Song song với việc hình thành đội ngũ nhân tài đông đảo và nhiều câu chuyện khởi nghiệp thành công, Trung Quốc đang chứng kiến sự ra đi sớm của một số nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực AI - chủ yếu do tai nạn hoặc bệnh tật. Những mất mát này làm dấy lên mối quan ngại về môi trường làm việc căng thẳng, áp lực lớn và những rủi ro cá nhân các nhà nghiên cứu phải đối mặt.
Nhà khoa học máy tính Liu Shaoshan chia sẻ: “Dù các chuyên gia AI có thể nhận mức lương cao, họ cũng đang làm việc trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt”. Ông cho biết, đôi khi một ý tưởng vừa bắt đầu thử nghiệm thì đã có nhóm khác công bố trước.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh những áp lực đạo đức các nhà nghiên cứu AI phải đối mặt: “Trí tuệ nhân tạo có tiềm năng tạo ra những biến đổi rất lớn trong xã hội. Việc gánh vác trách nhiệm với những ảnh hưởng này cũng gây áp lực tinh thần không nhỏ”.
South China Morning Post đã thống kê danh sách một số nhà khoa học AI hàng đầu Trung Quốc qua đời khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, với những đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực như thị giác máy tính, AI quân sự và công nghệ y tế.
Sun Jian (2022) - Chuyên gia thị giác máy tính
Tháng 6/2022, ông Sun Jian - nhà khoa học của công ty công nghệ AI Megvii (Trung Quốc) - qua đời vì bệnh đột ngột ở tuổi 45. Ông từng làm việc tại Microsoft, là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thị giác máy tính và nhiếp ảnh tính toán. Ông trở về Trung Quốc năm 2016, đảm nhận vai trò lãnh đạo nghiên cứu tại Megvii, nơi ông phát triển ShuffleNet - mạng nơron tối ưu hóa cho thiết bị di động, và Brain++, nền tảng AI lõi của công ty.

Năm 2019, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Trí tuệ Nhân tạo, Đại học Giao thông Tây An. Chuyên gia Sun Jian sở hữu 35 bằng sáng chế Mỹ, trong đó 13 bằng được đăng ký quốc tế.
Feng Yanghe (2023) - Chuyên gia AI quân sự
Tháng 7/2023, giáo sư Feng Yanghe - một trong những người tiên phong trong phát triển phần mềm mô phỏng quân sự tại Trung Quốc - qua đời khi đang trên đường thực hiện “nhiệm vụ quan trọng” ở tuổi 38.
Ông là phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Quốc phòng (NUDT), chuyên nghiên cứu mô phỏng chiến tranh, học tăng cường và lập kế hoạch thông minh. Feng dẫn dắt nhóm phát triển hệ thống War Skull I và II, công cụ mô phỏng cho các chiến dịch quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Trước đó, ông từng học thống kê tại Đại học Harvard và tính toán hiệu năng cao tại Đại học Iowa (Mỹ).
Tang Xiaoou (2023) - Nhà sáng lập SenseTime
Năm 2023, giáo sư Tang Xiaoou - người sáng lập tập đoàn công nghệ SenseTime, qua đời ở tuổi 55 do bệnh lý không được tiết lộ.
Sinh năm 1968, tại Liêu Ninh, ông Tang Xiaoou tốt nghiệp Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, sau đó sang Mỹ học cao học tại Đại học Rochester và nhận bằng tiến sĩ tại MIT năm 1996. Ông từng làm việc tại Microsoft Research châu Á, và năm 2014 thành lập SenseTime - một trong “bộ Tứ siêu đẳng” của ngành AI Trung Quốc.
SenseTime phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt đa góc, nhận diện theo thời gian thực, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực như tài chính, y tế và hành chính với mô hình ngôn ngữ lớn Ririxin.

He Zhi (2024) - Đồng sáng lập Yidu Tech
Ông He Zhi - đồng sáng lập kiêm giám đốc đổi mới của công ty công nghệ y tế Yidu Techc - qua đời ở tuổi 41 vào tháng 4/2024 do suy hô hấp và tim khi đang công tác tại tỉnh Thanh Hải, nơi có địa hình cao.
Theo cáo phó, He là người “dẫn đầu chuyển đổi số ngành y tế Trung Quốc”, từng tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa và làm việc tại Alibaba trước khi cùng sáng lập Yidu Tech vào năm 2015. Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, chuyên phát triển giải pháp y tế ứng dụng AI và dữ liệu lớn.
Quan Yuhui (2025) - Chuyên gia xử lý hình ảnh máy tính
Tháng 1/2025, ông Quan Yuhui - phó giáo sư Trường Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Đại học Công nghệ Hoa Nam - qua đời ở tuổi 39 do bệnh nặng.
Là tài năng trẻ, Quan Yuhui từng du học sau tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore và có hơn 80 công trình nghiên cứu quốc tế. Ông được xếp vào danh sách “Top 2% nhà khoa học hàng đầu thế giới” của Đại học Stanford năm 2024. Quan Yuhui tập trung nghiên cứu các lĩnh vực mới như nhiếp ảnh tính toán, học không giám sát và phân tích kết cấu.
Nỗi lo về môi trường làm việc khắc nghiệt
Những trường hợp qua đời khi còn trẻ liên tiếp của các nhà khoa học AI hàng đầu Trung Quốc trong vài năm gần đây đã thu hút sự chú ý không chỉ bởi sự mất mát về nhân lực, mà còn vì áp lực nặng nề giới nghiên cứu phải gánh chịu.
Dù trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực được đầu tư mạnh mẽ, tốc độ phát triển quá nhanh, kỳ vọng cao và sức ép từ cạnh tranh toàn cầu có thể đang khiến các nhà khoa học trẻ kiệt sức và tổn hại sức khỏe. Câu hỏi đặt ra là: Ngành công nghiệp AI Trung Quốc sẽ làm gì để bảo vệ nhân tài - những người được coi là then chốt trong cuộc đua công nghệ tương lai?
Nguồn: https://vietnamnet.vn/loat-nha-khoa-hoc-ai-hang-dau-qua-doi-lam-day-len-lo-ngai-ve-ap-luc-trong-nganh-2391513.html
Bình luận (0)