Cảnh quê.
Có nhiều cách định nghĩa về vè, trong đó, nổi bật là khái niệm “loại hình diễn xướng dân gian” có từ xa xưa, mang đậm bản sắc, phong vị của con người và vùng đất nơi xuất xứ của những câu vè. Ở góc độ học thuật, nhóm tác giả Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh trong cuốn “Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ” định nghĩa: “Vè là một dạng báo nói do dân gian sáng tác và truyền tụng rất rộng rãi nhằm phản ánh kịp thời các sự kiện trong cuộc sống hằng ngày trong xóm, ấp, địa phương, dân tộc. Nó cũng là những tri thức dân gian về tự nhiên, về đạo lý được bắt vần để đưa về các khuôn dạng ổn định, dễ thuộc, dễ nhớ”.
Về hình thức, vè là những câu bắt vần, mỗi câu có thể có số chữ khác nhau, không quy định. Trong một bài vè, cũng không nhất thiết mỗi câu có số chữ bằng nhau. Từ ngữ dùng trong bài vè thường mang đậm ngôn ngữ sinh hoạt, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, không trau chuốt, cầu kỳ, lắm khi mang tính bông đùa, châm biếm…
Tác giả Nguyễn Văn Hầu, trong cuốn “Diện mạo văn học dân gian Nam Bộ”, giải thích: “Vần của vè là thứ vần cước hoặc thứ vần yêu do tùy hứng mà biến chuyển ra một cách du di linh động, còn ngôn phong của vè là thứ ngôn phong hoàn toàn bình dân, nặng mùi địa phương, cách hẳn những cầu kỳ trau chuốt của một thứ văn hóa đài các”. Như vậy, có thể nhận định đặc điểm vè qua các yếu tố: văn vần, ngôn ngữ bình dân, và đặc biệt, có phần mở đầu đặc trưng để nhận dạng, thông dụng nhất là “Nghe vẻ nghe ve. Nghe vè (nội dung bài vè)”.
Vè Cần Thơ - tiếng lòng yêu nước
Ðến nay, có nhiều công trình sưu tầm, giới thiệu về vè Cần Thơ như “Dân ca Hậu Giang”, “Văn học dân gian Sóc Trăng” và một số bài nghiên cứu của các nhà sưu tầm, nghiên cứu địa phương. Trong đó, mảng nội dung vè kháng chiến, thể hiện lòng yêu nước khá phong phú, rõ nét. Ðó là những bài vè thể hiện tâm tư, tình cảm với quê hương, xứ sở trong cảnh nước mất, nhà tan, lên án giặc xâm lăng và hay tường thuật các sự kiện xảy ra.
Ðơn cử như bài “Vè đánh giặc Tây” có từ năm 1946 được sưu tầm tại Ðại Ngãi, Long Phú (nay là xã Ðại Ngãi, TP Cần Thơ) thể hiện tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh, đồng cam cộng khổ cùng cuộc kháng chiến chống Pháp. Ðó là lời phê phán đanh thép: “Là bọn Việt gian. Sao dám cả gian. Theo Tây chỉ chọc. Mấy thằng đâm thọc. Quên hết cửa nhà. Quên đức ông bà. Quên ơn Tổ quốc”. Bài vè tôn vinh những người con yêu nước, anh dũng của quê hương, đất nước, bởi lẽ: “Còn người yêu nước. Ai cũng mến thương. Nhắc nhở biểu dương. Thiệt là xứng đáng”. Hay với bài “Vè đánh đồn Ðại Ngãi” sưu tầm tại Kế An, Kế Sách (nay là xã Kế Sách, TP Cần Thơ), bà con lên án giặc ở đồn Ðại Ngãi là “Ðộc ác khôn lường” và kể lại cuộc đấu tranh, đánh đồn anh dũng của người dân địa phương.
Ở địa bàn thị xã Sóc Trăng (nay thuộc TP Cần Thơ), công trình “Dân ca Hậu Giang” ghi nhận bài “Vè nói ngược” với tên gọi khác là “Vè Ngô Ðình Diệm” rất thú vị. Bằng lối nói ngược, nghĩa là “nói một đằng nghĩ một nẻo”, “nói vậy chứ không phải vậy” theo lối mỉa mai, châm biếm, đả kích, bài vè lên án Ngô Ðình Diệm rất sâu cay: “Diệm rằng yêu nước. Chia cắt sơn hà. Diệm mến dân ta. Tù đày giết bắn”. Cứ như vậy, tội ác, xảo trá của Ngô Ðình Diệm được vạch trần. Ðể rồi kết thúc bài vè, dân gian đúc kết: “Bắt người vô tội. Diệm nói Việt Minh. Yêu nước đấu tranh. Diệm phao phiến loạn. Nhè đầu Diệm choảng. Nói ngược mà chơi. Ớ bà con ơi. Nghe vè thằng Diệm”.
Ở Tân Thành, Phụng Hiệp (nay là phường Ðại Thành, TP Cần Thơ), có bài “Vè giặc Mỹ”, thuật lại tội ác, âm mưu của giặc Mỹ và tay sai. Với lối kể dân gian dễ nhớ, ngôn từ mạnh mẽ, giàu hình ảnh, bài vè như một bản án đanh thép: “Thất bại rõ ràng. Thấy không giặc Mỹ. Nói đây cho kỹ. Sơ kết cho mầy tường. Biết khôn mầy tìm đường. Trốn đi cho sớm”.
Còn có những bài vè thuật lại các sự kiện cụ thể, thời gian địa điểm rõ ràng, như Vè dân Ninh Thới, Vè xóm Cống Ðôi, Vè ấp Xa Mao… Ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn (cũ), nay là phường Phước Thới, TP Cần Thơ, chúng tôi sưu tầm được bài Vè kinh Giải Phóng từ ông Ngô Văn Quang (Chín Quang, nay đã qua đời). Bài vè kể lại chuyện đào con kinh ở địa phương hồi đầu năm 1961, để phục vụ việc di chuyển, vận tải dạn dược. Ðịch phát hiện, chúng tàn sát đồng bào, giết 11 người. Con kinh sau đó được đào thông dòng, lấy tên kinh Giải Phóng và sự kiện này được thuật lại bằng bài vè rất hay, mở đầu bằng mấy câu: “Nghe vẻ nghe ve. Bà con lắng nghe. Tôi nói bài vè. Của Rạch Trà Luộc. Rạch cong đuôi chuột. Trổ tuốt Rạch Tra. Có nhiều ngã ba. Miễu Trắng ngó ra. Ngã ba Giải Phóng”.
Sông nước miền Tây, nơi sản sinh những câu hò vè lý thú.
Ðọc vè mà ngẫm chuyện đời
Vè Cần Thơ còn có nhiều bài vè thế sự, thuật lại chuyện sinh hoạt, tình cảm thường ngày của cư dân. Văn phong của mảng nội dung vè này cũng rất phong phú, từ tình cảm đến bông lơn, đả kích…
Bài Vè tệ uống rượu (bài 1) được sưu tầm ở Gia Hòa Ðông, Mỹ Xuyên (nay là xã Gia Hòa, TP Cần Thơ) rất thú vị, với lời lẽ châm biếm nhẹ nhàng, vừa buồn cười nhưng cũng đầy thâm thúy. Bài vè kể chuyện, từ lúc 1 ly, 2 ly còn lịch sự, anh em khiêm nhường, trên kính dưới nhường, vậy rồi lần hồi: “Lên tay múa cẳng. Xà nẹo xà quắn. Ngã tới xiêu lui. Không còn đầu đuôi…”. Kết thúc bài vè là lời nhắn nhủ rõ ràng: “Không ngày nào lỏi. Con trẻ xem thường. Tan nát gia cang. Sanh lòng đạo tặc. Vè này xin nhắc. Bổn phận đàn ông”. Trong quyển “Dân ca Hậu Giang” còn sưu tầm Vè tệ uống rượu (bài 2) ở Kế An, Kế Sách (nay là xã Kế Sách, TP Cần Thơ), nội dung hoàn toàn khác, lời lẽ phong phú, văn hoa hơn và nội dung cũng sâu cay hơn: “Người ghiền rượu còn gì nói nữa. Chữ ngãi nhơn đành phải lôi thôi. Ðặt vè này để lại răn đời. Thầm nhắc nhủ những anh trai còn trẻ”.
Mảng nội dung này rất phong phú, như chuyện đi hỏi vợ, cúng miễu, đi cấy, vè vận nghèo, vận khổ, vè về tánh nết của con người… Bài Vè sợ vợ sưu tầm ở An Mỹ, Kế Sách (nay là xã Nhơn Mỹ, TP Cần Thơ) rất khôi hài, kể chuyện bà vợ “làm trời làm tướng” gây khổ cho ông chồng sợ vợ “không hồi kết”: “Tôi có vợ chằn. Chịu sao cho thấu. Một ngày làm xấu. Chẳng biết mấy lần/ Nó chửi nó dần. Như lươn trên thớt…”. Ðọc bài vè Vận nghèo ở Phong Nẫm, Kế Sách (nay là xã Phong Nẫm, TP Cần Thơ), thấy cái nghèo thật đáng sợ. Chỉ trừ 2 câu rao đầu “Cây khô tưới nước cũng khô. Thời nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo” thì các câu còn lại đều bắt đầu bằng chữ nghèo, ví như “Nghèo tanh nghèo hôi. Nghèo lòi mắt cá/ Nghèo lả xương hông. Nghèo không gạo nấu. Nghèo thấy Ngọc hoàng”… Không chỉ than thân trách phận, bài vè phản ánh thực trạng cách đây gần 100 năm, dân ta chịu áp bức bóc lột của thực dân, chiến tranh giặc giã.
Mảng nội dung thế sự còn nổi bật với những bài vè phê phán thói hư tật xấu của con người. Phụ nữ làm biếng, không kỹ lưỡng hay ngủ ngày, ngủ nướng sẽ bị phê phán bằng những bài vè. Bài Vè đàn bà làm biếng ở Nhơn Mỹ, Kế Sách (nay là xã Nhơn Mỹ, TP Cần Thơ), đầy hình ảnh: “Nghe vẻ nghe ve. Nghe vè làm biếng. Ăn vô ba miếng. Kiếm chỗ mà nằm. Cái mặt chằm dằm. Giả đò đau bụng…”. Hình ảnh nhiều ông chồng làm biếng cũng rất buồn cười: “Thằng chồng mắc dịch. Trưa trờ trưa trật. Còn nướng trong mùng. Con vợ kêu rùm. Năm hồi bảy hiệp…”.
Kẻ nịnh bợ ít được thương. Bài Vè thằng nịnh sưu tầm ở An Lạc Thôn, Kế Sách (nay là xã An Lạc Thôn, TP Cần Thơ) đánh trực diện vào những người có thói quen nịnh bợ, “thượng đội hạ đạp”: “Phần mày muốn sống thì cái nịnh mày thâu. Ðàn kìm gảy lỗ tai trâu. Ðặt vè mà nói biết đâu mà sờ”. Cũng vậy, nhiều bài vè sưu tầm ở Cần Thơ lên án rất dữ thói cờ bạc, đỏ đen. Bài Vè đánh bạc ở xã Mỹ Tú, TP Cần Thơ, có đoạn: “Ðầu hôm xơ xác. Bạc tốt như tiên. Nửa đêm không tiền. Bạc như chim cú. Cái đầu xù xụ. Con mắt trỏm lơ…”. Hay bài Vè chiêm bao đánh số, thấy gì cũng bàn, bàn gì cũng ra số, bỏ chuyện làm ăn, ruộng rẫy, cửa nhà. Ðể rồi cái kết bài vè nghe thật thấm thía: “Tiền bạc hết rồi. Than trời trách đất. Một ngày chết giấc. Năm bảy chục lần. Tiến tới nợ nần. Tinh thần rối loạn. Thôi đừng chơi các bạn…”.
Cảnh sắc quê hương
Rõ ra, đằng sau những bài vè là bài học về đối nhân xử thế ở đời, là lời của ông bà răn dạy cháu con. Xin dừng bài viết bằng mấy câu trong bài Vè cha mẹ dạy con cái sưu tầm ở An Lạc Thôn, Kế Sách (nay là xã An Lạc Thôn, TP Cần Thơ) rất sâu sắc: “Lễ nghi con giữ mọi đàng. Lấy câu kính lão đắc chàng là hay” và: “Giữ mình lễ nghĩa phép khuôn. Nhớ ơn mới tích được ơn, mới tài”!
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH
-------------------------
Ngữ liệu trích từ:
“Dân ca Hậu Giang”, Lê Giang - Lư Nhất Vũ - Nguyễn Văn Hoa - Minh Luân, Sở Văn hóa Thông tin Hậu Giang, 1986;
“Văn học dân gian Sóc Trăng”, Chu Xuân Diên (chủ biên), NXB TP Hồ Chí Minh, 2002.
Nguồn: https://baocantho.com.vn/ly-thu-ve-o-can-tho-a188214.html
Bình luận (0)