Hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các hộ dân để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè. Trong ảnh: Chế biến chè tại HTX chè La Bằng (Đại Từ). |
Vụ xuân năm 2025, được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Định Hóa đứng ra kết nối, Hợp tác xã (HTX) trồng trọt và chăn nuôi gia cầm Đại Thắng (xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã “bắt tay” với 38 hộ dân ở các xã: Lam Vĩ, Bình Yên, Sơn Phú, Trung Lương, Bảo Cường, Đồng Thịnh và Thanh Định (Định Hóa) trồng 6ha dưa chuột nếp.
Ông Phùng Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Định Hóa: Tham gia mô hình, các hộ dân được HTX cam kết bao tiêu sản phẩm bằng hợp đồng cụ thể nên bà con rất yên tâm, phấn khởi.
Điểm cộng lớn nhất là cùng với việc tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc dưa chuột bảo đảm kỹ thuật trên đồng đất của gia đình để tạo ra sản phẩm an toàn, người dân chỉ cần bỏ công sức và sự chuyên tâm cho ruộng dưa. Những phần việc còn lại như hạt giống dưa, vật tư phân bón đã có HTX lo. Vui nhất là sau khi thu hoạch, toàn bộ kinh phí đầu tư này được trừ qua sản phẩm và người dân chỉ việc giữ lại phần tiền lãi…
Không phải lo về đầu ra của sản phẩm, lại được sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Định Hóa nên bà con rất tích cực chăm bón ruộng dưa của gia đình. Chỉ sau 65 ngày, toàn bộ diện tích dưa đã vào kỳ thu hoạch. Theo đúng hợp đồng đã ký, đại diện HTX trồng trọt và chăn nuôi gia cầm Đại Thắng cho xe ô tô về tận ruộng thu mua, bao tiêu sản phẩm.
Với năng suất đạt 41,5 tấn/ha, giá bán bình quân 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi 257 triệu đồng. Các hộ dân ở đây chia sẻ, mức thu nhập này cao hơn rất nhiều so với trồng các loại cây khác tại địa phương và bày tỏ mong muốn tiếp tục được “bắt tay” với HTX trồng dưa chuột nếp ở các vụ tiếp theo…
Có thể thấy, khi có đầu ra ổn định và sự “dẫn đường” của cán bộ chuyên môn, người dân, kể cả ở các địa bàn miền núi, vùng cao như Định Hóa, Võ Nhai, đều thực hiện được tất cả các yêu cầu về kỹ thuật chăm bón, năng suất, chất lượng sản phẩm. Mặc dù vậy, thời gian qua, tại Thái Nguyên, chưa có nhiều mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân như mô hình nói ở trên. Hầu hết các hộ nông dân vẫn đang tự “dò dẫm” tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây là lý do khiến dịp cuối năm 2024, sản phẩm rau xanh, bưởi Diễn… tại Thái Nguyên được mùa nhưng giá bán thấp, người dân thua lỗ.
Từ việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân, nhiều loại nông sản của người dân huyện Định Hóa đã được bao tiêu thuận lợi, đạt hiệu quả kinh tế cao. |
Về phía các DN cũng chưa thật sự mạnh dạn để “bắt tay” cùng nông dân sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP chè Hà Thái (xã Hà Thượng, huyện Đại Từ), cho rằng, việc liên kết có lợi cho cả người dân và DN. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn lo lắng về việc người dân quen với lối tư duy sản xuất cũ nên chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật trồng trọt, thâm canh để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng như cam kết.
Bởi vậy, để có sự liên kết bền chặt trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, cả nông dân và DN đều phải thực hiện “tròn vai”. Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Về phía nông dân, phải luôn chủ động học hỏi để nhanh nhạy tiếp thu các tiến bộ khoa học, kỹ thuật áp dụng vào đồng ruộng. Từ đó, tạo ra nông sản bảo đảm cả chất và lượng, đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, khi đã ký kết liên kết với DN, HTX, bà con nông dân không được tự ý “phá” hợp đồng khi giá bán trên thị trường cao hơn giá các đơn vị thu mua. Về phía các DN cũng cần giữ chữ “tín” bằng việc đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất (cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân); bảo đảm bao tiêu sản phẩm theo đúng cam kết ban đầu… - ông Nguyễn Tá
Cùng với sự nỗ lực của nông dân, DN, còn cần có sự hỗ trợ tích cực từ nhà quản lý. Việc quy hoạch, định hướng và triển khai sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị ngành hàng nên được các cấp, ngành chức năng trong tỉnh thực hiện chặt chẽ, bài bản. Đồng thời, kết hợp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nhất là việc bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử.
Cùng với đó, các đơn vị, tổ chức đoàn thể, HTX, chính quyền các địa phương cũng nên vào cuộc để đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người dân. Riêng với ngành Nông nghiệp và Môi trường, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi và vai trò của kinh tế hợp tác trong cả hệ thống chính trị, người dân nên tiếp tục chủ động mời gọi DN, HTX có đủ nguồn lực, uy tín, bảo đảm đầu ra ổn định để xây dựng và nhân rộng mô hình về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202504/lien-ket-tieu-thu-nong-san-can-cai-bat-tay-cua-doanh-nghiep-va-nong-dan-a091eb9/
Bình luận (0)