Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Miền Bắc huy động tổng lực ứng phó bão số 3

Ghi nhận trong ngày 21.7, các tỉnh miền Bắc đã huy động tối đa nhân lực, vật lực, căng mình chuẩn bị sẵn sàng nhiều phương án ứng phó với bão số 3. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu chuẩn bị phương án cao nhất để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên22/07/2025

Quân đội huy động hàng trăm nghìn người chống bão

Theo Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, để ứng phó với bão số 3 (Wipha) Bộ Quốc phòng đã huy động 346.210 cán bộ chiến sĩ (bộ đội 114.120 người; dân quân 232.090 người); 8.200 phương tiện các loại (5.061 ô tô; 216 tàu; 2.295 xuồng, ca nô; 623 xe đặc chủng; 5 máy bay).

Miền Bắc huy động tổng lực ứng phó bão số 3 - Ảnh 1.

Bộ đội biên phòng Quảng Trị thông báo cho các ngư dân về tình hình bão số 3

ẢNH: THANH LỘC

Miền Bắc huy động tổng lực ứng phó bão số 3 - Ảnh 2.

Người dân P.Đồ Sơn (TP.Hải Phòng) đưa tàu, thuyền vào khu vực tránh trú bão số 3

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Về công tác kiểm đếm tàu thuyền, Bộ đội biên phòng (BĐBP) các tỉnh từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.300 phương tiện/227.194 người biết diễn biến, hướng đi của bão số 3 để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Trong ngày 21.7, thực hiện Công điện số 117 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 4181 của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân VN về việc chủ động ứng phó với bão số 3, Cục Cứu hộ, cứu nạn tiếp tục đôn đốc các đơn vị quân đội duy trì nghiêm chế độ trực; nắm chắc tình hình diễn biến và hướng di chuyển của bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo Ban chỉ huy BĐBP các tỉnh, TP phối hợp với chính quyền địa phương từ Quảng Ninh - Đắk Lắk tích cực, chủ động triển khai công tác ứng phó bão số 3.

Cảnh sát biển VN đã tổ chức quán triệt và triển khai chỉ đạo của các cấp về phòng chống bão số 3. Trung tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển VN, yêu cầu các đơn vị chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 tuyệt đối không được chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng và tốt nhất các điều kiện để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão, mưa lớn gây ra theo phương châm "4 tại chỗ", "3 sẵn sàng", "5 chủ động".

Ninh Bình khuyến cáo người dân không ra đường từ trưa 22.7

Theo ghi nhận của Thanh Niên, khoảng 15 giờ ngày 21.7, khu vực ven biển tỉnh Ninh Bình bắt đầu có mưa nặng hạt, gió bắt đầu mạnh dần. Tại xã Giao Ninh (TT.Quất Lâm, tỉnh Nam Định cũ), ngư dân đưa hơn 200 tàu cá về bờ, gia cố, chằng buộc toàn bộ thân tàu bằng các dây thừng lớn.

Miền Bắc huy động tổng lực ứng phó bão số 3 - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân vùng ven biển Thanh Hóa di chuyển tài sản đến nơi an toàn

ẢNH: PHÚC NGƯ

Miền Bắc huy động tổng lực ứng phó bão số 3 - Ảnh 4.

Người dân P.Nam Định (Ninh Bình) được sơ tán đến Trạm y tế để đảm bảo an toàn

ẢNH: PHÚC NGƯ

"Khi nhận được tin cơn bão số 3, tôi đã chủ động đưa tàu về từ sáng hôm qua để tránh nguy hiểm. Tôi đã chằng 3 - 4 dây thừng vào thuyền để tránh gió lớn khi bão tới", anh Phạm Văn Long (chủ tàu cá) cho biết. Nhiều ngư dân còn đưa tàu cá lên đất liền để tránh thiệt hại.

