Hợp tác xã Bản Việt tổ chức livestream bán hàng trên các nền tảng số. |
Đưa đặc sản địa phương lên “sàn”
Thái Nguyên hiện có 240 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 đến 5 sao, bằng 200% chỉ tiêu theo Đề án phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2019-2025 của tỉnh. Trong đó có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.
Trong số các sản phẩm OCOP của tỉnh có 154 sản phẩm trà, chè (cây trồng chủ lực của tỉnh); 41 sản phẩm thực phẩm chế biến (bún, miến, thịt sấy, dầu ép, nem…); 44 sản phẩm là gia vị, đồ uống, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, thực phẩm tươi sống, sản phẩm thô, sơ chế; 1 sản phẩm dịch vụ du lịch.
Theo đánh giá, mỗi sản phẩm được xếp hạng OCOP đều được nâng giá trị kinh tế khoảng 20% trở lên. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm vẫn chỉ được tiêu thụ nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, chưa được nhiều khách hàng biết đến.
Với mục tiêu phát triển mạnh các sản phẩm OCOP, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm bán trên các nền tảng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT).
Thành công lớn nhất trong năm 2024 là Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ với TikTok Việt Nam và Công ty TNHH Shopee Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, khẳng định: Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã chủ động kết nối, đàm phán và thống nhất hợp tác chiến lược trong việc hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Sau nhiều ngày nỗ lực, HTX sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt (HTX Bản Việt, địa chỉ tại xã Bảo Lý, huyện Phú Bình) đã cho ra mắt Gian hàng Bản Việt - Thái Nguyên trên sàn TMĐT Shopee. Đây là một mô hình mới, chưa có tiền lệ, khẳng định một bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Thái Nguyên vươn xa...
Gian hàng nông sản chung của Thái Nguyên trên Shopee. |
Bà Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc HTX Bản Việt, cho biết: Để người dân trong nước và quốc tế biết đến gian hàng nông sản chung của Thái Nguyên trên sàn TMĐT Shopee, hằng ngày, vào 2 khung giờ là 12 giờ và 20h, chúng tôi đều tổ chức livestream bán hàng của các nền tảng Facebook, rồi chuyển khách sang sàn Shopee. Mỗi phiên trong khoảng thời gian 1,5 tiếng, chúng tôi giới thiệu từ 4-5 sản phẩm nông nghiệp của Thái Nguyên để người mua nắm bắt, theo dõi, đưa vào giỏ hàng của mình. Từ ngày 1-4, gian hàng chính thức được mở bán, chúng tôi đưa ra nhiều "Deal hời", phần quà hấp dẫn với khách hàng...
Giờ đây, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đặc trưng của Thái Nguyên chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh hoặc máy tính. Gian hàng là nơi quy tụ hàng trăm sản phẩm hàng hóa nông sản tinh hoa, đặc sắc của các HTX trong tỉnh, trong đó có nhiều sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao.
Triển khai mô hình tuyến phố thương mại điện tử
Sở Công Thương đang giao Trung tâm Xúc tiến thương mại đẩy mạnh công tác khảo sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên tuyến đường Lương Ngọc Quyến (thuộc phường Quang Trung và phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên) để xây dựng mô hình tuyến phố TMĐT.
Trung tâm Xúc tiến thương mại đã phối hợp với phường Hoàng Văn Thụ, phường Quang Trung khảo sát trên 150 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên tuyến đường Lương Ngọc Quyến, trong đó 149 cơ sở đã đăng ký tham gia tuyến phố TMĐT, thực hiện mở gian hàng và vận hành kinh doanh trên sàn TMĐT Shopee, TikTok...
Sở Công Thương cũng đã giao Trung tâm Xúc tiến thương mại là đầu mối, phối hợp hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc, tư vấn đối với các đơn vị trong việc thiết lập và vận hành gian hàng trên sàn TMĐT Shopee, TikTok.
Cán bộ Sở Công Thương khảo sát các cửa hàng trên đường Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên) để xây dựng mô hình tuyến phố thương mại điện tử. |
Cùng với việc khảo sát để xây dựng mô hình tuyến phố TMĐT, Sở Công Thương đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT.
Hiện, các địa phương đang triển khai quyết liệt, huy động sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu từ TMĐT và kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Trong tháng 4 này, Sở Công Thương phối hợp với TikTok Việt Nam triển khai Chương trình livestream “Chợ phiên OCOP Thái Nguyên 2025”. Đây tiếp tục là bước đi cụ thể nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của Thái Nguyên thông qua việc kết nối tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng TMĐT.
Để thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển, năm nay, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2025; Festival Nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2025; Chương trình “Xúc tiến sắc màu nông sản thời kỳ 4.0 - Thái Nguyên 2025”; các Chương trình Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc sản (như na Võ Nhai, gà đồi Phú Bình) cùng các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa…
Đây là cơ sở để các doanh nghiệp, HTX tham gia nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, hợp tác, kết nối cung cầu, mở rộng kênh phân phối sản phẩm.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202504/mo-rong-kenh-ban-hang-tren-nen-tang-so-de608cc/
Bình luận (0)