Xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng các chương trình hỗ trợ, ưu tiên đầu tư tín dụng đối với khu vực này. Qua đó không chỉ thúc đẩy tăng trưởng dư nợ bền vững, phát triển kinh tế hộ mà còn góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới, hiện đại, văn minh.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Hằng năm, tỉnh xây dựng kế hoạch dành nguồn vốn đầu tư công phân bổ cho các công trình, dự án trong lĩnh vực này. Đồng thời huy động nhiều nguồn lực đầu tư như vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài, tài chính vi mô, tín dụng ngân hàng…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 4 đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, định hướng phát triển của tỉnh tập trung cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, điều hành lãi suất, tích cực triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất điều chỉnh giảm cho cả ngắn hạn và trung hạn…
Tính đến hết tháng 4/2025, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên toàn tỉnh đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn so với các lĩnh vực khác, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Sở Nông nghiệp và Môi trường đạt gần 1.300 tỷ đồng, dự kiến phân bổ cho các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, đê điều…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 2 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp sử dụng vốn viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài. Điều này cho thấy, Vĩnh Phúc không chỉ dựa vào nguồn lực đầu tư công mà còn tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn từ các thành phần kinh tế khác, góp phần đa dạng hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực này.
Nhờ đó, ngành Nông nghiệp của tỉnh những năm qua liên tục tăng trưởng, sản xuất phát triển toàn diện và đúng hướng, cơ cấu cây trồng - vật nuôi chuyển dịch tích cực. Hàng loạt công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, làm cho nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới, hiện đại, văn minh…
Với tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân thời gian qua luôn ở mức từ 65 - 70% tổng dư nợ, trên cơ sở đó, Agribank Chi nhánh Vĩnh Phúc thường xuyên điều chỉnh dư nợ cho vay ngắn hạn về mức tối đa không quá 10%/năm và dư nợ trung hạn về mức không quá 11%/năm, đồng thời giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp từ 1,5 - 2,5%/năm tùy từng kỳ hạn; nỗ lực đa dạng kênh dẫn vốn, đưa nguồn vốn tín dụng đến tận tay người dân.
Tính đến hết tháng 4/2025, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank Chi nhánh Vĩnh Phúc đạt gần 17.500 tỷ đồng, góp phần tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập, giảm nghèo.
Đại diện Agribank Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ về nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Agribank Chi nhánh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng đến người dân, linh hoạt triển khai các gói tín dụng ưu đãi, đa dạng các kênh dẫn vốn, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính vay vốn cho khách hàng… Từ đó góp phần cải thiện đời sống của người dân, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Kiên định mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và mở rộng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, tỉnh tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai và đề xuất các cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và chú trọng xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tiếp tục huy động các nguồn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như vốn đầu tư công, ODA, FDI… và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hiện có. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân và đặc thù của sản xuất nông nghiệp; cải tiến quy trình, thủ tục, thời gian xét duyệt cho vay; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất...
Ngọc Lan
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127958/Mo-rong-nguon-von-dau-tu-linh-vuc-nong-nghiep-nong-thon
Bình luận (0)