
Với tinh thần “Bà con cần là mình đi”, ngay sau khi nước lũ rút, đường thông, Chi hội Điện tử - Điện lạnh Nghệ An đã huy động 100 kỹ thuật viên trong và ngoài tỉnh, chất đầy xe tải, xe 7 chỗ các thiết bị nghề, linh kiện, tức tốc lên đường hướng về các huyện miền núi như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Dù biết trước những gian nan đang đón đợi, nhưng với họ, việc giúp bà con sớm khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống là trách nhiệm không thể chậm trễ.
“Chúng tôi triển khai đợt sửa chữa miễn phí này trong vòng 1 tuần, mỗi người đều sắp xếp việc nhà, thậm chí tạm dừng công việc kinh doanh, dịch vụ của mình để tham gia. Mưa lũ đã lấy đi của bà con quá nhiều, chúng tôi muốn làm việc gì đó thiết thực nhất để hỗ trợ họ”, anh Nguyễn Trọng Anh - Chủ tịch Chi hội, trưởng đoàn chia sẻ.

Để kịp thời hỗ trợ người dân, các điểm tiếp nhận và sửa chữa miễn phí đã được thành lập tại Trung tâm GDTX Con Cuông; Trường Tiểu học Tam Quang 1 (huyện Tương Dương cũ); UBND xã Thạch Giám; Trường Tiểu học Cửa Rào… Dự kiến, điểm sửa chữa tại các địa phương thuộc huyện Kỳ Sơn cũ sẽ được mở trong những ngày tới.
Để người dân biết đến hoạt động này, Hội đã đăng thông báo trên các trang mạng xã hội với dòng chữ giản dị: “Bà con có thiết bị điện gia dụng bị ngập nước, khi có điện hãy giữ không cắm điện mà mang tới điểm sửa chữa để chúng tôi giúp đỡ”. Thông báo nhanh chóng được lan tỏa mạnh mẽ, như ngọn lửa nhỏ sưởi ấm bà con vùng lũ.

Mỗi ngày, các điểm sửa chữa tiếp nhận hàng trăm thiết bị, từ những nồi cơm điện, quạt máy, ti vi, cho đến những chiếc tủ lạnh, máy giặt… tất cả đều phủ bùn đất, nước ngấm vào từng mạch điện, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và chính xác đến từng chi tiết.
Các kỹ thuật viên bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng, nghỉ trưa vội vã 30 phút rồi tiếp tục miệt mài đến đêm. Dù ăn, ngủ tạm bợ ngay tại điểm sửa chữa, nhưng ai nấy đều động viên nhau cố gắng hết sức mình vì bà con.
“Việc sửa chữa các thiết bị điện tử sau lũ không chỉ đơn thuần là cắm điện cho chạy lại. Đất, bùn bám chặt vào các linh kiện, nhiều thiết bị bị chập cháy, buộc phải tháo rời, vệ sinh từng chi tiết, thậm chí thay thế linh kiện. Điều này rất tốn công sức và thời gian”, anh Nguyễn Trọng Anh cho biết.

Không chỉ sửa chữa miễn phí, các anh còn kêu gọi các cơ sở kinh doanh vật tư hỗ trợ linh kiện thay thế trị giá gần 30 triệu đồng, giúp bà con không phải tốn thêm bất kỳ chi phí nào trong lúc khó khăn chồng chất.
Trong những ngày triển khai điểm sửa chữa miễn phí tại huyện Con Cuông cũ, hình ảnh những người dân tay xách nách mang từng thiết bị điện gia dụng cũ kỹ, lấm lem bùn đất đến nhờ hỗ trợ không phải là chuyện hiếm. Ông Nguyễn Văn Phúc, trú tại xã Con Cuông, là một trong những hộ dân sớm có mặt tại điểm sửa chữa với chiếc nồi cơm điện, quạt máy và tủ lạnh bị ngập nước sau lũ.

Cầm trên tay những vật dụng vốn dĩ rất đỗi quen thuộc trong sinh hoạt hằng ngày, ông Phúc xúc động chia sẻ: “Nhà tôi bị ngập sâu, hầu như tài sản gì cũng hư hỏng. Giữa lúc khốn khó, được các anh thợ điện hỗ trợ sửa chữa miễn phí như thế này, gia đình tôi biết ơn lắm. Có lại cái quạt để quạt mát, có nồi cơm điện để nấu bữa ăn tử tế cho cả nhà, không gì quý bằng”. Niềm vui của ông Phúc cũng là tâm trạng chung của nhiều hộ dân nơi đây.
Đằng sau mỗi thiết bị được sửa xong là cả một niềm hy vọng mới được nhen nhóm. Đó là động lực để những người thợ điện tiếp tục miệt mài làm việc suốt từ sáng tới đêm, dù điều kiện sinh hoạt tạm bợ, công việc nặng nhọc, vất vả.
Anh Thái Doãn Toàn, kỹ thuật viên đến từ huyện Đô Lương cũ, chia sẻ: “Nhìn cảnh bà con mất nhà cửa, tay trắng sau lũ mà thắt lòng. Dù công việc ở nhà đang bộn bề nhưng tôi muốn góp chút sức nhỏ bé của mình, mong bà con sớm ổn định cuộc sống”.

Bên cạnh việc hỗ trợ sửa chữa, các kỹ thuật viên còn tranh thủ hướng dẫn bà con cách bảo quản, sử dụng thiết bị điện an toàn trong mùa mưa bão.
“Trước khi lũ đến, bà con cần rút nguồn tất cả các thiết bị điện, kê cao những vật dụng quan trọng như máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng, ti vi... Sau lũ, tuyệt đối không được cắm điện sử dụng ngay vì nguy cơ rò rỉ điện rất cao, phải để người có chuyên môn kiểm tra, vệ sinh kỹ càng rồi mới được sử dụng lại”, anh Nguyễn Trọng Anh khuyến cáo.
Nguồn: https://baonghean.vn/mo-them-nhieu-diem-sua-chua-mien-phi-thiet-bi-dien-cho-ba-con-vung-lu-nghe-an-10303279.html
Bình luận (0)