sơn, Tây Ninh). Phật tử sẽ chiêm bái Xá lợi Đức Phật từ 18h ngày 8.5 tại núi Bà Đen.
Xá lợi sẽ được tôn trí ở Trung tâm triển lãm Phật giáo trên đỉnh núi Bà Đen từ ngày 9-12.5, đón Phật tử tới chiêm bái từ 5h-22h hàng ngày.
Chùa Bà Đen nằm trên đỉnh núi ở độ cao 900m so với mực nước biển. Đây là một trong những ngôi chùa bề thế và nổi tiếng nhất ở miền Nam Việt Nam. Ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ 18, gắn liền với truyền thuyết về Kinh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen) - một nhân vật được tôn thờ bởi lòng nhân ái, luôn che chở cho mọi người.
Núi Bà Đen là điểm đến của mùa Đại lễ Vesak 2025 đã chuẩn bị sẵn sàng đón hàng nghìn Phật tử và du khách đến chiêm bái. Ảnh: SG
Trung tâm chánh điện Linh Sơn Tiên Thạch Tự tôn trí tượng đức Trung Tôn thiền định cùng chư Phật, Bồ Tát như Phật Thích Ca, Di Đà Tam Tôn, Ngọc Hoàng, Bồ Tát Địa Tạng… Trên đỉnh núi Bà Đen có tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới và tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao 72m đúc từ 170 tấn đồng đỏ.
Chùa nằm trong khu du lịch Núi Bà Đen với hệ thống cáp treo tiện lợp, hấp dẫn hàng triệu du khách đến tham quan, chiêm bái mỗi năm.
Chùa Quán Sứ
Sáng 13.5, xá lợi Phật được cung tiễn từ chùa Bà Đen đến Hà Nội và tôn trí tại chùa Quán Sứ (73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chùa mở cửa cho khách thập phương đến chiêm bái xá lợi Phật từ ngày 14-16.5, trong khung giờ 6h-21h.
Là một trong những ngôi chùa cổ kính ở Hà Nội, chùa Quán Sứ được xây dựng từ thế kỷ 15, dưới thời vua Lê Thánh Tông. Nơi đây hiện là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là trung tâm tổ chức các hoạt động Phật giáo cấp quốc gia.
Người dân đến tham quan, chiêm bái ở chùa Quán Sứ. Ảnh: Vương Trần
Ngôi chùa có kiến trúc mang phong cách truyền thống Bắc Bộ, chính điện thờ Phật Thích Ca. Khuôn viên chùa rộng rãi, có tam quan, tháp chuông, vườn cây xanh... Không gian thanh tịnh thu hút nhiều người đến chiêm bái, đặc biệt vào các ngày lễ trong năm.
Chùa Tam Chúc
Sáng 17.5, chùa Tam Chúc (Thị trấn Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam) cung nghinh xá lợi Phật từ chùa Quán Sứ đến tôn trí tại đây từ 17-21.5 để tăng ni, Phật tử, du khách chiêm bái.
Đến chiều 21.5, tại chùa Tam Chúc sẽ diễn ra lễ cung tiễn xá lợi Phật, sau đó đưa xá lợi ra sân bay quốc tế Nội Bài để trở về Ấn Độ.
Khuôn viên rộng lớn của chùa Tam Chúc. Ảnh: Thùy Dương
Được xây dựng dưới thời Đinh vào thế kỷ 10, chùa Tam Chúc từng trải qua đợt trùng tu quy ô lớn vào năm 2016. Đây là một trong những khu du lịch tâm linh lớn nhất thế giới, với tổng diện tích lên đến gần 5.000 ha. Chùa Tam Chúc cũng từng là nơi tổ chức Đại lễ Vesak 2019.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/du-lich/kham-pha/lich-trinh-chiem-bai-xa-loi-duc-phat-tai-4-ngoi-chua-o-viet-nam-1502953.html
Bình luận (0)