Khung cảnh phường Đồng Xoài từ trên cao. Ảnh: Phú Quý |
Đường từ Biên Hòa qua Đồng Xoài dài khoảng 90km. Rồi thêm nhiều chục cây số nữa lên Phước Long, Bù Gia Mập, xuống Bù Đăng… Tôi bắt gặp hầu như những cảnh sắc… Đồng Nai quen thuộc. Những cánh rừng cao su tít tắp, những thửa ruộng chuẩn bị vào vụ hè - thu… như hai bên quốc lộ 1, quốc lộ 20 của Đồng Nai; trang trại sầu riêng như ở Long Khánh, Long Thành; núi Bà Rá khiến nhớ núi Chứa Chan; thủy điện Thác Mơ nhớ thủy điện Trị An; công sở, nhà cửa, đường phố ở Đồng Xoài quen mắt… Nhưng cuối cùng rồi thì ấn tượng "quen mà lạ" với tôi vẫn có trong chuyến đi ngắn ngày của mình.
Sóc Janap nơi biên giới
Sóc là một đơn vị dân cư quần tụ của bà con dân tộc S'tiêng, chắc chắn không rộng lớn, đông dân như một huyện (cũ). Tôi nghĩ vì vậy mà gọi một huyện là sóc thì không hợp lý bằng gọi là "bù" theo tiếng nói của bà con. Và "sóc Jamap" trở thành địa danh Bù Gia Mập của vùng đất rộng có nhiều "sóc" nhỏ; tương tự là huyện Bù Đốp ở phía trái, huyện Bù Đăng ở phía phải kéo dài đến sát Đồng Nai.
Ngồi uống nước, nghe chuyện trên đất Bù Gia Mập, nghe chuyện về bà con S'tiêng vùng cao, vùng thấp được gọi tên khác nhau, hướng về phía biên giới xa với ba tỉnh của nước bạn Campuchia cách hơn 20km nữa, tiếc rằng mặt trời đã dần chìm xuống, đành phải hẹn một dịp khác có duyên đến tận nơi xa xôi ấy hay đến Bù Đốp có Cửa khẩu quốc gia Hoàng Diệu, Cửa khẩu phụ Tân Tiến hoặc Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Cửa khẩu Lộc Thinh ở Lộc Ninh.
Nghe chuyện và đọc trước các tài liệu, tôi được biết: Dân tộc bản địa vùng Nam Tây Nguyên là S'tiêng có trên 100 ngàn người trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong đó đông nhất là ở Bình Phước. Có thể tạm chia dân tộc S'tiêng thành hai nhóm chính là nhóm Bù Đeh ở vùng thấp, biết làm ruộng nước và dùng trâu bò kéo cày từ khá lâu và nhóm Bù Lơ ở vùng cao, làm rẫy là chủ yếu. Nhà ở của người S'tiêng khác nhau giữa các khu vực. Người Bù Lơ sống trong nhà dài với gia đình lớn theo chế độ phụ hệ; người Bù Đeh lại sống trong gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ. Ngoài nhà sàn, còn loại nhà đất thô sơ chỉ như một cái chòi, mái được lợp kéo dài gần sát mặt đất. Cửa ra vào rất thấp, mở ở hai đầu hồi và một cửa ở mặt trước nhà, mái trên cửa được cắt bớt hoặc làm vòng lên như ở nhà
người Mạ.
Nhân vật nổi tiếng, thời chiến tranh của dân tộc S'tiêng có anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, dũng sĩ diệt Mỹ Điểu Ong, nay có nữ đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang hai khóa 13, 14.
***
Tôi mong một ngày sau khi Đồng Nai và Bình Phước là một, có dịp đến thăm một nhà dài, chuyện trò với những người bạn S'tiêng như đã từng với những người bạn Chơro thân thiết ở Đồng Nai.
Chuyện núi Bờ Nâm Brá
Trong một câu chuyện cổ tích của bà con S'tiêng, ngày xưa, có người cha khổng lồ kia có ba cô con gái. Ông muốn giao cho mỗi người con một vùng đất để họ thay mình chia nhau cai quản dân làng. Ông ra sức đắp cho các con những ngọn đồi (Bờ Nâm) để họ trú ngụ. Để phân biệt vai vế, ông tạo ra những ngọn núi có độ cao khác nhau. Cô chị, ông dùng cái Lung (loại gùi lớn nhất của người S'tiêng) đổ một Lung đất tạo ra núi Gia Lào (Xuân Lộc, Đồng Nai) ngày nay. Cô em kế, ông dùng Xá (loại gùi nhỏ hơn Lung) đổ một Xá đất, tạo ra Bờ Nâm Woen (hay Veng) - tức núi Bà Đen ở Tây Ninh ngày nay. Cô em út ông dùng Khiêu (loại gùi nhỏ nhất của người S'tiêng) đắp đồi bên sông Đak Lung (thượng nguồn Sông Bé ngày nay) tạo thành Bờ Nâm Brá - tức núi Bà Rá. Do vậy, ngày nay núi Bà Rá thấp nhất trong ba ngọn núi ở Đông Nam Bộ.
Một truyền thuyết khác kể rằng, ông khổng lồ chỉ có hai cô con gái, cô chị ở vùng núi Bà Đen, còn cô em ở vùng núi Bà Rá.
***
Cũng theo lời kể của đồng bào S'tiêng, ngày xưa, các cộng đồng cư dân S'tiêng, Khmer, Chơro sinh sống chủ yếu ở vùng núi Bà Đen. Sau đó, do xảy ra bất đồng, nhóm người S'tiêng do bà Giêng dẫn đầu đi về phía đông tìm nơi cư trú mới. Trên đường đi, đoàn dừng nghỉ hai lần, một lần ở sóc Bưng (xã Thanh Phú, Bình Long ngày nay), đoàn ngồi nghỉ chân. Do đoàn người đông, lại ngồi nghỉ quá lâu nên phần đất nơi họ ngồi bị lún xuống, tạo ra một địa điểm gọi là Bờ Nâm Cầm Beng, tức di chỉ Thành đất đắp hình tròn Thanh Phú. Sau đó, khi đi đến khu vực sóc Bù Tam (xã Lộc Quang, Lộc Ninh), cách điểm dừng chân đầu tiên khoảng 30km, đoàn tiếp tục ngồi nghỉ chân, tạo nên một địa điểm có hình dáng tương tự ở ấp Sóc Bưng - tức là di chỉ Thành đất đắp hình tròn Lộc Quang 2 ngày nay. Cuối cùng, đoàn người đã đi đến khu vực Bờ Nâm Brá - núi Bà Rá. Nhận thấy nơi đây có núi cao, sông lớn và nhiều con suối chảy qua, có phong cảnh đẹp, phù hợp để người dân canh tác và cư trú lâu dài, đoàn người S'tiêng đã chọn nơi đây làm nơi cư trú đến nay.
***
Núi Bà Rá ngày nay là một điểm du lịch thú vị, từ Đồng Xoài đi lên hướng Bắc khoảng 50km thì đến Phước Long có núi Bà Rá.
Từ chân núi, xe đưa chúng tôi lên đồi Bằng Lăng nằm ở khoảng 1/5 độ cao so với đỉnh núi, đường đã được trải nhựa, thì phải dừng lại vì đoạn kế tiếp đang sửa chữa. Tại đồi Bằng Lăng có Nhà bia tưởng niệm thờ các anh hùng liệt sĩ. Bà Rá vốn là căn cứ cách mạng, là chiến trường thời chống Mỹ. Núi Bà Rá đã được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1995. Nghe chuyện thì biết núi Bà Rá có xây dựng hệ thống cáp treo để phục vụ khách du lịch hành hương từ chân núi lên đến đỉnh (hiện đã ngừng hoạt động). Từ đồi Bằng Lăng, phải bước qua 1.767 bậc đá mới lên đến đỉnh (trước kia chỉ là bậc bằng đất). Một người bạn ở đây "khoe": Đứng trên đỉnh Bà Rá, có thể nhìn thấy cả một vùng đồng bằng của Bình Phước, thấy thị trấn Thác Mơ và thủy điện Thác Mơ khá rõ".
Sầu riêng ở Phú Tín
Bất ngờ lớn trong chuyến đi của tôi là được đến Phú Tín, Phú Nghĩa thuộc Phước Long thăm một trang trại sầu riêng rộng đến 30 hécta của một nông dân doanh nhân đồng tuế với mình. Tuổi Canh Dần đã 76, ông vẫn chạy xe máy, đi đứng nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát và nhất là rất minh mẫn, tỉ mỉ khi nói về sầu riêng. Ông tên là Trương Văn Đảo, người gốc ở Củ Chi, đã chuyển qua Bình Phước lập nghiệp hơn 30 năm. Bạn tôi, người Long Khánh - Đồng Nai, thổ lộ trước nay anh vẫn tự hào quê mình là "thủ phủ" của sầu riêng với những trang trai rộng lớn trồng loại cây này, mỗi mùa xuất bán số lượng lớn đi khắp nơi. Nhưng ở đây, Công ty Ba Đảo đã khiến anh ngỡ ngàng vì có cả một nhà máy chế biến sầu riêng thành hàng chục sản phẩm xuất khẩu, trong đó có mặt hàng sầu riêng đông lạnh nguyên trái xuất qua Trung Quốc.
