
Mô hình nuôi sâu canxi đang được nhiều hộ ở Xuân Quang áp dụng. Kỹ thuật nuôi đơn giản, chi phí đầu tư ban đầu thấp. Sâu canxi là nguồn thức ăn giàu đạm và canxi giúp gia cầm lớn nhanh, khỏe mạnh, giảm phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp.

Anh Thèn Văn Trọng, thôn Cốc Tủn 2, cho biết anh đã tận dụng những thùng xốp cũ để nuôi sâu canxi suốt ba năm qua.
“Nuôi sâu canxi rất dễ. Cho ăn cũng đơn giản. Có thể tận dụng thức ăn thừa, chất thải chăn nuôi. 10 gam trứng sâu cho ra 20 kg sâu thành phẩm”, anh Trọng chia sẻ.
Nhờ bổ sung sâu canxi vào khẩu phần ăn, đàn gà của gia đình anh Trọng phát triển tốt hơn, sức đề kháng cao hơn, giúp giảm đáng kể chi phí cám công nghiệp. Thu nhập vì thế cũng tăng lên.
Ông Tải A Lài, cùng thôn, cũng là hộ tiên phong tham gia mô hình.
“Trước đây cho gà mái đẻ ăn ngô trộn cám gạo thì tỷ lệ đẻ chỉ khoảng 50%. Sau khi cho ăn sâu canxi, tỷ lệ đẻ lên 70%. Thu nhập từ bán trứng rõ ràng hơn.


Quy trình nuôi sâu canxi không đòi hỏi công nghệ cao. Người dân chỉ cần thùng xốp, xô nhựa, chậu để làm nơi ươm và nuôi sâu. Trứng ấu trùng được ươm khoảng hai tuần sẽ phát triển thành sâu thành phẩm, sản lượng tăng nhanh.
Nguồn thức ăn cho sâu rất sẵn có như chất thải chăn nuôi, bã ngô, cám, rau thải. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giảm lượng chất thải ra môi trường. Sâu canxi có khả năng xử lý nhanh chất thải hữu cơ, giảm mùi hôi và hạn chế ô nhiễm. Đây được xem là hướng đi quan trọng để giải quyết bài toán môi trường trong chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông thôn.
Hiện xã Xuân Quang đang tích cực mở rộng mô hình. Từ 20 hộ ban đầu tham gia thử nghiệm, xã tiếp tục hỗ trợ thêm nhiều hộ mới. Người dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật từ ươm giống, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nuôi sâu canxi là giải pháp thúc đẩy chăn nuôi tuần hoàn. Nguồn thức ăn giàu đạm và canxi giúp vật nuôi phát triển tốt, giảm phụ thuộc vào cám công nghiệp. Đồng thời, chất thải chăn nuôi được xử lý sạch, hạn chế ô nhiễm đất, nước, không khí. Sâu canxi còn có thể làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, dầu sinh học, phân bón hữu cơ. Khi phát triển quy mô lớn, mô hình này có thể tạo thêm việc làm tại chỗ và mở rộng thị trường thông qua các hợp tác xã và tổ hợp tác.
Lãnh đạo xã Xuân Quang cho biết, địa phương đang hướng đến xây dựng vùng sản xuất chuyên canh sâu canxi kết hợp chăn nuôi gia cầm quy mô lớn. Mục tiêu là chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi tại chỗ, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi, đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân và bảo vệ môi trường nông thôn.
Mô hình nuôi sâu canxi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân mà còn phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp sạch, tuần hoàn, bền vững trong giai đoạn mới.
Nguồn: https://baolaocai.vn/mo-hinh-nuoi-sau-canxi-o-xuan-quang-post648458.html
Bình luận (0)