Lãnh đạo ngành du lịch 14 tỉnh, thành cùng phát động thực hiện Chương trình hành động về phát triển du lịch xanh, bền vững TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL. Ảnh: Kiều Mai
Hiệu quả từ chương trình hợp tác
Liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL (sau đây gọi là Liên kết) xác định 5 nội dung: trao đổi thông tin và quản lý về tình hình phát triển du lịch, xây dựng và phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực và kêu gọi đầu tư du lịch. Các nội dung này được triển khai thường xuyên vào mỗi năm và mang lại kết quả tích cực.
Cụ thể, năm 2024 đã có hơn 2,7 triệu lượt du khách từ TP Hồ Chí Minh đến ÐBSCL, đồng thời có hơn 1 triệu lượt du khách từ ÐBSCL đến TP Hồ Chí Minh. Năm qua, 14 tỉnh, thành đã phối hợp khảo sát, xây dựng và công bố 55 tuyến du lịch đường sông, được phân chia đa dạng: 19 tuyến có lưu trú trên sông Mekong (TP Hồ Chí Minh - ÐBSCL và liên tuyến quốc tế kết nối Campuchia), 14 tour/tuyến đường sông liên vùng TP Hồ Chí Minh - ÐBSCL bằng cano, tàu cao tốc và 22 tuyến, tour đường sông nội vùng ÐBSCL bằng cano du lịch, tàu gỗ du lịch và du thuyền. Ðây được xem là định hướng đột phá, bởi bên cạnh các tuyến đường sông khai thác từ Bến Bạch Ðằng (TP Hồ Chí Minh) thì liên tuyến đang được mở cho vùng ÐBSCL với định hướng các tuyến mới xuất phát từ 4 điểm trung chuyển: Cảng du thuyền Mỹ Tho - Cái Bè (Tiền Giang), Bến cảng hành khách Vĩnh Long, Bến tàu khách du lịch Cần Thơ, Bến tàu du lịch Châu Ðốc (An Giang). Ðây là 4 bến mới được định hướng đầu tư, góp phần tạo sản phẩm đặc trưng cho Liên kết, từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng. Ngoài ra, còn có 9 chương trình khảo sát du lịch kết nối vùng với khoảng 560 lượt doanh nghiệp du lịch kết nối giữa Ðông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL.
Trong chiến lược quảng bá điểm đến, hiện 14 tỉnh, thành đã có hệ thống 50 điểm du lịch hấp dẫn từ Chương trình bình chọn “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình”. Chương trình bình chọn góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống và bản sắc nhằm đẩy mạnh giới thiệu điểm đến của 14 tỉnh, thành, từ đó tạo liên kết xây dựng những sản phẩm tiêu biểu, phù hợp với nhu cầu thị trường. Trên cơ sở này, các doanh nghiệp khai thác điểm đến triển khai quảng bá, truyền thông sản phẩm, dịch vụ du lịch, kết nối với doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình du lịch chất lượng thu hút du khách.
Liên kết còn tạo động lực thu hút đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và dịch vụ du lịch. Thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, hình ảnh du lịch các tỉnh ÐBSCL được nâng cao, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào các địa phương.
Có thể thấy, Liên kết đã tạo sự chuyển biến trong phát triển du lịch của khu vực. Nhiều điểm đến tại ÐBSCL dần định vị các sản phẩm chủ lực, xây dựng chiến lược quảng bá phù hợp, tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hoạt động xúc tiến đầu tư...
Phát huy liên kết chuỗi sản phẩm, hướng đến bền vững
Năm 2025, Liên kết xác định các nội dung trọng tâm: tổ chức các hội nghị triển khai các nhiệm vụ, diễn đàn về hợp tác, phát triển du lịch; thực hiện và công bố Ðề án Phát triển sản phẩm du lịch liên kết TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL; phát triển chương trình du lịch về nguồn gắn với giá trị văn hóa lịch sử vùng biên giới các tỉnh Long An, Ðồng Tháp, An Giang và Kiên Giang; chương trình quảng bá du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL tại các tỉnh miền Trung với chủ đề “Kết nối địa phương - Nâng tầm giá trị”. Ðây là chương trình quảng bá chung đầu tiên của 14 tỉnh, thành đến thị trường tiềm năng; xây dựng Cẩm nang điện tử giới thiệu danh mục các dự án xúc tiến, đầu tư du lịch của 14 tỉnh, thành; hoàn thiện và công bố nội dung quảng bá điểm đến du lịch của 13 tỉnh, thành ÐBSCL trên nền tảng ứng dụng số 3D/360 của TP Hồ Chí Minh có chủ đề “Một thao tác - Kết nối nhiều hành trình”; tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong du lịch cộng đồng và đường thủy.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho rằng cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn 14 tỉnh, thành nhằm tạo điều kiện triển khai các nội dung hỗ trợ phát triển du lịch vùng, như hạ tầng giao thông, xúc tiến đầu tư, giao thương dịch vụ, sản phẩm dịch vụ địa phương, đào tạo nguồn nhân lực. Các địa phương cũng chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, liên kết tạo sản phẩm đa dạng. Trong đó, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau chủ động phát huy vai trò kết nối liên kết vùng.
Ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Trà Vinh, cho rằng sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng trong Liên kết. Các địa phương ÐBSCL phải tái cấu trúc và định vị lại sản phẩm du lịch, nhất là sau khi sắp xếp các đơn vị cấp tỉnh. Liên kết tuyến điểm khi đó cũng sẽ thay đổi và phải điều chỉnh để phát huy giá trị sản phẩm du lịch. Các địa phương cũng nên tạo điều kiện xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch vùng, dựa trên cơ sở các sản phẩm du lịch đặc thù và tiềm năng du lịch của từng địa phương.
Trải nghiệm du lịch đường sông bằng cano tại Cần Thơ. Ảnh: Kiều Mai
Ðồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre, cũng cho rằng việc xây dựng thương hiệu nhận diện chung cho du lịch là cần thiết. Nên chú trọng đến thương hiệu nhận diện Mekong Delta gắn với phát triển du lịch xanh, bền vững. Ðây là sự nhận diện quen thuộc của khách quốc tế dành cho khu vực ÐBSCL trong nhiều năm qua và nên phát huy bản sắc văn hóa bản địa trong chuỗi sản phẩm chung.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã cùng các chuyên gia khảo sát và định hướng xây dựng 3 cụm không gian phát triển sản phẩm tại ÐBSCL. Cụm khu vực Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau sẽ phát triển du lịch sông nước, chợ nổi, văn hóa bản địa; cụm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long sẽ phát triển du lịch nông nghiệp cộng đồng, sinh thái và di sản đương đại; còn cụm Long An, An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp sẽ phát triển du lịch vùng biên, biển đảo, tâm linh. Với những cụm này, sẽ có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm để phát huy giá trị sản phẩm đặc trưng từng địa phương”.
Trong phát triển sản phẩm du lịch, các địa phương trong Liên kết cũng đề ra mục tiêu chung về phát triển du lịch xanh, bền vững. Cụ thể, 14 tỉnh, thành phát động thực hiện Chương trình hành động về phát triển du lịch xanh, bền vững TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL với chủ đề “Du lịch bền vững và mục tiêu Net Zero” trong năm 2025.
Theo báo điện tử Cần Thơ
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/lien-ket-hop-tac-phat-trien-du-lich-giua-tp-ho-chi-minh-va-13-tinh-thanh-bscl-chu-trong-phat-trien-san-pham-du-lich-dac-trung-huong-den-ben-vung-20250411145722773.htm
Bình luận (0)