Phụ nữ ngồi cào dắt dưới cửa sông chảy ra vịnh Xuân Đài. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM |
Người dân sống ven vịnh mưu sinh bằng nghề đục hàu, mò sò, xúc dắt. Công việc này đi từ sáng sớm, đến nơi ngồi ngâm dưới lớp bùn đen, rồi dùng rổ cào xuống phía dưới lớp bùn, cát, tìm bắt.
Công việc của những người kiên nhẫn
Hằng ngày, người dân quanh vùng đến cửa sông Bình Bá, bãi bồi Phú Vĩnh, thuộc phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) mưu sinh đủ thứ công việc: cào dắt, cạy hàu, mò sò. Cúi người khom lưng ngâm mình dưới nước từ sáng đến trưa, rồi đến chiều tối, công việc thủ công này siêng làm thì ngày nào cũng có thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Hồng (70 tuổi) ở phường Xuân Đài, ngồi cào dắt ở cửa sông Bình Bá chảy ra vịnh Xuân Đài, cho hay: Công việc này đi từ mờ sáng, đến nơi ngồi ngâm mình dưới nước, rồi dùng rổ xúc xuống phía dưới lớp cát, tìm bắt con dắt. Một buổi tôi cong lưng cào bắt không quá 3kg, thương lái mua 20.000 đồng/kg. “Ngày nào cũng ráng đi cào kiếm tiền, chân tay tê cứng. Tối qua, tôi bị cảm lạnh phải đi mua liều thuốc về uống, sáng nay đi cào tiếp”, bà Hồng nói.
Ông Nguyễn Văn Đồng (55 tuổi) cũng ở phường Xuân Đài, đang cào dắt chia sẻ: Công việc này ngâm dưới nước cả ngày, khi về đến nhà thì tay chân rã rời. Đàn ông “sức dài, vai rộng” thì dùng cây sào gắn cái rổ xúc tìm con dắt chỗ nước sâu. Hôm nào xúc trúng mánh thì cả ngày được 8-10kg.
Khi con nước lớn từ vịnh Xuân Đài tràn vào ngập phả bãi bồi thôn Phú Vĩnh (phường Xuân Đài), con hàu bắt đầu “rạy” (hình thành). Con nhỏ bằng hạt sạn, đầu đũa, sau đó lớn dần bám dày trên bờ đá. Thời gian sau nước rút, bà con dùng dụng cụ bằng sắt đục lấy hàu từ trong đá mang ra bãi bồi rồi ngồi cạy hàu. Vỏ hàu cứng như đá nên cạy vỏ hàu được xem là công việc “trầy da tróc vảy”. Để cạy được vỏ hàu cứng, bà con phải dùng khều môi (cây sắt uốn cong, đầu nhọn) “mổ” vào để cạy tách vỏ hàu lấy ruột đem bán.
Bà Nguyễn Thị Danh (61 tuổi) nhà gần bãi bồi thôn Phú Vĩnh cho hay: Tôi sống bằng việc đục hàu từ thời còn con gái. Nếu chịu khó làm việc trên nắng dưới nước ngày này qua tháng khác cũng có tiền trang trải cuộc sống. Công việc này nguy hiểm bởi phải mưu sinh theo con nước, rất dễ té ngã vì đá trơn trượt.
Buối sáng, không ít phụ nữ phải ngâm mình dưới con lạch nước bùn đen chảy từ cầu Lò Vôi, xã Xuân Thọ 2 ra vịnh Xuân Đài, nước ngập tới cằm để cào bắt sò. Công việc cào sò, mùa nắng nước trong nhìn xuống thấy “mánh” (những lỗ nhỏ sò chui rúc dưới bùn) cào bắt sò. Thế nhưng nhiều người cào làm cho nước đục, nhìn xuống dưới đáy “tối tăm mù mịt” nên bà con chỉ dùng tay rà dưới bùn rồi cào hên xui may rủi, được con nào mừng con nấy.
Bà Trần Thị Hạnh ở xã Xuân Phương tâm sự: Công việc cào sò đứng lên ngồi xuống đau lưng lắm. Thu nhập không cao, mỗi ngày làm siêng cào kiếm 100.000-150.000 đồng. Còn nhà công đôi (2 người) kiếm được chừng 200.000-300.000 đồng, nhưng đó là khoản thu nhập chính mà phụ nữ nơi cửa biển làm siêng kiếm được hằng ngày.
Đặc sản từ nguồn lợi tự nhiên
Theo người dân sinh sống ven vịnh Xuân Đài, trước đây họ chỉ cào sò để phục vụ bữa ăn gia đình hoặc bán rẻ. Thế nhưng thời gian gần đây, khi con sò sinh sản ngoài tự nhiên trở thành đặc sản thì rất nhiều thương lái đến thu mua để cung cấp cho các nhà hàng. Còn xúc dắt thì họ cạy lấy thịt làm mắm dắt đặc sản. Đến các nhà hàng ở TX Sông Cầu, “kính thưa” các loại mắm, từ mắm thu, mắm ruốc, mắm dắt và mắm ruột, trong đó mắm dắt hương vị thơm ngon, ăn một đũa muốn gắp thêm đũa nữa.
Bà Nguyễn Thị Hương, một chủ quán cơm ở phường Xuân Đài cho hay: Con dắt sau khi được tách vỏ, lấy phần thịt trắng tươi, đem muối theo cách gia truyền, qua thời gian thành mắm dắt, sánh nâu, thơm nồng và quyến rũ đến lạ lùng. Gần đây mắm dắt đi từ bếp nhà nghèo đến bàn tiệc sang trọng. Chấm miếng thịt luộc vào mắm dắt, thêm vài lát khế chua hay rau sống, người ta như ăn cả một vùng trời quê. Mắm dắt chan cơm ăn cũng ngon, hay chấm bánh xèo cũng hết sẩy. Con hàu thì khỏi chê. Hàu tự nhiên cạy ruột có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Quán cơm của tôi bán cho xe khách, xe tải, nhiều người thích ăn mắm dắt, người thì thích ăn cháo hàu, sò...
Vịnh Xuân Đài có các loại dắt, sò, hàu, đặc sản sinh sản tự nhiên, là nguồn sống của người dân ven vịnh. Gần đây, ngoài tôm hùm, các loại thủy sản này đã trở thành những món ăn đặc sản của TX Sông Cầu, góp phần giúp nhiều người sống quanh vịnh có công việc để mưu sinh, mang lại thu nhập cho gia đình.
Anh Bùi Văn Trung ở phường Xuân Yên, TX Sông Cầu
Trước đây mưu sinh quanh vịnh chủ yếu là phụ nữ, trẻ em hoặc người già, gần đây nhiều thanh niên cũng tranh thủ đi cạy hàu, cào sò để kiếm thêm thu nhập. Những người trẻ tuổi, có sức thì ra khu vực nước sâu để cào sò lớn, cạy hàu to, đi từ sáng sớm đến trưa về ăn cơm rồi đầu giờ chiều đi cào đến tối. Anh Bùi Văn Trung ở phường Xuân Yên cho biết: Hằng ngày tôi chạy ghe máy ra vịnh Xuân Đài mưu sinh “một công hai việc”, cạy hàu và lặn bắt sò bán. “Vịnh Xuân Đài có các loại dắt, sò, hàu, đặc sản sinh sản tự nhiên, là nguồn sống của người dân ven vịnh. Gần đây, ngoài tôm hùm, các loại thủy sản này đã trở thành những món đặc sản của TX Sông Cầu, góp phần giúp nhiều người sống quanh vịnh có công việc để mưu sinh, mang lại thu nhập cho gia đình”, anh Trung nói .
Nguồn: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202505/muu-sinh-o-vinh-xuan-dai-b3d3806/
Bình luận (0)