Phường Phước Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Phú Quý |
Vườn sầu riêng của ông chủ trang trại có vẻ ngoài rất bình dân gồm toàn những cây tán thấp, khác hẳn hình ảnh quen thuộc trong tôi về những cây sầu riêng cao hàng 20m ở Long Thành, Long Khánh. Ông Ba giải thích: "Tôi cho xử lý để cây ra nhiều nhánh từ thấp, khi thu hoạch trái dễ dàng hơn".
Không phải mùa thu hoạch, khu nhà máy im lìm khi chúng tôi được dẫn đi tham quan. Để có những dây chuyền sản xuất phân loại trái, đóng gói múi sầu riêng đến khu đông lạnh toàn trái bằng nitơ lỏng… hiện đại, ông Ba Đảo phải vượt qua bao khó khăn về giấy phép, vốn, kỹ thuật, quản lý… để có ngày nay. Ông dùng nhiều từ vừa chuyên nghiệp vừa bình dân khiến tôi không khỏi chú ý và hỏi lại để được giải thích căn kẽ, nghe "sướng" tai và làm giàu được vốn ngôn ngữ bình dân của mình. Ông nói về việc thụ phấn nhân tạo cho sầu riêng rằng mình phải thuê mướn công nhân thời vụ, đợi đúng thời điểm "xổ nhị" thì "thả đực". Ấy là việc công nhân dùng dụng cụ chuyên biệt chà lên những nhị đực khiến phấn hoa rớt vào cuống nhụy cái, tăng tỷ lệ đậu múi khi tượng trái.
Tôi thầm nghĩ: "Mô hình trang trại trồng sầu riêng như của ông Ba Đảo sao không thể phát triển ở Đồng Nai khi hai tỉnh là một!"
Tiếng chày cắc cum cụp cum
Sóc Bom Bo là địa chỉ không thể thiếu của chuyến đi. Sóc nằm trong địa phận huyện Bù Đăng (cũ), là thôn nhỏ. Bảo tàng sóc Bom Bo có hình thức khang trang và nhiều hiện vật, hình ảnh có nội dung đồng bào Bom Bo giã gạo cung cấp lương thực cho bộ đội. Ở đây có cả bộ đàn đá nguyên bản và bộ đàn nhỏ hơn. Cô hướng dẫn là phụ nữ S'tiêng còn biểu diễn bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo của nhạc sĩ Xuân Hồng, đệm nhạc trên bộ đàn đá nhỏ này.
Nghe kẻ rằng trong Lễ hội sóc Bom Bo vừa tổ chức, rất đông người dân khắp nơi và dân địa phương đã về dự. "Lần đầu tiên Bình Phước bị kẹt xe kéo dài nhiều giờ ở quanh Bom Bo!" - người bạn Bình Phước kể với sự tự hào.
Tháng 6-2025.
Một Đồng Nai mới
Một chuyến đi 2 ngày ngắn ngủi. Chúng tôi tranh thủ đến nhiêu nơi nên hầu như xe lăn bánh liên tục.
Buổi sáng ngày thứ ba, ngồi uống cà phê vỉa hè, tôi nghĩ ngợi nhiều điều. Bình Phước sao có nhiều hình ảnh giống Đồng Nai đến thế. Nào thủy điện trên sông Bé và trên sông Đồng Nai, nào cao su, điều trồng bát ngát, nào hai ngọn núi “chị em” Chứa Chan và Bà Rá, nào hai dân tộc thiểu số bản địa của hai vùng…
Anh chủ quán nghe chúng tôi trò chuyện thì biết là khách Đồng Nai. Anh mau mắn bắt chuyện với nội dung sáp nhập tỉnh. Anh nói, giá như tỉnh Đồng Nai mới có thêm huyện Xuyên Mộc của Bà Rịa - Vũng Tàu thì tuyệt vời, tỉnh mới sẽ kéo dài từ biên giới ra đến biển, có cả núi, rừng, đồng bằng, biển cả. Thì ra người dân thường Bình Phước cũng quan tâm và cập nhật chuyện sáp nhập lắm chứ đâu hờ hững.
Tôi lại nghĩ đến hai dân tộc S’tiêng và Chơro của tỉnh Đồng Nai mới. Thế là Đồng Nai có cả hai dân tộc anh em bản địa đông đảo của miền Đông Nam Bộ. Càng thú vị hơn khi cả bà con S’tiêng và Chơro đều đa số mang họ Điểu.
Đồng Nai mới đã có đủ đôi cánh chim!
Ghi chép của nhà văn Khôi vũ
Phường Phước Long nhìn từ trên cao.
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/mot-mai-nha-chung-801147a/
Bình luận (0)