Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Loạt giải pháp khiến tội phạm "hết cửa" lừa đảo trong ngân hàng

(Dân trí) - Để ngăn chặn tình trạng lừa đảo, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ áp dụng sinh trắc học với tài khoản tổ chức, cấm sử dụng bí danh để giao dịch và xây dựng kho tài khoản nghi ngờ gian lận.

Báo Dân tríBáo Dân trí26/05/2025

Tài khoản tổ chức bắt buộc cập nhật sinh trắc học

Sáng nay (26/5), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo công bố sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2025. Bên cạnh những thông tin về quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) - chia sẻ nhiều giải pháp của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh tội phạm trên không gian mạng ngày càng gia tăng, diễn biến khó lường.

"Bên cạnh việc chúng ta ứng dụng công nghệ cao trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ của ngân hàng thì tội phạm cũng ứng dụng các công nghệ cao đó kể cả trí tuệ nhân tạo, học máy, học sâu ứng dụng vào trong các chiêu trò lừa đảo", ông Tuấn nêu vấn đề.

Chính vì vậy, trách nhiệm của NHNN là thường xuyên rà soát để hoàn thiện thể chế. Các văn bản pháp luật quy định được ban hành ngày càng chặt chẽ và kiện toàn hơn.  

Đại diện NHNN lấy ví dụ về Thông tư 17/2024 có hiệu lực từ 1/7/2024 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Một trong những quy định đáng chú ý là yếu tố thu thập thông tin sinh trắc học trong giao dịch tài khoản. Khách hàng muốn giao dịch trực tuyến cần phải cung cấp sinh trắc học. Khách không có nhu cầu giao dịch trực tuyến thì khi giao dịch tại quầy sẽ đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ông Phạm Anh Tuấn nêu, Đề án 06 đã giúp cho ngành ngân hàng làm sạch dữ liệu, đối chiếu, xác minh dữ liệu dân cư, xác định được chính chủ tài khoản. Hiện nay có trên 200 triệu tài khoản nhưng chỉ có 113 triệu hồ sơ tài khoản được đối chiếu. Thực tế, việc siết chặt tài khoản cá nhân khiến các đối tượng tội phạm chuyển hướng sang mở tài khoản tổ chức hoạt động như hộ kinh doanh cá thể để lừa đảo.

Chính vì vậy, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết dự kiến thời gian tới NHNN sẽ chỉnh sửa Thông tư 17 theo hướng tăng cường siết thêm đối với tài khoản tổ chức. Với tài khoản tổ chức sẽ yêu cầu chủ doanh nghiệp đến trình diện tại tổ chức tín dụng, không chấp nhận mở qua thư hay ủy quyền. Việc sinh trắc học sẽ được áp dụng tất cả từ cá nhân tới tổ chức khi thực hiện mở tài khoản để đảm bảo giao dịch chính chủ và dùng công nghệ xác minh.

Ngoài ra, ông Tuấn cho biết khi khách hàng giao dịch tại quầy, mang căn cước đến giao dịch theo quy định mới sẽ đối chiếu bằng thiết bị công nghệ thay vì cảm nhận chủ quan của giao dịch viên như trước.

Loạt giải pháp khiến tội phạm hết cửa lừa đảo trong ngân hàng - 1

Họp báo công bố sự kiện "Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025" (Ảnh: Trần Ngọc).

Dự kiến siết chặt với tài khoản hộ kinh doanh

Chia sẻ thêm về quy định sinh trắc học đối với tài khoản tổ chức, Vụ trưởng Phạm Anh Tuấn tiết lộ đối tượng áp dụng dự kiến là các tài khoản tổ chức mới thành lập trong vòng 6 tháng hoặc 9 tháng, khi thực hiện giao dịch trực tuyến sẽ phải sinh trắc học như khách hàng cá nhân. Quy định sẽ tập trung vào khách hàng mở tài khoản tổ chức nhưng hoạt động như hộ kinh doanh cá thể.

Đại diện NHNN cho biết quy định này đang trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến từ các tổ chức tín dụng, người dân. Tuy nhiên, tinh thần chung sẽ không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang hoạt động hợp pháp.

Ông Tuấn lấy ví dụ Thông tư 17 quy định áp dụng với tất cả doanh nghiệp nhưng dự thảo thông tư lần này sẽ miễn trừ với những công ty thuộc danh sách 500 doanh nghiệp lớn, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, tập đoàn, tổng công ty,..

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay trên 55% tài khoản tổ chức đã được đối chiếu sinh trắc học và việc thu thập sẽ tiếp tục được triển khai. Việc thu thập thông tin sinh trắc học cũng không khó khăn, chỉ cần chuyển thông tin từ tài khoản cá nhân của người đại diện doanh nghiệp đã được xác thực sinh trắc học.

Vụ trưởng Vụ thanh toán cho biết, đối với các tài khoản tổ chức không xác thực sinh trắc học vẫn giao dịch tại quầy. Do đó, quy định này không làm ách tắc, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.  

Cấm sử dụng bí danh khi giao dịch

Một giải pháp khác được Ngân hàng Nhà nước dự kiến áp dụng là cấm sử dụng bí danh trong giao dịch. Điều này đã có kiến nghị từ Bộ Công an. Theo đó, việc sử dụng bí danh gây rất nhiều hiểu lầm cho người chuyển tiền. Ví dụ cá nhân mở tài khoản tổ chức rồi đặt bí danh như tập đoàn, đa quốc gia, global nhưng thực tế là tổ chức lừa đảo.

NHNN cho biết đã có tổ chức tín dụng bị lợi dụng điều này, cơ quan công an đã văn bản kiến nghị. Người tiêu dùng cũng đã khiếu nại về hiểu nhầm khi giao dịch qua bí danh, gây thiệt hại. Thông tư mới sẽ không cho bí danh mà phải là số tài khoản cụ thể của ngân hàng mới thực hiện được giao dịch trực tuyến.

Ngoài ra, cơ quan này đang xây dựng kho tài khoản nghi ngờ lừa đảo và trong thời gian tới các ngân hàng lớn sẽ sớm thí điểm dịch vụ này. Ngân hàng BIDV là đơn vị đầu tiên thực hiện thí điểm từ ngày 1/4. Tính đến hiện tại, trên 100 tỷ đồng tiền trong tài khoản khách hàng đã được giữ lại thông qua cảnh báo tài khoản nghi ngờ.

Ông Tuấn nêu trong tháng 6 và tháng 7, các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, MB, Agribank sẽ triển khai dịch vụ cảnh báo tài khoản nghi ngờ. Cụ thể, khi khách hàng giao dịch chuyển tiền trên các ứng dụng tới các tài khoản nằm trong danh sách bị nghi ngờ gian lận sẽ nhận được cảnh báo.

Đại diện NHNN nói sau khi triển khai với 5 ngân hàng lớn, dịch vụ này thì sẽ triển khai toàn ngành. Dự kiến hệ thống giám sát các tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận, giả mạo (SIMO) sẽ vận hành chính thức từ ngày 31/7.

Ông cũng lưu ý, sửa đổi thông tư kỳ này sẽ bổ sung quy định cập nhật thường xuyên kho tài khoản nghi ngờ gian lận. Theo đó, các tài khoản sau khi xác thực sẽ được đưa ra khỏi danh sách để không gây ảnh hưởng tới quyền lợi của cá nhân, tổ chức. 

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/loat-giai-phap-khien-toi-pham-het-cua-lua-dao-trong-ngan-hang-20250526123037590.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm