Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lớp học 'Ngôi nhà mơ ước' của cô giáo khuyết tật

Dù rất thiệt thòi khi bị khuyết tật chân nhưng suốt 8 năm qua, cô giáo "tí hon" Dương Thị Sinh đã hiện thực hóa ước mơ biết chữ của các em nhỏ kém may mắn. "Nhìn các em học, tôi thấy hình ảnh mình trong đó, giúp các em thực hiện ước mơ cũng chính là đang thực hiện ước mơ làm cô giáo của tôi", cô Sinh trải lòng.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên10/05/2025

Cô giáo "tí hon"

Đến với lớp học của cô giáo Dương Thị Sinh ở xã Minh Trí (H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội), từ xa chúng tôi đã nghe thấy tiếng đánh vần to rõ của các em học sinh. Bước vào lớp là không khí học tập hết sức nghiêm túc, khi có khách đến các em vẫn ngồi ngoan, chỉ có cô giáo niềm nở bước trên đôi chân tập tễnh ra đón chúng tôi.

Quan sát mới thấy đôi chân cô Sinh bên dài bên ngắn rõ rệt, tuy vậy cô chẳng hề tự ti mà vui vẻ "khoe" cô có biệt danh "Kăng gu ru" vì chân thấp chân cao. Ngày xưa cô cũng rất buồn nhưng vì đã quen và chẳng còn vết thương nào có thể làm cô đau đớn nữa nên cô chọn dùng nụ cười để đối đáp với cuộc đời.

"Tôi sinh ra trong gia đình có 4 chị em, khi được 2 tuổi tôi chẳng may mắc chứng viêm cơ. Do nhà nghèo và y học ngày đó còn chưa phát triển nên tôi không được điều trị lâu dài, dẫn đến một bên chân bị teo ngắn hơn chân còn lại gần 30 cm, đi lại khá khó khăn", cô Sinh tâm sự.

Ngày nhỏ, cô Sinh còn không đi được, nhiều lúc phải bò, mẹ bèn cõng cô đi học. Đến khi tự đi được, mỗi khi bước ra đường, cô đều cúi mặt và bước thật nhanh vì sợ bị người khác trêu chọc, đặc biệt mỗi khi đến tiết thể dục là lúc cô Sinh cảm thấy tủi thân nhất. Đến lúc vào cấp 3, dù đỗ điểm cao nhưng mẹ cô không muốn con gái đi học vì trường ở xa nhà, sau đó phải thuyết phục mãi mẹ mới đồng ý. Hết lớp 12, cô ấp ủ ước mơ thi vào trường sư phạm để sau này làm cô giáo.

Lớp học 'Ngôi nhà mơ ước' của cô giáo khuyết tật - Ảnh 1.

Hiện nay lớp học của cô Sinh có 64 học trò

ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

"Ngày đi thi đại học, chẳng ai đưa tôi đi và chẳng ai tin tôi sau này sẽ có thể làm cô giáo, vì vậy tôi phải tạm gác ước mơ này lại", cô Sinh chia sẻ.

Sau đó, cô tự đi xin việc làm phổ thông để với mong muốn có thể tự nuôi bản thân. Tuy nhiên, chẳng công ty nào nhận một người khuyết tật, sức khỏe yếu vào làm việc. Cô Sinh bèn đi học nghề may và sau đó may mắn có công việc may quần áo cho công nhân.

Lớp học của tình thương

Theo nghề may hơn chục năm, tần tảo sớm hôm nuôi con một mình, cô Sinh chưa bao giờ kêu than mệt mỏi. Tuy nhiên, cơ thể dần không nghe lời, cô thấy sức yếu đi rõ rệt, rồi lại phát hiện hệ xương đang bị thoái hóa trầm trọng, cộng thêm xơ dây thanh quản, khiến cô phải dừng công việc may vá, chỉ làm túc tắc qua ngày.

Lúc đó, khoảng năm 2016, gần nhà cô Sinh có 2 em nhỏ bị khiếm khuyết chậm phát triển, đã đến trường học vài năm nhưng không hiệu quả. Bố mẹ 2 em ngỏ lời nhờ cô Sinh kèm cặp thêm và cô cảm thấy ước mơ làm cô giáo của mình đang dần thành hiện thực. Buổi sáng, cô Sinh đưa 2 em đến lớp trên chiếc xe ba bánh của mình, đến chiều lại đón về nhà dạy kèm.

Được bạn bè tặng bảng, bàn ghế, sách vở cho các con, cô dồn hết tâm huyết dạy dỗ, quan tâm các con như một người được đào tạo sư phạm thực thụ và đặc biệt, hoàn toàn không thu học phí. Tiếng lành đồn xa, một số phụ huynh trong thôn có con bị khuyết tật trí tuệ cũng tìm đến lớp học của cô Sinh.

Lớp học 'Ngôi nhà mơ ước' của cô giáo khuyết tật - Ảnh 2.

