Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mang di sản đến gần hơn với thế hệ trẻ

Với quyết tâm đổi mới phương thức giáo dục di sản, Bảo tàng Điêu khắc Chăm hướng đến đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các chương trình, mang di sản đến gần hơn với thế hệ trẻ.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng27/07/2025

Học sinh tham quan, tìm hiểu các hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: Tư liệu
Học sinh tham quan, tìm hiểu các hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: Tư liệu

Những chương trình này không chỉ góp phần xây dựng, nâng cao nhận thức về di sản, góp phần tăng cường mối liên kết, quan hệ chặt chẽ giữa di sản với học sinh, nhà trường, gia đình, mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những di sản quý giá của dân tộc.

Đổi mới cách tiếp cận

Vào những năm 2000, chương trình giáo dục di sản của bảo tàng vẫn loay hoay tìm hướng đi. Học sinh đến đây chủ yếu để tham quan theo lối thụ động, thiếu cơ hội được khám phá, trải nghiệm và tương tác trực tiếp với di sản.

Từ năm 2013, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã điều chỉnh phương thức tổ chức các chương trình giáo dục. Theo đó, tổ chức các lớp học theo chủ điểm cho các nhóm học sinh dựa trên lứa tuổi và nội dung giảng dạy tại trường học.

Mục đích của các lớp học, về mặt kiến thức là để các em tiếp xúc và tìm hiểu các tác phẩm điêu khắc, qua đó nâng cao hiểu biết về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật Champa.

Về mặt kỹ năng, các buổi học giúp các em phát triển óc sáng tạo, các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống như: làm việc độc lập và theo nhóm, thuyết trình, viết, tìm kiếm - sưu tầm - kết nối hiện vật bảo tàng với thực tế cuộc sống, quan sát - phân tích, suy luận logic...

Với nhận thức mới này, bộ phận Giáo dục của Bảo tàng Điêu khắc Chăm đưa vào thí điểm chương trình “Con vật linh yêu thích của bạn là gì?” dành cho học sinh tiểu học độ tuổi 6-10. Chương trình thu hút sự tham gia của nhiều trường học trên địa bàn thành phố, đem lại làn gió mới cho công tác giáo dục của bảo tàng và làm tiền đề cho những thay đổi trong những năm sau đó.

Đội ngũ nhân viên phụ trách công tác Giáo dục còn đưa vào thử nghiệm chương trình “Cùng em khám phá” dành cho khối tiểu học và THCS. Qua đó, học sinh được tìm hiểu sâu hơn về lịch sử của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng trong diễn trình giao thoa văn hóa Việt - Chăm và tìm hiểu một số hiện vật gắn liền với các di tích Chăm tại địa phương mình và các Bảo vật quốc gia của bảo tàng. Chương trình được lồng ghép với các hoạt động trải nghiệm như in tranh khắc gỗ, vẽ, tô tranh; các trò chơi đố vui như ô số may mắn, bức tranh bí ẩn; các trò chơi vận động như vượt chướng ngại vật, ném bóng, đội bóng về đích.

Hiệu quả bước đầu

Có thể nói “Cùng em khám phá” là chương trình giáo dục thành công của Bảo tàng Điêu khắc Chăm nhờ sự chọn lọc chủ đề thú vị, bổ trợ cho các chương trình học ở nhà trường, cũng như việc lồng ghép các hoạt động thể chất và trí tuệ phù hợp với lứa tuổi, tâm lý của học sinh.

Sau mỗi chương trình dành cho đối tượng THCS, bộ phận Giáo dục tiến hành khảo sát ý kiến của học sinh tham gia để ghi nhận phản hồi và từ đó thay đổi, cải tiến các chương trình tiếp theo nếu cần thiết. Qua khảo sát, những ý kiến phản hồi đều cho thấy mức độ hài lòng của học sinh, đặc biệt trong các hoạt động, trò chơi mang tính tương tác.

Tham gia chương trình, Nguyễn Cao Thảo Nguyên (lớp 6/3 Trường THCS Trần Hưng Đạo) bày tỏ: “Tham gia trò chơi không chỉ vui mà còn giúp em khám phá nhiều điều mới lạ mà trước giờ em chưa biết đến. Em thật sự rất hào hứng! Nếu có lần sau, em rất mong lại được tham gia để tiếp tục học hỏi và trải nghiệm thêm nữa”.

Trong một khảo sát khác, em Phan Bảo Khang (lớp 6/9, Trường THCS Kim Đồng) nhận xét: “Trước khi đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm, em từng nghĩ môn Lịch sử thật khô khan và khó tiếp cận. Nhưng sau khi được chiêm ngưỡng những bảo vật quốc gia và lắng nghe các câu chuyện ẩn sau từng pho tượng, em cảm thấy như đang bước vào một thế giới đầy bí ẩn và kịch tính. Có những điều mà ngay cả các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được. Em đặc biệt ấn tượng với tượng thần Shiva - một tuyệt tác gắn liền với điệu nhảy huyền thoại đầy mê hoặc”.

Những năm gần đây, với những thay đổi mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI trong việc hỗ trợ người dạy và học, bảo tàng đang hướng đến việc tăng cường các ứng dụng này trong việc phát triển hoạt động giáo dục di sản mới, tích hợp các “trợ lý” công nghệ trong việc khám phá di sản tại bảo tàng, hỗ trợ các lớp học “từ xa”, hoặc dành cho các đối tượng đặc biệt như trẻ em khuyết tật.

Nguồn: https://baodanang.vn/mang-di-san-den-gan-hon-voi-the-he-tre-3297996.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm