Từ miến dong Bình Liêu đến chè Shan tuyết Hà Giang, mật ong Cao Bằng… nông sản miền núi từng bước chinh phục người tiêu dùng thành thị nhờ tận dụng hiệu quả hệ thống phân phối. |
Chưa bao giờ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lại hiện diện nhiều đến vậy trên kệ hàng siêu thị và sàn thương mại điện tử. Từ đặc sản tưởng như chỉ có ở những phiên chợ vùng cao như mật ong rừng, chè Shan tuyết, miến dong Bình Liêu… giờ đây người tiêu dùng thành thị có thể dễ dàng tìm mua trong các chuỗi bán lẻ hiện đại như Co.opmart, Bách Hóa Xanh, WinMart, hay các cửa hàng thực phẩm sạch như Bác Tôm, Sói Biển… Nhưng phía sau những sản phẩm được “xuống phố” là cả một hành trình vượt dốc không hề đơn giản. Đó là hành trình của những người dân miền núi học lại cách phơi chè, đóng gói miến, thiết kế nhãn mác và tuân thủ các quy chuẩn chất lượng. Đó cũng là câu chuyện của các hệ thống phân phối hiện đại, khi họ không chỉ là người bán hàng, mà còn trở thành người bạn đồng hành, người mở đường và đôi khi là người… dạy lại cách làm nông sản. |
Trước đây, mật ong rừng Cao Bằng chủ yếu được người dân mang xuống chợ phiên bán trong những chai nhựa thô sơ, không thương hiệu, không truy xuất, không bao bì. Vậy mà giờ đây, tỉnh Cao Bằng có hai sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đó là mật ong Đoàn Linh, ở xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình và mật ong Hoàng Tung, ở xã Hoàng Tung, huyện Hòa An. Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng thương hiệu, uy tín của các sản phẩm mật ong tại địa phương, từ đó, tiếp tục mở rộng thị trường. Sự chuyển mình ấy là kết quả của việc đồng hành từ nhiều phía. Người sản xuất chủ động nâng cao chất lượng, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ các hệ thống bán lẻ hiện đại về bao bì, kiểm nghiệm, đóng gói, kênh phân phối. Không chỉ là câu chuyện mật ong, mà là câu chuyện của một “tư duy miền xuôi” đang thấm dần vào cách làm nông sản miền núi. Một trong những đặc sản mang đậm hồn cốt miền núi là chè Shan tuyết cổ thụ Hà Giang – loại chè mọc ở độ cao trên 1.200 mét, gốc phủ tuyết trắng, lá non hái tay từ sáng sớm, sao tay ngay trong ngày. Shan tuyết từng là thứ chè chỉ có trong nhà người Dao, người Mông. Nhưng giờ, những búp chè ấy đã “xuống phố” – vào các cửa hàng thực phẩm sạch với giá cao, khách tìm mua không chỉ vì vị chát ngọt thanh, mà còn vì câu chuyện văn hóa đằng sau mỗi búp chè. |
Tương tự, miến dong Bình Liêu (Quảng Ninh) - sản phẩm làm từ cây dong riềng và nước suối ngọt lành cũng từng bị lép vế vì bao bì sơ sài, không rõ nguồn gốc. Nhưng khi được đóng gói lại, truy xuất đầy đủ, gắn chứng nhận OCOP, miến Bình Liêu giờ đã hiện diện trong siêu thị, trở thành món quà được người Hà Nội ưa chuộng. Điểm chung của các sản phẩm này là: văn hóa bản địa vẫn giữ nguyên, nhưng được nâng cấp để tương thích với tiêu chuẩn hiện đại. Quan trọng là được “chọn mặt gửi vàng” từ hệ thống phân phối phù hợp. |
Trong câu chuyện “vượt dốc” của nông sản miền núi, các hệ thống phân phối hiện đại đã đóng vai trò lớn hơn một người mua bán đơn thuần. Họ chủ động đến tận vùng nguyên liệu, ký hợp đồng bao tiêu dài hạn, hỗ trợ tư vấn mẫu mã, kiểm nghiệm chất lượng, thậm chí tổ chức đào tạo trực tiếp cho bà con, HTX. Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc Siêu thị Coop Mart Hà Đông chia sẻ, Co.opmart là một ví dụ. Thay vì chỉ nhập hàng rồi trưng bày, hệ thống này xây dựng hẳn các chương trình: “Tuần hàng OCOP”, “Hàng Việt về nông thôn”, “Lễ hội hàng vùng cao”… giúp nông sản không chỉ bán được mà còn hiện diện, được kể chuyện, được lan tỏa giá trị. |
Co.opmart Hà Nội hiện có hơn 1.000 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã toàn quốc.Trong đó, sản phẩm đặc trưng miền núi, văn hóa vùng miền như: miến dong, cà phê, ca cao, chè… được khách hàng yêu thích Bên cạnh việc đưa ra mức giá bình ổn, Co.opmart Hà Nội cũng dành riêng khu vực trưng bày cho các sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy. Có thể thấy, đây là sự ưu tiên dành cho hàng hoá của bà con. Siêu thị luôn tạo điều kiện thuận lợi để sản vật địa phương khắp mọi miền tổ quốc tiếp cận rộng rãi đến người tiêu dùng. Bác Tôm là một chuỗi thực phẩm sạch được hình thành đầu tiên ở Hà Nội từ năm 2009, với tiêu chí là thực phẩm sạch, thuận tự nhiên. Nhận thấy tiềm năng lớn của người dân Thủ đô về thực phẩm sạch của bà con vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, các sản phẩm đặc sản vùng miền nói chung và các sản phẩm đặc sản ở miền núi phía Bắc hoặc hải đảo đã trở thành những sản phẩm chiến lược mũi nhọn và chiếm tỷ trọng từ 60 - 70% doanh thu bán hàng của Bác Tôm. Bà Nguyễn Thị Dân - Trợ lý giám đốc Chuỗi cửa hàng Thực phẩm sạch Bác Tôm cho biết, khi kinh doanh những sản phẩm nông sản, đặc sản miền núi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng đây lại trở thành lợi thế rất tốt của Bác Tôm. Bởi đây đều là các sản phẩm rất ngon, có nét đặc trưng văn hoá riêng của các vùng miền đến, thu hút người tiêu dùng Thủ đô nói chung và khách thập phương nói riêng và đã trở thành một thế mạnh của Bác Tôm. “Thế mạnh của các sản phẩm này là chất lượng và hương vị rất đặc trưng của vùng miền, gắn liền với bản sắc văn hóa của địa phương. Đó là điều rất thuận lợi để Bác Tôm tiêu thụ sản phẩm” – bà Nguyễn Thị Dân nói. |
WinMart và WinMart+ lại định vị nông sản vùng cao ở phân khúc cao cấp, đưa vào nhóm “thực phẩm xanh – nguồn gốc sạch”, trưng bày riêng, truyền thông kỹ về vùng trồng. Nhờ vậy, người tiêu dùng không chỉ ăn mà còn hiểu, nhớ và ủng hộ. WinCommerce - chủ đầu tư hệ thống Winmart, Winmart + thì đặt mục tiêu đạt 4.500 cửa hàng vào cuối năm 2025, tương đương mở trung bình khoảng 2 cửa hàng mới mỗi ngày, trong đó 1.900 cửa hàng được mở ở khu vực nông thôn. Với tốc độ mở mới gần 50 cửa hàng WinMart+ nông thôn mỗi tháng, mục tiêu mở rộng quy mô tại khu vực nông thôn của doanh nghiệp đang nằm trong tầm tay. Bên cạnh đó, chuỗi bán lẻ của Masan sẽ thí điểm mô hình WiN+, hợp tác với các cửa hàng tạp hóa truyền thống để cung cấp sản phẩm thiết yếu và ưu đãi. Mô hình WiN+ hoàn thiện chiến lược bán lẻ đa kênh của WCM, phục vụ các vùng nông thôn và thôn bản còn thiếu vắng hệ thống bán lẻ hiện đại. Mô hình này giúp gia tăng thị phần, lấp đầy khoảng trống trên thị trường, đồng thời hỗ trợ WCM hiện thực hóa mục tiêu nhân đôi thị phần trong thị trường tạp hóa trị giá 50 tỉ USD tại Việt Nam vào năm 2029. Hệ thống phân phối ở nông thôn sẽ là cầu nối vô cùng vững chắc cho sản phẩm ở nông thôn ra thành thị, trong đó có cả sản phẩm của các địa phương miền núi. Bách Hóa Xanh thì đi theo mô hình “cùng nông dân làm chuỗi”: xuống tận vùng trồng, ký cam kết tiêu thụ từ đầu vụ. Các mặt hàng như rau cải mèo, nấm hương bản địa, thịt hun khói… đã được đưa về thử nghiệm tại thị trường Nam Bộ, nhận phản hồi rất tích cực. |
Không chỉ có cửa hàng vật lý, thương mại điện tử đang trở thành “chợ phiên lớn nhất” cho nông sản miền núi. Gian hàng vùng cao trên Shopee, Sendo, nongsan.buudien.vn... giúp những HTX ở tận Mù Cang Chải, Bắc Mê, Đăk Glei... bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng ở Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh. |
Thay vì chở xuống huyện, giờ bà con livestream từ nương rẫy, kể chuyện cây chè, giọt mật, củ nghệ. Không còn khoảng cách không gian, chỉ còn khoảng cách tư duy. Và khoảng cách ấy đang được rút ngắn nhanh chóng. Là sàn thương mại điện tử chuyên nông sản, ông Phạm Quyết Tiến - Giám đốc ban điều hành kinh doanh sàn nông sản (nongsan.buudien.vn) - Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) chia sẻ, trong thời gian vừa qua, nền tảng thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ được rất nhiều các chiến dịch lớn liên quan đến các mặt hàng nông sản như là vải Bắc Giang, mận Sơn La, cam Cao Phong tại Hòa Bình, dưa lưới Ninh Thuận… Trên cơ sở ở bước đầu thành công đó, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã định hình lại, tập trung sâu vào ngành nông nghiệp và thúc đẩy bán những mặt hàng nông sản. Bước đầu, khi đi theo định hướng này, nhìn chung, Bưu điện Việt Nam gặp thuận lợi nhờ người tiêu dùng rất ưa chuộng nông sản Việt, đặc biệt là đặc sản miền núi. Ngoài ra, nền tảng nông sản bưu điện cũng đang thí điểm phát triển những mô hình cửa hàng bán hàng trực tiếp, hiện tại ở Hà Nội đang xây dựng 3 điểm là bưu cục Giảng Võ, bưu cục Tây Sơn và bưu cục Hà Đông. Sau thời gian thí điểm, sẽ nhân rộng ra các địa phương khác, tận dụng tối đa lợi thế địa điểm bưu cục của bưu điện thường ở vị trí khá tốt, sẽ dễ dàng để truyền thông, quảng bá, tiếp cận đến với khách hàng trực tiếp một cách dễ dàng hơn. Đây cũng là một cái giải pháp bán hàng O2O (Online to Offline và ngược lại) để khách hàng dễ tiếp cận hơn đối với các sản phẩm thực tế. Dù đã có nhiều câu chuyện thành công, tiêu thụ nông sản miền núi vẫn chưa dễ dàng. Rào cản vẫn là logistics yếu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tiêu chuẩn thống nhất giữa các địa phương. Sản lượng thấp, chất lượng chưa đồng đều cũng là rào cản lớn. Vì vậy, theo các chuyên gia, để chuỗi kết nối giữa miền núi - miền xuôi bền vững, cần ba yếu tố: niềm tin giữa người sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng; năng lực thật sự của hợp tác xã; và vai trò điều phối từ chính quyền để thống nhất tiêu chuẩn, hỗ trợ logistics, xúc tiến thương mại. |
Một chai mật ong, một gói miến, một búp chè không chỉ là thực phẩm. Đó là câu chuyện văn hóa, sinh kế và khát vọng. Khi hệ thống phân phối hiện đại không chỉ bán, mà còn dẫn dắt, hỗ trợ và tôn trọng bản sắc, nông sản miền núi không chỉ được tiêu thụ mà còn được trân trọng và nâng tầm. Sự kết hợp giữa “tinh hoa đại ngàn” và “bàn tay thị trường” là con đường khả thi để sản vật vùng cao không chỉ hiện diện ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… mà còn có thể vươn xa ra thị trường thế giới. |
Phương Lan Đồ họa: Ngọc Lan |
Nguồn: https://congthuong.vn/longform-nong-san-mien-nui-chinh-phuc-nguoi-tieu-dung-mien-xuoi-389450.html
Bình luận (0)