Tại xã Hải Tiến, nhiều hàng quán đã đóng cửa, chủ cửa hàng gấp rút vận chuyển tài sản có giá trị về nơi an toàn trước khi bão số 3 đổ bộ. Cũng trong chiều 21.7, P.Nam Định (Ninh Bình) triển khai sơ tán hơn 1.000 người dân trong các khu chung cư, nhà ở xuống cấp đến nơi an toàn trước 19 giờ.

Trong tối 21.7, ông Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ký công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, ban ngành trong toàn tỉnh triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 3. Theo đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình và duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để chủ động phòng tránh, khắc phục kịp thời khi có tình huống xảy ra. Phối hợp với lực lượng quân sự, công an tiếp tục triển khai rà soát, sẵn sàng phương án di dời đến nơi an toàn đối với các hộ dân sinh sống tại các khu nhà yếu, nhà tạm, khu vực trũng thấp ven sông, ven biển có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu do ảnh hưởng của bão, mưa lũ, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân.

Cạnh đó, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân tại các điểm sơ tán. Tuyên truyền để người dân hạn chế không ra đường trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền (từ trưa 22.7).

Đưa ngư dân lên bờ, dựng lều sẵn sàng sơ tán dân

Tại tỉnh Quảng Ninh, lực lượng vũ trang tỉnh đã huy động 1.228 cán bộ, chiến sĩ cùng 27 ô tô các loại, 10 tàu và 32 xuồng, bố trí sẵn sàng trực chiến 24/24 tại các vị trí trọng yếu, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt hoặc ảnh hưởng mạnh bởi bão.

Lực lượng hiệp đồng từ Quân khu 3 tiếp ứng 1.435 cán bộ, chiến sĩ cùng 41 ô tô, 8 tàu, 27 xuồng và 6 xe đặc chủng. Các đơn vị đã vào vị trí, duy trì chế độ trực cao điểm, sẵn sàng cơ động khi có lệnh.

Miền Bắc huy động tổng lực ứng phó bão số 3 - Ảnh 5.

Ông Đỗ Văn Nương (54 tuổi, P.Đồ Sơn, Hải Phòng) đang khẩn trương chằng chéo lại tàu đánh cá tại bến neo thuyền Ngọc Hải, sáng 21.7

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Miền Bắc huy động tổng lực ứng phó bão số 3 - Ảnh 6.

Chiều 21.7, người dân ven biển Ninh Bình (Nam Định cũ) rút tàu, thuyền về nơi an toàn

Ảnh: Tuấn Minh

Tại đặc khu Vân Đồn đã có 374 tàu cá được đưa vào các vùng nước an toàn và khu neo đậu tránh trú bão được quy hoạch. Tại đặc khu Cô Tô, chính quyền địa phương đã hoàn tất công tác kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, bố trí 44 chuyến tàu đưa 8.850 du khách về bờ an toàn.

Cạnh đó, chính quyền đặc khu Cô Tô cũng đã ban hành thông báo tạm dừng hoạt động tắm biển, tour tham quan các đảo và tất cả hoạt động vui chơi dưới nước trên toàn địa bàn đặc khu Cô Tô kể từ 6 giờ 30 ngày 20.7.

UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu người dân đang trên các cụm lồng bè, nhà bè ở Vân Đồn phải rút vào bờ an toàn trước 10 giờ ngày 21.7. Mỗi nhà bè chỉ được bố trí một người trực, đảm bảo an toàn tính mạng trong bão. Việc neo đậu tàu, thuyền tại các khu tránh trú bão phải tuân thủ nghiêm ngặt, tránh tình trạng va đập, trôi dạt, gây thiệt hại về tài sản và thủy sản nuôi trồng.

Tại tỉnh Thanh Hóa, nhiều xã khu vực miền núi chính quyền địa phương đã dựng nhiều lán bằng tre, luồng, mái lợp bạt để sơ tán hoặc sẵn sàng sơ tán người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao khi mưa lớn kéo dài.

Tại xã Na Mèo, chính quyền địa phương đã dựng 3 chiếc lán ở khu vực đất trống, cách bản Cha Khót gần 1 km, sẵn sàng sơ tán 14 hộ dân ở bản đến ở, do các hộ này nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở cao. Tại xã Trung Hạ, chính quyền địa phương cũng đã dựng lán bằng tre, luồng để sơ tán 39 hộ dân với 168 nhân khẩu của bản Muỗng đến ở do vị trí nhà ở các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở rất cao.

Nhận định ảnh hưởng của bão số 3 sẽ gây mưa lớn, kéo dài nên chiều 21.7, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã họp trực tiếp và trực tuyến với 23 xã thuộc khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa để chỉ đạo công tác phòng, chống sạt lở gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản người dân.

Chuẩn bị phương án cao nhất để hạn chế thiệt hại thấp nhất

Trong sáng 21.7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Hải Phòng và Hưng Yên.

Theo Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Lê Ngọc Châu, địa phương này có 78 điểm xung yếu, bao gồm hệ thống đê điều, một số khu chung cư cũ và công trình có nguy cơ mất an toàn cao khi xảy ra bão. Các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát, đồng thời lên phương án di dời toàn bộ người dân tại các chung cư cũ có nguy cơ mất an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại trong vùng rủi ro.

Theo ông Châu, với khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, công an đã điểm danh toàn bộ số người đang ở trên lồng bè và tổ chức vận động lên bờ; trong trường hợp không chấp hành, địa phương sẽ thực hiện cưỡng chế để bảo đảm an toàn tuyệt đối về người.

Tại Đồ Sơn, do địa bàn có khả năng bị chia cắt, xuất phát từ kinh nghiệm trong bão Yagi (tháng 9.2024), địa phương chủ động thành lập 5 tổ công tác, với tổng quân số dao động từ 28 - 30 người. Các tổ công tác được phân bổ tại các khu vực như khu du lịch, khu cảng cá và các tổ dân phố hiện hữu trên địa bàn, thực hiện rà soát các đối tượng và các trường hợp có khả năng cao bị ảnh hưởng do bão.

Chỉ đạo tại Hải Phòng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, trước đây một huyện có thể có nhiều xã, nay chỉ còn một đơn vị hành chính cấp xã với quy mô rộng hơn nhưng nhiệm vụ và áp lực lại phụ thuộc rất lớn vào các điểm xung yếu trên địa bàn. "Mỗi xã đều có các tổ xung kích, nhưng khi xã khác xảy ra sự cố thì toàn bộ các xã khác phải chi viện ngay", Phó thủ tướng lưu ý và yêu cầu chuẩn bị phương tiện phòng, chống bão như xuồng, phương tiện vận tải, bao cát, đá... tập trung từ đầu, bảo đảm khi có sự cố thì xử lý được ngay tại chỗ, không để bị động.

Còn tại Hưng Yên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa cho hay, với các công trình trọng điểm như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Thái Bình 2 và một số dự án lớn đang thi công, tỉnh đã chỉ đạo kích hoạt phương án phòng, chống bão ở cấp độ cao nhất. Toàn bộ các hạng mục đang thi công dở dang đã được yêu cầu tạm dừng hoạt động, thiết bị, máy móc, vật tư xây dựng được thu hồi và di chuyển về nơi an toàn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do gió mạnh, mưa lớn và ngập úng có thể gây ra.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao cách tổ chức lực lượng xung kích theo mô hình "xã mở rộng" của Thái Thụy thay vì chỉ tổ chức một lực lượng xung kích chung, chính quyền xã đã thành lập 21 tổ xung kích ứng với 10 thôn, bảo đảm mỗi thôn đều có lực lượng trực tiếp tham gia ứng phó.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý Hưng Yên đặc biệt quan tâm tới diễn biến triều cường trùng thời điểm bão đổ bộ, có kịch bản cụ thể cho từng tình huống triều cường lên 4 - 5 m và yêu cầu công tác ứng phó bão số 3 chuẩn bị phương án cao nhất để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Thanhnien.vn

Nguồn:https://thanhnien.vn/mien-bac-huy-dong-tong-luc-ung-pho-bao-so-3-185250722002725011.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm