10:18 ngày 22/07/2025
Thanh Hóa xuất hiện sạt lở
Hầu khắp các khu vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều có mưa to đến rất to, đặc biệt là khu vực ven biển. Một số khu vực là tuyến đường giao thông, khu dân cư bị ngập sâu. Ở khu vực miền núi đã xuất hiện điểm sạt lở nhỏ, như tại xã Đồng Lương.
Nhiều tuyến đường giao thông ở Thanh Hóa ngập sâu sáng nay
ẢNH: PHÚC NGƯ
Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện một số điểm sạt lở nhỏ
ẢNH: PHÚC NGƯ
Tại tỉnh Ninh Bình, mưa vẫn tiếp diễn, gió nhẹ. một số tuyến đường giao thông bị ngập, nhiều cây xanh đổ gãy.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mưa vẫn tiếp diễn, nhiều cây xanh đổ gãy
ẢNH: PHÚC NGƯ
10:16 ngày 22/07/2025
Đồng lúa Nghĩa Hưng, Ninh Bình (Nam Định cũ) ngập trắng
Theo ghi nhận của Thanh Niên, đến khoảng 10 giờ sáng nay, nhiều khu vực ruộng lúa của người dân xã Nghĩa Hưng, tỉnh Ninh Bình đã bị ngập trắng. Người dân địa phương cho biết, mưa lớn từ đêm qua đến sáng nay chưa dứt khiến nước sông dâng cao, trong khi nước ở ruộng chưa thoát ra được nên dẫn đến tình trạng ngập úng. Lực lượng chức năng đã lắp máy bơm để chuẩn bị tát nước cứu lúa
"Chúng tôi mới cấy được hơn 1 tuần nay, lúa vẫn còn nhỏ nên chỉ cần mưa lớn hơn bình thường sẽ ngập", người dân địa phương cho hay.
Theo thống kê của hệ thống đo mưa chuyên dùng Vrain, tại xã Nghĩa Hưng đã ghi nhận lượng mưa 170 mm.
Cánh đồng xã Nghĩa Hưng ngập trắng
ẢNH: PHẠM QUÂN
Mực nước ngoài sông đang bằng mực nước trong ruộng
ẢNH: PHẠM QUÂN
Máy bơm được huy động để chuẩn bị bơm chống ngập úng
ẢNH: PHẠM QUÂN
10:05 ngày 22/07/2025
Hà Nội tạm hết mưa, gió thổi nhẹ
Mưa đã ngừng trên địa bàn Hà Nội vào lúc 10 giờ ngày 22.7
ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG
Đến 10 giờ, mưa không còn xuất hiện ở khu vực Hà Nội, chỉ còn gió thổi nhẹ, trời hửng nắng. Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vẫn đưa ra cảnh báo giông, tố, lốc, sét, mưa lớn cục bộ khu vực nội thành Hà Nội.
Theo đó, trong 4 giờ tới, các phường thuộc nội thành Hà Nội như: Việt Hưng, Bồ Đề, Hồng Hà, Ba Đình, Khương Đình... dự báo sẽ có mưa, mưa rào và có thể có giông. Vùng mưa giông sau đó có thể mở rộng sang các phường khác thuộc trung tâm thành phố.
09:58 ngày 22/07/2025
Ninh Bình: Người dân tập trung xem bão đổ bộ
9 giờ 54 phút sáng, bầu trời ven biển xã Hải Tiến (Ninh Bình) lặng gió, hết mưa, có vùng trời quang. Một số người dân tập trung trên đê để theo dõi tình hình bão đổ bộ.
Bầu trời ven biển xã Hải Tiến lặng gió
ẢNH: TUẤN MINH
Sóng biển tại khu vực này cũng không cao như lúc sáng sớm
ẢNH: TUẤN MINH
Người dân tập trung trên đê để theo dõi tình hình bão đổ bộ
ẢNH: TUẤN MINH
Đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình và Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai kiểm tra tại đê biển Đinh Mùi xã Hải Xuân
ẢNH: PV
09:52 ngày 22/07/2025
Bão số 3 đang đổ bổ Hưng Yên, Ninh Bình
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 10 giờ, tâm bão số 3 đã đi vào đất liền ven biển Hưng Yên đến Ninh Bình. Cường độ cấp 8 - 9, giật cấp 11.
Dự báo chiều và đêm nay, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam và suy yếu dần. Hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa to đến rất to cho khu vực Thanh Hoá, Nghệ An trong ngày và đêm nay với lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm.
Do vùng mây bão tập trung chính ở phần hoàn lưu phía nam Tây Nam của bão nên các tỉnh,thành phố ở phần hoàn lưu phía bắc của bão số 3 trong đó có Hà Nội, các tỉnh, thành Đông Bắc bộ lượng mưa sẽ giảm so với chiều và đêm qua.
Bão đổ bộ với gió cấp 8 - 9 rất nguy hiểm cho các hoạt động trên đường, có thể gây đổ cây cối, Khi đi sâu hơn trong đất liền, các khu vực, các xã phường phía nam Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6 - 7, cần hết sức đề phòng nguy hiểm.
09:29 ngày 22/07/2025
Tâm bão số 3 đã nằm trên vùng biển Hưng Yên - Ninh Bình
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 9 giờ bão số 3 đã nằm ngay trên vùng biển ven bờ Hưng Yên - Ninh Bình.
Trong khoảng 1 giờ tới tâm bão sẽ đi vào khu vực đất liền Hưng Yên - Ninh Bình và cường độ bão khi đi vào vẫn mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11 - 12.
Khu vực sâu trong đất liền các tỉnh, thành Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và Thanh Hoá có gió mạnh cấp 5 - 6, giật cấp 7.
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên tại P.Đồ Sơn (TP.Hải Phòng) trời không mưa nhưng đã xuất hiện sóng biển dữ dội hơn với những cột sóng cao vượt bờ kè.
Sóng biển Đồ Sơn dữ dội hơn trước giờ bão số 3 đổ bộ
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Sóng trùm kín bờ kè ở ven biển Đồ Sơn
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
09:15 ngày 22/07/2025
Ven biển Ninh Bình mưa dày hạt, sóng tiếp tục mạnh lên
Cơn bão số 3 đang tiến gần đất liền, tại xã Hải Tiến (Ninh Bình) tiếp tục có mưa dày hạt, ngoài biển sóng lớn. Các khu vực ven biển được đóng kín cửa, vắng người qua lại, chỉ còn một số người đang gia cố, kiểm tra tài sản ven bờ biển.
Sóng biển tại khu vực xã Hải Tiến khá lớn
ẢNH: TUẤN MINH
Các nhà hàng ven biển đóng kín cửa
ẢNH: TUẤN MINH
Người dân ra khu vực ven biển kiểm tra tài sản
ẢNH: TUẤN MINH
09:12 ngày 22/07/2025
Gió bão cấp 9 rất nguy hiểm ở vùng ven biển
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, với cường độ gió bão mạnh cấp 9, giật cấp 11 - 12 vẫn là cấp gió hết sức nguy hiểm đối với các phường, xã ven biển khu vực nam Hải Phòng, Hưng Yên (Thái Bình cũ), Ninh Bình (cũ).
Các chuyên gia Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đang theo dõi sát sao cơn bão số 3
ẢNH: PHAN HẬU
Cũng theo ông Khiêm, cấu trúc mây bão đã tập trung ở phía nam hoàn lưu bão. Khi tâm bão vào đất liền thì toàn bộ mây chính ở phía nam này sẽ gây mưa lớn tập trung ở Thanh Hoá, Nghệ An và một phần Hà Tĩnh.
Trong ngày hôm nay, bão số 3 tiếp tục gây mưa ở đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hoá, Nghệ An, lượng mưa 100 - 300 mm. Trong đó, vùng núi phía tây Nghệ An, Thanh Hóa là khu vực nhạy cảm, nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
09:09 ngày 22/07/2025
Biển Đồng Châu bắt đầu có sóng lớn, không mưa
Hiện tại khu vực ven biển xã Đồng Châu (Hưng Yên) gió bắt đầu mạnh dần, có sóng lớn, trời không mưa. Khu vực nhà hàng ven biển đóng cửa. Chủ các nhà hàng đã chằng chéo, tháo bớt mái tôn, gia cố nhà cửa để phòng chống bão.
Xe của công an phát đi thông báo nhắc nhở người dân xã Đồng Châu phòng tránh bão
ẢNH: NGUYỄN ANH
Ông Phan Văn Phiện dân xã Đồng Châu cho biết, đêm qua thì trời mưa rất to, gió khoảng cấp 9 10. "Tôi đọc báo thấy thông tin bão vào đất liền lúc 9 - 10 giờ, cũng rất lo lắng. Không biết bão này khi đỗ bộ có mạnh như báo Yagi năm 2024 không", ông Phiện nói.
Biển Đồng Châu đã bắt đầu có sóng lớn
ẢNH: NGUYỄN ANH
Từ nửa đêm hôm qua 21.7, toàn xã đã được cắt điện để đảm bảo an toàn. Ở đây chính quyền địa phương liên tục phát loa nhắc nhở để bà con chủ động phòng chống bão…
09:09 ngày 22/07/2025
Thanh Hóa mưa lớn
Khu vực P.Hạc Thành, trung tâm của tỉnh Thanh Hóa sáng 22.7, nhiều tuyến đường ngập trong biển nước.
Khu vực ngã tư đại lộ Lê Lợi (P.hạc Thành, Thanh Hóa)
ẢNH: PHÚC NGƯ
Dù chưa có gió to nhưng tác động của mưa lớn kéo dài khiến cho cây xanh ở P.hạc Thành đổ gãy chắn ngang đường giao thông
ẢNH: PHÚC
09:04 ngày 22/07/2025
Gần 200 chuyến bay bị hủy, đổi hướng tránh bão
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, ước tính có 129 chuyến bay phải đổi đường tránh bão; 57 chuyến bay phải bay chờ trong ngày 19.7; 11 chuyến bay đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và 2 chuyến bay đến Cảng hàng không Thọ Xuân phải đi sân bay dự bị.
Ngoài ra, trong ngày 21.7, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) huỷ 3 chuyến bay; sân bay Cát Bi (Hải Phòng) hủy 33 chuyến bay.
Kiểm tra công tác phòng tránh bão tại sân bay Nội Bài đêm 21.7
Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tại sân bay Vân Đồn và Cát Bi từ 23 giờ ngày 21.7 đến 12 giờ ngày 22.7.
Tại sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), trong ngày 22.7, Vietnam Airlines cho biết các chuyến VN1276 và VN1277; VN7264 và VN7265 giữa TP.HCM và Thọ Xuân sẽ được khai thác sớm, cất cánh tại Thọ Xuân trước 11 giờ. Các chuyến VN1278 và VN1279; VN7268 và VN7269; VN7276 và VN7277 cùng ngày sẽ bị hủy.
Tại sân bay Nội Bài, hãng đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết để quyết định phương án khai thác phù hợp. Ngoài ra, nhiều chuyến bay nội địa và quốc tế trong ngày 22.7 có thể bị ảnh hưởng dây chuyền bởi diễn biến của bão Wipha.
Để ứng phó với bão Wipha, nhiều má bay tại Nội Bài đã được chằng néo cẩn thận và đưa về những vị trí kín gió.
08:54 ngày 22/07/2025
Ven biển Ninh Bình bắt đầu có sóng lớn
Người dân kiểm tra, gia cố thêm bao cát ngăn nước tràn vào sân cửa hàng
ẢNH: TUẤN MINH
8 giờ 30 sáng 22.7, tại khu vực ven biển xã Hải Tiến (Ninh Bình) thời tiết tiếp tục có mưa dày hạt, sức gió bắt đầu mạnh lên, đạt khoảng 50 km/giờ. Biển bắt đầu xuất hiện sóng lớn. Khu vực nhà hàng ven biển xã Hải Tiến đóng kín cửa, không có người qua lại.
Theo ghi nhận, đã có một số biển hiệu bị sập đổ do gió lớn. Nhằm đảm bảo an toàn, người dân được yêu cầu không ra đường khi không có việc cần thiết.
Sáng sớm, tranh thủ khi bão chưa về một số người dân kiểm tra, gia cố tài sản sát bờ biển. Anh Phạm Văn Nghĩa (chủ một nhà hàng ven biển) cho biết ngày hôm qua đã huy động nhân viên, người nhà gia cố hơn 300 bao cát để ngăn nước dâng, gây hư hại tài sản.
"Trời mưa suốt từ hôm qua tới giờ nên ngập hết sân. Sáng nay tôi lại phải mở đường cho nước thoát bớt, tranh thủ gia cố thêm bao cát cho cao hơn. Tôi dự tính chiều nay nước sẽ lên sát đến sân cửa hàng", anh Nghĩa nói.
08:46 ngày 22/07/2025
Nhà dân ở Thanh Hóa bị ngập lụt do mưa lớn
Do ảnh hưởng của bão số 3, các xã nằm ở khu vực ven biển phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa đang có mưa to đến rất to.
Người dân ở thôn Thành Lộc bì bõm trong nước để kê dọn đồ đạc lên cao
ẢNH: PHẠM ĐỨC
Mưa lớn kéo dài khiến hàng chục nhà dân ở thôn Thành Lộc (xã Vạn Lộc, tỉnh Thanh Hóa) bị nước tràn vào nhà.
Một người dân ở đây cho biết, thôn Thành Lộc có mật độ dân cư đông đúc, nằm sát biển nhưng chỉ có một vài cống tiêu thoát úng ra biển nên mỗi khi có mưa lớn kéo dài là nhà của nhiều hộ dân bị nước tràn vào nhà.
"Đợt này do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn kéo dài từ đêm 21.7 đến sáng nay khiến nhiều tuyến đường trong thôn bị ngập sâu. Hệ thống thoát nước kém nên nước mưa tràn vào nhà của gia đình tôi và nhiều hộ dân xung quanh. Chúng tôi phải dậy sớm để kê dọn đồ đạc lên cao, khổ lắm", người dân này phàn nàn.
HD
auto
Xã Vạn Lộc, tỉnh Thanh Hóa - sáng 22.7.2025
08:46 ngày 22/07/2025
Hà Nội bắt đầu có gió mạnh
Tại Hà Nội, trời lộng gió cùng mưa nhỏ bắt đầu xuất hiện từ lúc 7 giờ 45 phút. Theo Đài khí tượng thủy văn Bắc bộ, trong hôm nay, khu vực vực phía bắc và phía tây gió sẽ mạnh dần lên cấp 4 - 5, giật cấp 6; khu vực phía nam và trung tâm thành phố gió mạnh dần cấp 5 - 6, giật cấp 7 - 8, cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 3.
Showroom nằm trên đường Phạm Văn Đồng hàn khung sắt ứng phó gió mạnh
ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG
Dự báo từ ngày 22 - 23.7, Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to và giông, trong đó lượng mưa ở 112/126 xã, phường từ 60 - 120 mm.
Để ứng phó với bão số 3, một showroom nằm trên đường Phạm Văn Đồng (P.Phú Diễn) đã hàn khung sắt, dùng bao cát để chống đỡ hệ thống cửa kính. Còn tại khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn (xã An Khánh), nhiều hộ dân ở khu vực trũng đã "be bờ, đắp đập" trước lối ra vào tầng hầm để ngăn nước chảy tràn khi mưa lớn
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lúc 8 giờ sáng nay 22.7, bão số 3 đang ở ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình. Dự báo khoảng 10 - 13 giờ hôm nay, tâm bão sẽ đi vào khu vực đất liền các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình.
Bão số 3 gây sóng lớn ở P.Đồ Sơn, TP. Hải Phòng sáng sớm nay 22.7
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Cũng theo ông Mai Văn Khiêm, cường độ bão khi đi vào đất liền vẫn mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11 - 12. Khu vực sâu trong đất liền các tỉnh, thành Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và Thanh Hoá có gió mạnh cấp 5 - 6, giật cấp 7.
"Trọng tâm gió mạnh sẽ là vùng ven biển Hưng Yên (Thái Bình cũ) và Ninh Bình (Nam Định cũ)", ông Khiêm nói.
Chốt chặn bờ biển trước giờ bão đổ bộ
Sáng 22.7, tại phường Đồ Sơn - địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, thời tiết tạm thời hửng nắng nhưng gió giật mạnh, sóng biển lớn liên hồi.
Trên các tuyến ven biển, chính quyền địa phương đã huy động nhiều chốt trực dọc bờ biển từ sáng sớm để kịp thời xử lý tình huống. Người dân được yêu cầu hạn chế ra đường, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Dọc ven biển P.Đồ Sơn (TP.Hải Phòng) sáng nay ghi nhận sóng dồn dập, sắp vượt qua bờ kè
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Chủ tịch UBND phường Đồ Sơn, cho biết đến sáng 22.7, phường đã hoàn tất việc di dời các hộ dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi trú ẩn an toàn.
"Đây là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão nên những hộ dân ở các vùng có nguy cơ cao chúng tôi đều đưa đến các điểm trú bão. Hiện có khoảng 150 người đã được bố trí tạm lánh tại các điểm an toàn. Công tác ứng phó với bão vẫn trong tầm kiểm soát. Địa phương luôn nâng cao cảnh giác, tuyệt đối đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu khi bão đổ bộ," ông Tuấn chia sẻ.
Ghi nhận của Thanh Niên tại quảng trường 15/5 và khu vực bãi biển số 1, số 2 cho thấy sóng biển bắt đầu dâng cao, nhiều đợt tràn qua các bờ kè, gió ngoài khơi giật cấp 8 - 9, mây đen dày đặc bao trùm.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/tam-bao-so-3-dang-do-bo-hung-yen-ninh-binh-185250722083421557.htm
Bình luận (0)