Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mùa cà phê đang chín, giá sẽ 'ngọt' hay 'đắng'?

(Chinhphu.vn) - Trên các vườn cà phê tại Tây Nguyên, một vụ thu hoạch mới được dự báo là bội thu sắp bắt đầu. Đối với người dân tại Tây Nguyên lúc này, điều họ quan tâm nhất chính là giá cà phê. Vậy từ nay cho tới cuối năm, giá cà phê sẽ đi theo hướng nào khi mà trong 3 năm vừa qua, giá cà phê đã trải qua những biến động dữ dội do các hiện tượng khí hậu, bất ổn chính trị và tình hình kinh tế thế giới.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ03/07/2025

Mùa cà phê đang chín, giá sẽ 'ngọt' hay 'đắng'?- Ảnh 1.

“Cú sốc” đầu tiên đến với ngành cà phê Brazil nói riêng và ngành cà phê toàn cầu là vào giữa tháng 7/2021 khi vùng sản xuất cà phê tại Cerrado Mineiro và Nam Minas Gerais (Brazil) hứng chịu một đợt sương giá tồi tệ nhất trong lịch sử. Sự kiện này thực sự đã tạo ra một “cú sốc” nguồn cung đối với các nhà buôn cà phê, đẩy giá cà phê Arabica trung bình tháng 7/2021 từ 3.733 USD/tấn tăng liên tục gần 50% trong vài tháng và đạt đỉnh tại mức giá trung bình tháng 2/2022 là 5.427 USD/ tấn. Mặc dù trải qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng trong năm đó, sản lượng cà phê của Brazil vẫn tăng 14% dẫn đến thặng dư và giá giảm vào cuối năm 2022, xuống mức thấp hơn cả giá tháng 7/2021.

“Cú sốc” tiếp theo chính là năm kế tiếp 2023. Giá cà phê Arabica trong 4 tháng đầu năm tăng khoảng 20% sau đó giảm xuống mức trung bình tháng 9 là 3.356 USD/tấn do tồn kho tăng và cung vượt cầu. Cuộc chiến tại Ukraine càng gây bất ổn khi Nga giảm nhập khẩu. Bên cạnh đó, thông tin về hạn hán tại Brazil và thời tiết nóng bất thường tại Việt Nam làm gia tăng lo ngại cho vụ mùa tiếp theo.

Lo ngại này đã thành hiện thực vào năm 2024 khi nguồn cung toàn cầu suy giảm nặng nề tạo nên cú sốc thứ ba. Ngay đầu năm này, thị trường cà phê thu hẹp mạnh, với giá cà phê toàn cầu đạt mức cao nhất trong thập kỷ, giá trung bình cà phê Arabica trong tháng 12 tăng 73% so với đầu năm, cùng với đó, cà phê Robusta cũng tăng chóng mặt với mức 57% với giá hơn 5.000 USD/tấn. Tại Việt Nam, sản lượng được ghi nhận là giảm 20% do hạn hán kéo dài, trong khi sản lượng của Indonesia giảm 16,5% do mưa quá nhiều. Nguồn cung cà phê Robusta bị siết chặt đã đẩy giá lên mức kỷ lục và thu hẹp khoảng cách giá giữa Robusta và Arabica.

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 26/9/2024, lần đầu tiên trong lịch sử, giá cà phê Arabica đã vượt mốc 6.000 USD/tấn còn giá cà phê Robusta cũng vượt 5.500 USD/tấn sau 4 phiên tăng liên tiếp. Chênh lệch giá giữa thị trường tương lai London và New York đã thu hẹp 31,8% xuống còn 28,2 US cent/pound vào tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2003.

Tại Brazil, kỳ vọng phục hồi bị phá vỡ bởi nắng nóng và hạn hán, khiến các dự báo vụ mùa tiếp tục bị điều chỉnh giảm.

Mùa cà phê đang chín, giá sẽ 'ngọt' hay 'đắng'?- Ảnh 2.

Ngày 23/6/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Quy định chống mất rừng (EU Deforestation Regulation - EUDR), đối với 7 nhóm hàng nhập khẩu vào thị trường này. Trong đó, Việt Nam có 3 mặt hàng quan trọng xuất khẩu vào EU trong đó có cà phê nằm trong phạm vi điều chỉnh của EUDR. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định này đã kích thích lực cầu mạnh mẽ từ EU. Tuy nhiên, trong bối cảnh lượng tồn kho thấp ở Brazil và sản lượng tại hầu hết các quốc gia sản xuất bị thắt chặt một lần nữa lại đẩy giá cà phê Arabica trung bình tháng 2 lên mức cao ngất ngưởng tới 8.892 USD/tấn, tăng 25% so với tháng 12 năm trước, tương tự, giá Robusta tăng 10,7%.

Tuy nhiên, bước sang cuối quý II, đặc biệt là tuần thứ ba của tháng 6, diễn biến giá lại đảo ngược trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế liên tục biến đổi, bất ổn kèm theo đó là sự phức tạp khó lường, cùng với tình trạng nguồn cung dồi dào, đặc biệt là cà phê Robusta khi mà vụ mùa thu hoạch vẫn đang diễn ra tại hai nước Brazil và Indonesia khiến thị trường cà phê sụt giảm mạnh. Theo ghi nhận của MXV, đóng cửa tuần giao dịch từ 16-22/6, giá cà phê Arabica đánh mất 9% trong khi giá Robusta lao dốc kỷ lục tới 12,8% so với tuần trước đó.

Đáng chú ý, kết thúc phiên giao dịch ngày 18/6, giá cà phê Robusta đã xuống thấp nhất trong vòng một năm qua còn Arabica thấp nhất trong 5 tháng gần đây. Cụ thể, giá cà phê Robusta trên sàn London giảm từ 5,85 - 6,92%, tương đương giảm đến 233-299 USD/tấn. Trừ kỳ hạn giao gần mang tính kỹ thuật là tháng 7, còn 4.020 USD/tấn sau khi giảm 299 USD/tấn; các kỳ hạn còn lại đều mất mốc 4.000 USD/tấn.

Diễn biến tương tự trên sàn New York, giá Arabica giảm từ 3,05 - 3,26%, tùy kỳ hạn. Kỳ hạn giao tháng 7 giảm 240 USD/tấn, còn 7.160 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 9 giảm 220 USD/tấn, còn 7.110 USD/tấn.

Chịu áp lực từ giá cà phê thế giới giảm, giá cà phê trong nước cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Ghi nhận trong sáng 3/7, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động quanh mức 95.500 đồng/kg, tức giảm khoảng 30 – 32%, tương đương khoảng 32.000 – 33.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Đầu tiên là khí hậu và chu kỳ vụ mùa, cà phê rất nhạy cảm với thời tiết. Brazil và Việt Nam (hơn 50% sản lượng thế giới) liên tục đối mặt hạn hán, sương giá. Biến đổi khí hậu làm tăng sự bất ổn và phá vỡ chu kỳ mùa vụ “một năm cao – một năm thấp”.

Thứ hai là yếu tố cung - cầu - tồn kho, khi cung vượt cầu thì giá giảm. Khi cầu vượt cung thì giá tăng. Trong đó nhu cầu cà phê thế giới hằng năm tăng 1–2%/năm nhờ dân số và thị trường mới. Các cú sốc từ nguồn cung cùng lúc gây ra cạn kiệt tồn kho, khiến thị trường phản ứng mạnh chỉ vì một dự báo xấu.

Một yếu tố quan trọng khác là địa chính trị và chính sách, bất ổn ở Ukraine gây gián đoạn thương mại, tăng chi phí nông nghiệp. Tin về thuế quan Mỹ, quy định EU về phá rừng gây lo ngại về nguồn cung và sự bất ổn của Trung Đông có thể khiến cho chuỗi cung ứng và logistics có nguy cơ bị đứt gãy gây ảnh hưởng không chỉ thị trường cà phê mà còn là thị trường hàng hóa toàn cầu

Các diễn biến trên thị trường tài chính cũng có thể tác động trực tiếp đến giá vượt qua thực tế cung – cầu. Sự biến động của các lực lượng trên thị trường phái sinh như quỹ đầu cơ, các nhà rang xay và nông dân có thể khéo theo sự biến động mạnh được thể hiện trên giá.

Mùa cà phê đang chín, giá sẽ 'ngọt' hay 'đắng'?- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc MXV

Mới đây, USDA đã công bố các dự báo cho thấy sản lượng tăng, đặc biệt là Robusta tại các nước Brazil, Việt Nam và Indonesia, nhưng vẫn chưa có gì là chắc chắn khi các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng hiện tượng El Niño đang diễn ra có thể tiếp tục làm xáo trộn các mô hình thời tiết, làm gia tăng nguy cơ thêm một năm sản lượng thấp. 

Thực tế, tại vụ thu hoạch đang ở Brazil hiện tại, nhiều nông dân trồng Arabica báo cáo năng suất giảm trên 20% và Robusta cũng ghi nhận sụt giảm 10–15% ở một số nơi. Tâm lý chung của người sản xuất là tổng sản lượng cà phê Arabica chỉ đạt tối đa khoảng 36 triệu bao và cà phê Robusta tối đa 20 triệu bao, tức tổng sản lượng chỉ từ 56–58 triệu bao.

Bên cạnh đó, tình trạng tồn kho cà phê ở mức cực kỳ thấp tại Brazil cũng đang ở mức đáng báo động. Theo USDA, tồn kho cà phê nước này chuyển từ niên vụ 2024-2025 sang 2025-2026 chỉ còn 640.000 bao, không đủ dùng cho 1 tháng tiêu thụ nội địa của Brazil. Trong khi đó, mức độ tồn kho của thế giới cuối kỳ chỉ ở mức tạm ổn, bằng 13,46% mức tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc MXV, thị trường cà phê hiện tại lại được cho rằng không còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố cung-cầu, mà chính bởi sự bất ổn kinh tế và chính trị, như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, xung đột Nga và Ukraine và leo thang căng thẳng đặc biệt giữa Israel và Iran. Điều này trực tiếp làm điều chỉnh dòng tiền trên thị trường phái sinh để đến các tài sản mang tính chất trú ẩn. Đây là một yếu tố mang tính dài hạn trong thời điểm này, khiến cho giá cà phê tới đây có thể tiếp tục suy giảm nếu tình hình kinh tế và chính trị chưa đủ ổn định để khiến các nhà đầu tư trở lại thị trường.


Nguồn: https://baochinhphu.vn/mua-ca-phe-dang-chin-gia-se-ngot-hay-dang-102250703142958641.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm