Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Loài cây quý giúp dân thoát nghèo

Sâm Ngọc Linh là dược liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam. Chỉ trong 5 năm qua, tại tỉnh Quảng Ngãi mới (tỉnh Kon Tum cũ) cây sâm hiếm này đã góp phần giúp hàng nghìn...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng04/07/2025

Sâm Ngọc Linh là dược liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam. Chỉ trong 5 năm qua, tại tỉnh Quảng Ngãi mới (tỉnh Kon Tum cũ) cây sâm hiếm này đã góp phần giúp hàng nghìn hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Là một trong những người đầu tiên trồng sâm Ngọc Linh, đạt mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, anh A Sỹ (sinh năm 1972, trú tại xã Măng Ri mới (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông cũ), được đồng bào Xơ Đăng nơi đây gọi trìu mến là “vua sâm”.

Anh A Sỹ cho biết: “Núi Ngọc Linh được thiên nhiên ban tặng bảo vật quý là sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, hàng chục năm trước, đồng bào nơi đây chưa nhận ra giá trị của sâm. Họ vào rừng khai thác tràn lan về bán rẻ hoặc đổi lấy gạo, áo quần, cá khô. Lo sợ sâm quý bị tuyệt chủng, tôi cùng một số người lên kế hoạch bảo tồn. Tôi đảm nhận nhiệm vụ xuống làng thu mua sâm của dân. Sâm gom được, tôi ủ chờ đủ số lượng sẽ gùi lên rừng trồng, nhân giống”.

Theo anh A Sỹ, lúc lên rừng trồng sâm, dân trong làng can ngăn, khuyên không nên vì không quản lý được sâm trên rừng, sẽ thất bại, chưa kể nhiều hiểm nguy, thú dữ chực chờ... Sau gần 12 năm miệt mài “ăn ngủ cùng sâm” nơi rừng sâu núi thẳm, anh đã gây dựng được vườn sâm quý. Khi biết anh trồng được sâm có giá trị cao, người dân địa phương đã xin tham gia. “Hiện tôi phát triển được khoảng 300.000 cây, tương đương 30 ha sâm Ngọc Linh. Điều khiến tôi vui, hạnh phúc hơn là từ sự thành công của mình, đồng bào Xơ Đăng đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, chuyển đổi sang trồng sâm quý để phát triển kinh tế”, anh A Sỹ chia sẻ.

Cùng các cá nhân như anh A Sỹ, chính quyền nhiều địa phương đã hỗ trợ tích cực người dân trồng sâm. Đơn cử, tại xã Tu Mơ Rông mới đầu năm nay đã cấp phát miễn phí hơn 3.300 cây giống sâm Ngọc Linh cho 40 hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ngay sau khi nhận sâm, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Tu Mơ Rông đã cùng người dân lên các khu rừng già được quy hoạch trồng sâm để xuống giống.

Hướng đến trở thành vùng dược liệu lớn

Theo thống kê, tại các xã Tu Mơ Rông, xã Măng Ri mới... của tỉnh, đến nay đã trồng được khoảng 2.922 ha sâm Ngọc Linh, đạt 65% mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra.

Cây sâm Ngọc Linh góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của người dân nơi đây từ tư duy trông chờ ỷ lại sang tư duy chủ động đầu tư phát triển kinh tế, chuyển từ phương thức đốt nương, phá rừng sang trồng rừng, nhờ đó có hàng trăm ha rừng được trồng mới mỗi năm, tạo hệ sinh thái bảo vệ vùng đệm gắn với phát triển du lịch.

Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra các trường hợp rao bán sâm Ngọc Linh giả bằng những loại củ có vẻ ngoài giống sâm Ngọc Linh. Người chịu thiệt hại đầu tiên là khách hàng khi bỏ số tiền lớn nhưng không mua đúng sản phẩm chất lượng, còn người trồng tâm huyết bị mang vạ. Vì vậy, để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh và quyền lợi người tiêu dùng, tỉnh đã bố trí hơn 13 tỷ đồng đầu tư hệ thống thiết bị phân tích cùng thiết bị kiểm định các thành phần của sâm; các địa phương trồng sâm cũng áp dụng việc lập hồ sơ vườn sâm với từng doanh nghiệp và người dân. Một số doanh nghiệp đã áp dụng giải pháp công nghệ định danh, gắn chip trên củ sâm Ngọc Linh.

Để tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu cây sâm và bảo tồn nguồn gen sâm Ngọc Linh bền vững, thời gian tới, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến sâu, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc.

Nguồn: https://baolamdong.vn/loai-cay-quy-giup-dan-thoat-ngheo-381065.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm