Và dĩ nhiên sẽ có nhiều sự "đổi dời" mang tính bước ngoặt từ việc sắp xếp đơn vị hành chính. Theo dự kiến, có 11/63 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên; 52/63 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện phải sắp xếp. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều tên tỉnh, thành phố sẽ trở thành… ký ức.
Đang và sắp tới đây, trong mỗi người sẽ khó tránh khỏi những luyến tiếc, băn khoăn khi chia tay với tên làng, tên xã, tên tỉnh mà mình từng tự hào, thương nhớ để nhường chỗ cho tên gọi mới trong công cuộc cải cách lịch sử này.
Thôn Tiết Đạt, xã Quảng Phú (huyện Cư M’gar) hôm nay. |
Quê hương - nơi mỗi người sinh ra, gắn bó không chỉ là một tên gọi định danh, là địa chỉ hành chính mà đã in sâu vào tiềm thức, trở thành truyền thống văn hóa bao đời kết tinh. Tình yêu mảnh đất, con người, nơi mình sinh ra, gắn bó là vô cùng thiêng liêng, trở thành niềm tự hào lớn lao trong trái tim mỗi người.
Nay, việc sáp nhập mở ra không gian mới để phù hợp với giai đoạn phát triển mới, xu thế của thời đại. Thật tình, ban đầu sẽ không tránh khỏi vấn vương, luyến nhớ, hụt hẫng, thậm chí khó lòng chấp thuận một cái tên mới ở thực tại chưa từng gắn bó.
Bởi mang nặng tâm tư như vậy mà ai cũng muốn giữ lại tên gọi xưa. Nhưng hãy nhìn xa hơn, nhìn vào nỗ lực xây dựng để kiến tạo không gian, dư địa phát triển mới thì rồi ai cũng sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn, vì điều mong cầu đã từng bước hiện thực hóa.
Một ngày, nếu không còn tên nữa, nhưng vì sự phát triển cao hơn, cũng là con đường làng, có cây đa, bến nước quê nhà, nay đã thành tên khác, lưu luyến có đó, nhưng những người dân yêu quê tự hào về mảnh đất mình đang sống thì sẽ chung sức đồng lòng dựng xây.
Như tôi và những bà con chòm xóm ở xã Quảng Phú (huyện Cư M’gar), bao gồm các thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4… trong xã cũng từng chứng kiến sự chia tách, đổi tên. Sau thay đổi, vùng đất tôi lớn lên, sinh sống có tên mới là xã Quảng Tiến, với các thôn: Tiến Đạt, Tiến Thịnh, Tiến Phát, Tiến Cường… Tất cả tên gọi mới đều được bắt đầu bằng chữ “Tiến”, tức: tiến lên, tiến tới với ý nghĩa cầu mong sự phát triển, phát đạt.
Ban đầu, mọi người cũng khá hụt hẫng với tên gọi mới, thậm chí e dè gọi vì cái tên... không quen, thậm chí, nghe mà chẳng lấy làm… thân (!). Nhưng theo thời gian, không biết tự bao giờ, người dân đã thành thân quen với các danh xưng: bà con thôn Tiến Đạt, Tiến Cường, Tiến Phát, Tiến Phú thay vì thôn 1, thôn 2… Điều đó để thấy rằng, sự thay đổi chỉ là tên gọi hành chính nhằm phù hợp với yêu cầu phát triển của mỗi giai đoạn lịch sử chứ không làm... "mất quê", mất đi ký ức về yếu tố văn hóa cội nguồn vốn dĩ đã bồi đắp, hằn sâu trong tim mỗi người.
Cuộc sáp nhập, đổi thay lần này cũng vậy. Mai này, tên làng xã, tên tỉnh sẽ thay đổi hoặc không còn gọi theo cách cũ nữa nhưng cái gốc gác, hồn quê của mỗi người vẫn sẽ còn đó, vẹn toàn.
Quê hương, bản quán ai cũng yêu, cũng trân trọng và muốn lưu giữ. Nhưng chắc chắn rằng hồn quê sẽ vẫn còn nếu nặng lòng với quê hương. Tình quê trong mỗi người sẽ mãi hiển hiện, không thể vì sự sáp nhập, đổi tên mà biến mất. Cho nên nếu thật sự yêu quê, hướng quê thì quê vẫn luôn ngự trị trong trái tim mình, dù tên gọi nay đã khác.
Cho dù tỉnh có tên mới, xã cũ không còn tên gọi xưa thì cũng là mảnh đất, hồn quê nơi mình từng gắn bó, cùng là máu mủ ruột thịt chung một nhà, nay lớn rộng hơn, tên gọi khác đi mà thôi. Và khi đó mỗi người sẽ lại có thêm nhiều người "bà con" mới để kiến thiết nghĩa tình chòm xóm. Tất nhiên, một tên gọi mới để lại bắt đầu hành trình chứa đựng, nuôi dưỡng điều thiêng liêng trong mỗi người sẽ được các cấp có thẩm quyền cân nhắc, chọn lọc một cách khoa học, dân chủ, gắn với văn hóa truyền thống, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Nguồn: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202504/yeu-que-thi-se-con-que-305179a/
Bình luận (0)