Theo GS.TS Ngô Thắng Lợi, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, xuất phát từ đặc điểm thể chế kinh tế tư nhân (KTTN), quá trình phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam có thể được chia thành bốn giai đoạn chính. Giai đoạn trước Đổi mới (trước năm 1986), khu vực KTTN hầu như không tồn tại, chỉ xuất hiện dưới dạng kinh tế cá thể nhỏ lẻ trong một số ngành nghề, chiếm khoảng 8% tổng giá trị sản lượng kinh tế miền Bắc (theo thống kê năm 1983). Tiếp theo là giai đoạn khởi động (từ năm 1990), khi Nhà nước bắt đầu công nhận sự tồn tại lâu dài của KTTN và ban hành Luật doanh nghiệp tư nhân (1990) – khung pháp lý đầu tiên dành riêng cho khu vực này.
Giai đoạn thứ ba đánh dấu bước cất cánh của KTTN, với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đã xóa bỏ ranh giới pháp lý giữa các loại hình doanh nghiệp, tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân. Từ năm 2014 cho đến nay, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư tạo ra nhiều cơ hội cho KTTN Việt Nam phát triển mạnh. Trên cơ sở đó cũng đã khẳng định được vị trí của KTTN, đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng của phát triển kinh tế.
Sự phát triển vượt trội của Kinh tế tư nhân trong thời gian qua |
Chính vì sự thay đổi về thể chế như vậy mà KTTN đã nỗ lực tạo nên sự phát triển vượt trội và đạt được những thành quả lớn trong thời gian vừa qua. Từ quá trình hình thành cho đến nay, lực lượng kinh tế tư nhân phát triển khá mạnh từ vốn đầu tư và số lượng doanh nghiệp. Kể từ năm 2011, khu vực KTTN của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về nguồn lực lẫn doanh thu, đặc biệt tốc độ tăng trưởng về doanh thu và về vốn cao hơn cả khu vực FDI. Nền KTTN Việt Nam đóng góp 43% GDP, sử dụng 85% lực lượng lao động. Những nỗ lực này cho thấy KTTN là động lực tăng trưởng và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam ngày càng rõ nét hơn.
Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế (Bộ Công Thương) chia sẻ, những yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, lao động, thuế quan… đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp.
Nút thắt về hệ thống chính sách: còn nhiều khía cạnh thiếu tính bao trùm giữa khu vực tư nhân với khu vực khác |
GS.TS Ngô Thắng Lợi cảnh báo khu vực tư nhân, với hơn 900.000 doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh, hiện đang đối mặt với nhiều rào cản. Sự chênh lệch trong tiếp cận nguồn lực thể hiện rõ nét: doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng góp 11,2% doanh thu toàn nền kinh tế nhưng chiếm tới 24,2% tổng lợi nhuận, nhờ lợi thế tiếp cận vốn ưu đãi và cơ chế đặc thù. Trong khi đó, khu vực tư nhân – dù là động lực chính của tăng trưởng nhưng phải gánh mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất, cùng hệ thống thủ tục hành chính phức tạp, chi phí "ngầm" và rủi ro pháp lý tiềm tàng.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) kiến nghị, trong thời gian tới cần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, môi trường kinh doanh. Theo đó, quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông hiện đại và các công nghệ điển hình.
Theo GS.TS. Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân, để duy trì mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống, việc xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế phù hợp là hết sức quan trọng. Hệ thống thể chế có tính bao trùm chính là nền tảng quan trọng cho một nền kinh tế thị trường đầy đủ và giúp khuyến khích sự tham gia của đại đa số người dân vào các hoạt động kinh tế.
Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cảnh báo: "Việt Nam chỉ có 5-10 năm vàng để thay đổi quỹ đạo phát triển. Nếu bỏ lỡ, giấc mơ trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 sẽ trôi qua. Thể chế chính là "cốt lõi mềm" của tăng trưởng. Trong bối cảnh cửa sổ dân số vàng sắp khép lại, việc không cải cách thể chế đồng nghĩa với việc đánh mất động lực tăng trưởng. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để Việt Nam chạm mốc thu nhập trung bình cao vào 2030 và vươn lên nhóm các nước phát triển vào 2045.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, khu vực KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế nước ta. Vì vậy, cải cách thể chế kinh tế, nâng cao môi trường kinh doanh cùng với việc đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những yếu tố then chốt mở ra cánh cửa phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. |
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/loi-mo-ve-the-che-cho-su-phat-trien-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-163060.html
Bình luận (0)