Cô Sinh đưa các em đi trải nghiệm thực tế

ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

"Lớp học lớn dần theo thời gian, phụ huynh này truyền tai phụ huynh kia. Tôi bắt đầu nhận các em từ 7 giờ sáng, chia lớp thành các nhóm vì các em có độ tuổi khác nhau, tổng số lượng học sinh từ trước đến nay là 64 em, dạy ngày 2 - 3 ca. Lớp học hiện nay có hơn 20 em chậm phát triển trí não. Đôi lúc có những bạn tăng động, đùa nghịch trong lớp, tôi phải nhẹ nhàng uốn nắn, thật sự bình tĩnh và yêu thương, không nóng giận thì mới dạy dỗ được các em", cô Sinh nói.

Cho dù thu nhập từ nghề may bập bõm không đáng là bao song cô Sinh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện thu học phí của các con, có phụ huynh mang gạo đến gửi cô nấu cơm cho các con thì cô nhận hay bạn bè ủng hộ đồ dùng học tập thì cô xin. Hiện tại, cô Sinh thuộc hộ cận nghèo với mức trợ cấp 1,1 triệu đồng/tháng, số tiền này cô chủ yếu dùng mua bút vở cho các con.

Lớp học 'Ngôi nhà mơ ước' của cô giáo khuyết tật - Ảnh 3.

Cô Sinh tặng xe lăn cho trẻ em khuyết tật

ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Bên cạnh đó, con gái cô Sinh là cháu Dương Chi Ân hiện đang học lớp 8 và có thành tích học tập rất ấn tượng. Những lúc ở nhà, Chi Ân đều hăng hái làm "trợ giảng" cho mẹ, em không tị nạnh khi mẹ quan tâm dạy dỗ những em thiếu may mắn mà còn đồng hành cùng mẹ trong công việc ý nghĩa này. "Con ước mơ sau này sẽ trở thành cô giáo, thực hiện ước mơ của con và của mẹ con", Chi Ân tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Nhự, phụ huynh học sinh Nguyễn Như Tuấn ở thôn Thắng Hữu (xã Minh Trí), cho biết: "Đi khám, bác sĩ bảo cháu bị chậm phát triển, thần kinh không ổn định. Gia đình cũng đã cho cháu đi học nhiều trung tâm chuyên biệt nhưng cháu không tiếp thu được nhiều. Gia đình rất vui khi cháu học ở lớp cô Sinh hơn 1 năm nhưng đã biết đọc chữ, biết làm toán, tôi cảm ơn cô rất nhiều".

"Cô còn khỏe, các con còn lớp"

Suốt 8 năm qua, lớp học tình thương mang tên Ngôi nhà mơ ước của cô Sinh chỉ có người trong xã biết đến vì đơn giản cô chẳng mấy khi "khoe" việc thiện nguyện của mình mà chỉ nghĩ dốc hết tấm lòng san sẻ với học trò.

"Tôi rất thương các con sinh ra đã không được may mắn, không được đến trường vui học cùng bạn bè đồng trang lứa. Tôi không dám nhận mình là cô giáo, chỉ mong sự giúp đỡ bé nhỏ của tôi phần nào giúp các con tự tin hòa nhập, có một cuộc sống tốt hơn. Tôi ước mơ có một phòng học khang trang hơn, không bị dột, hắt nắng, có thêm đồ dùng học tập", cô Sinh chia sẻ.

Lớp học 'Ngôi nhà mơ ước' của cô giáo khuyết tật - Ảnh 4.

Cô Sinh được trao danh hiệu Người tốt việc tốt 2024 của UBND TP.Hà Nội

ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Với cô Sinh, món quà ý nghĩa nhất chẳng phải hoa hay quà mà là những lúc học trò tự tay nhắn tin cho cô. Những dòng chữ đó tưởng chừng như không thể nhưng đã biến thành có thể khi đến với lớp học của cô.

Không những thế, cô Sinh còn nhận nuôi em Hoàng Văn Thắng, 15 tuổi, quê ở xã Khánh Cư (H.Yên Khánh, Ninh Bình). Mồ côi bố từ nhỏ, mẹ bỏ đi, Thắng tha hương cùng bác đến chùa thôn Thắng Trí. Đến năm 8 tuổi, Thắng vẫn chưa được đi học như các bạn. "Tôi nhận đỡ đầu Thắng, coi em như con mình, dẫu kinh tế tôi không có nhưng tôi sẽ cố gắng tìm mọi cách cho cháu đến trường", cô Sinh chia sẻ.

Ông Tạ Văn Viên, Bí thư chi bộ thôn Thắng Trí, cho biết: "Tuy hoàn cảnh khó khăn, bản thân khuyết tật, song cô Sinh luôn cố gắng vượt qua khó khăn, gieo từng con chữ cho học trò hoàn toàn miễn phí suốt 8 năm qua. Cô còn làm chủ tịch Hội Người khuyết tật xã, chăm lo đời sống cho các hội viên, được mọi người rất quý mến".

Lớp học 'Ngôi nhà mơ ước' của cô giáo khuyết tật - Ảnh 5.

 

Nguồn: https://thanhnien.vn/lop-hoc-ngoi-nha-mo-uoc-cua-co-giao-khuyet-tat-185250509172606931.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm