Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lý do đề xuất bỏ hội đồng trường mầm non, phổ thông

Bộ GD-ĐT cho rằng, việc duy trì hội đồng trường không mang lại hiệu quả mà còn tăng gánh nặng hành chính.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên15/05/2025

Bà Mai Thị Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT), cho biết dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục mới được Bộ GD-ĐT công bố sửa đổi theo hướng bỏ hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Điều này nhằm làm gọn bộ máy, tăng hiệu lực thực thi và tạo điều kiện để đổi mới thực chất hoạt động nhà trường dựa trên các thiết chế dân chủ sẵn có như cấp ủy, công đoàn, ban đại diện cha mẹ học sinh, hội đồng sư phạm...

Lý do đề xuất bỏ hội đồng trường mầm non, phổ thông   - Ảnh 1.

Bà Mai Thị Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT), nêu những điểm mới trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục

ẢNH: MOET

Trong báo cáo tổng kết việc thi hành luật Giáo dục năm 2019, nhiều địa phương đã phản ánh thực trạng hội đồng trường ở các trường mầm non và phổ thông công lập hoạt động hình thức, thiếu thực quyền, trùng vai và không tạo ra giá trị quản trị thực chất.

Hệ thống trường mầm non, phổ thông công lập hiện nay chưa được giao quyền tự chủ về tài chính, nhân sự hay tổ chức bộ máy, nên vai trò của hội đồng trường không được thiết kế gắn với chức năng thực tiễn.

Hơn nữa, trong phần lớn nhà trường, hiệu trưởng đồng thời làm chủ tịch hội đồng trường và là bí thư chi bộ, bí thư đảng bộ, dẫn đến trùng lặp vai trò và làm mờ nhạt chức năng giám sát, phản biện của hội đồng trường.

Do vậy, theo Bộ GD-ĐT, việc duy trì hội đồng trường không những không mang lại hiệu quả mà còn tăng gánh nặng hành chính. Vì vậy, trên tinh thần tinh giản tổ chức và tăng tính tự chịu trách nhiệm của hiệu trưởng đối với trường công lập, việc bỏ quy định hội đồng trường ở trường mầm non, phổ thông công lập là một bước đi cần thiết.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng quy định về hội đồng trường lại rất cần thiết ở khối trường tư thục bởi đặc thù của sự ra đời và phát triển ở mô hình này.

Tại buổi tọa đàm góp ý dự luật mới đây, bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), đề xuất dự luật cần bổ sung quy định về hội đồng trường đối với hệ thống các cơ sở giáo dục tư thục nhằm tránh chồng chéo giữa các chức danh chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng nhà trường. 

Cắt giảm, đơn giản hóa hơn 50% thủ tục hành chính

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều quy định có liên quan đến thủ tục hành chính. Bộ GD-ĐT đặt trọng tâm cắt giảm, đơn giản hóa trên 50% các thủ tục hành chính thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người học, cơ sở giáo dục và nhà đầu tư. 

"Các quy định được sửa đổi, bổ sung dự kiến có tác động trực tiếp đến 69 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD- ĐT", Bộ GD-ĐT nêu.

Cũng theo bộ này, những điều chỉnh nêu trên sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và hồ sơ giấy tờ cho người học và nhà đầu tư; tạo thuận lợi cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục; tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, giảm nguy cơ phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; khơi thông điểm nghẽn, thúc đẩy đầu tư vào giáo dục ngoài công lập và mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục.

Bộ GD-ĐT mới đăng tải hồ sơ dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục lên Cổng thông tin điện tử của bộ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến đến hết ngày 9.7. 

Nguồn: https://thanhnien.vn/ly-do-de-xuat-bo-hoi-dong-truong-mam-non-pho-thong-18525051515070635.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm