Đoàn ĐBQH thành phố Huế thảo luận tại tổ 7 cùng các đoàn: Lạng Sơn, Thái Nguyên và Kiên Giang.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH TP. Huế) tham gia thảo luận. Ảnh: Đoàn ĐBQH TP. Huế cung cấp

Các ý kiến tại phiên thảo luận cho thấy, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo hướng minh bạch, đồng bộ, hiệu quả – để không chỉ bảo vệ nội lực quốc gia mà còn nâng cao uy tín và sức hút của Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế.

Nguy cơ "vào danh sách đen" nếu thiếu minh bạch sở hữu tài sản

Tham gia thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH TP. Huế) đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu cấp thiết của việc minh bạch hóa thông tin về chủ sở hữu tài sản trong bối cảnh Việt Nam đang chịu giám sát từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Ông dẫn chứng các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), trong đó khuyến nghị số 24 và số 10 yêu cầu các quốc gia phải xác định rõ danh tính của “chủ sở hữu hưởng lợi” – tức người thực sự sở hữu tài sản hoặc kiểm soát doanh nghiệp. Đây là yếu tố cốt lõi để phòng chống rửa tiền và thu hút đầu tư minh bạch.

“Việt Nam hiện đang nằm trong danh sách xám của FATF. Nếu không có điều chỉnh kịp thời, nguy cơ bị đưa vào danh sách đen là rất lớn”, đại biểu cảnh báo.

Ông cũng lưu ý, nếu rơi vào “danh sách đen”, Việt Nam có thể bị đánh giá là thị trường kém minh bạch, khiến dòng vốn đầu tư quốc tế sụt giảm nghiêm trọng.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này cần làm rõ các quy định liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi. Theo đại biểu, dự thảo luật đã bước đầu thể hiện tinh thần này ở Điều 3 (giải thích thuật ngữ) và Điều 10 (trách nhiệm cập nhật thông tin định kỳ).

“Ngay cả thông tin như nơi cư trú, tình trạng hôn nhân… nếu không cập nhật chính xác cũng bị đánh giá là không minh bạch,” ông Hải Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh Luật Doanh nghiệp, đại biểu Hải Nam cũng chỉ ra bốn bất cập lớn trong thực thi Luật Quy hoạch. Đó là, chồng chéo quy hoạch giữa Trung ương và địa phương, gây khó trong xác định ưu tiên. Tiến độ lập quy hoạch chậm do thủ tục phức tạp và quy định thiếu đồng bộ. Phối hợp thiếu hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương; không có cơ chế rõ ràng về trình tự xử lý. Nguồn lực hạn chế, đặc biệt là tài chính cho việc lập và điều chỉnh quy hoạch.

Ông kiến nghị cần sửa đổi các quy định liên quan để rút ngắn thời gian, tăng tính chủ động cho địa phương và thúc đẩy triển khai quy hoạch đồng bộ, hiệu quả.

Thành lập quỹ công: Tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực

Cùng phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế Nguyễn Thị Sửu cảnh báo về nguy cơ lãng phí và chồng chéo trong việc thành lập các quỹ nhà nước mới, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường và năng lượng sạch.

Bà cho biết, hiện Việt Nam đã có nhiều quỹ với chức năng tương đồng như: Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ phát triển khoa học – công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia

Ngoài ra, tại các địa phương như Đắk Nông, Bình Dương, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh… cũng đã thành lập nhiều quỹ môi trường cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc vận hành một số quỹ còn thiếu hiệu quả, phân tán nguồn lực và làm gia tăng chi phí hành chính.

“Nếu không kiểm soát chặt, các quỹ này có thể bị sử dụng sai mục đích, gây thất thoát,” bà Sửu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng cho rằng, nhiều quỹ hiện nay chỉ tiếp cận được bởi doanh nghiệp lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh, người dân – đối tượng chính trong chuyển đổi năng lượng – lại gặp nhiều rào cản. Điều này đi ngược với mục tiêu phát triển bền vững và công bằng.

Từ thực tế đó, bà đề xuất nên tích hợp chức năng của quỹ mới vào các quỹ hiện có để tránh chồng chéo. Nếu thực sự cần lập quỹ mới, thì cần làm rõ cơ chế vận hành độc lập, minh bạch, có kiểm toán xã hội và báo cáo định kỳ trước Quốc hội.

“Xây dựng nghị định hướng dẫn cần bám sát các nguyên tắc quản trị quỹ công theo thông lệ quốc tế…,” bà Sửu khuyến nghị.

Lê Thọ

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/minh-bach-so-huu-tai-san-va-quan-ly-quy-cong-153471.html