Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thận trọng chi tiêu trước biến động

Cảm nhận tình hình kinh tế còn khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ khó lường, gần đây không ít người đã “làm quen” với việc thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm bằng nhiều cách…

Báo Phú YênBáo Phú Yên11/05/2025

Người đi chợ cân nhắc khi mua sắm tại chợ Phường 7, TP Tuy Hòa. Ảnh: THÁI HÀ

Chuẩn bị cho những sự thay đổi

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, tâm lý “thắt lưng buộc bụng” trở nên phổ biến trong cộng đồng. Người dân có xu hướng hạn chế mua sắm những mặt hàng không thiết yếu, trì hoãn các kế hoạch lớn như mua nhà, xe hoặc đầu tư. Thay vào đó, họ tập trung vào việc tiết kiệm, tích lũy tiền mặt để phòng ngừa rủi ro, ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Chị Thanh Hảo (xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa) chia sẻ: “Khi kinh tế ổn định, chúng ta dễ dàng đồng ý cho những khoản chi không cần thiết. Nhưng khi kinh tế khó khăn, mỗi đồng tiền kiếm được đều trở nên quý giá. Tôi có con gái đang học đại học nên việc cắt giảm chi phí không chỉ đơn giản là để tiết kiệm mà còn đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học của con dù kinh tế có khó khăn hơn”.

Còn chị Bích Nhung, chủ một cửa hàng quần áo ở chợ Phường 7 (TP Tuy Hòa) chia sẻ rằng, chị đang tìm kiếm hướng kinh doanh khác khi nhận thấy công việc làm ăn thời gian gần đây không thuận lợi. Chị Nhung cho biết: “Mùa đông và mùa tết thường là thời điểm gian hàng tôi bán tốt nhất trong năm, nhưng năm vừa rồi doanh số vẫn rất thấp, doanh thu giảm mạnh. Sang năm 2025, Nhà nước bắt đầu tinh giản và sáp nhập, sợ ảnh hưởng đến việc làm nên nhiều người dù có tiền cũng không dám mua sắm dẫn đến lượng khách hàng giảm hẳn. Tôi cố gắng duy trì việc buôn bán cho đến hết tháng ba âm lịch năm nay, tuy nhiên nhận thấy tình hình không khả quan nên đã xả hết hàng, tạm thời đóng cửa”, chị Nhung bày tỏ.

Trên VnExpress, ở bài viết nói về việc thắt chặt chi tiêu khi kinh tế khó khăn, nhiều độc giả cho biết không còn dám chi tiêu mạnh tay như trước. Trong đó, độc giả Phoenix chia sẻ: “Sau năm 2021 mình học theo câu “chi tiêu tối thiểu, tích lũy tối đa” để ứng phó với những biến động của cuộc sống”. Dưới bình luận đó, bạn đọc trẻ có tên tài khoản Yngocquynh viết: “Em 2K1 (SN 2001) mà mấy nay xem biến động thuế quan cũng bỏ luôn thói quen mua sắm online như trước đây”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cắt giảm chi tiêu không có nghĩa là phải sống khổ sở, thiếu thốn. Điều quan trọng là phải biết cách quản lý tài chính một cách thông minh và đưa ra những quyết định sáng suốt để hướng đến mục tiêu cuối cùng là bảo vệ tài chính gia đình và đảm bảo một tương lai ổn định hơn.

Trong những câu chuyện thời sự, nhiều người lo xa về chính sách thuế quan mới đây của Mỹ đang tác động sâu rộng đến thương mại toàn cầu, tiềm ẩn những nguy cơ biến động khó lường. Dù không chắc chắn nhưng nhiều người lo lắng điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến công việc kinh doanh, mua bán của tất cả ngành nghề dẫn đến việc cạnh tranh ngày càng gay gắt, thậm chí bị đào thải khỏi thị trường… Dự báo khó khăn phía trước có thể xảy ra, nhiều gia đình quyết tâm thích nghi với lối sống tối giản gắn với tích cóp tiền bạc trong khả năng để chuẩn bị cho những biến động trong thời gian tới.

“Liệu cơm gắp mắm”

Trước áp lực của giá cả tăng nhanh và những thay đổi trong công việc, nhiều gia đình đang buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch chi tiêu để đảm bảo cuộc sống. Việc cắt giảm các khoản chi không cần thiết, “liệu cơm gắp mắm” được xem là giải pháp tối ưu trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ.

Mấy tháng gần đây, hầu như thứ gì cũng lên giá nên chị Mỹ Dung ở TX Đông Hòa buộc phải cắt giảm nhiều khoản để cân đối chi tiêu. Theo đó, vợ chồng chị thống nhất giảm tối đa nhu cầu không cần thiết đối với người lớn như hạn chế mua sắm quần áo, mỹ phẩm, giày dép và cả vui chơi giải trí vào cuối tuần. “Như dịp lễ này, dù các con được nghỉ nhiều ngày nhưng gia đình tôi không đi du lịch xa như thường lệ. Tôi cố gắng để dành được đồng nào hay đồng ấy vì việc buôn bán ở chợ của tôi không còn tốt như trước. Phần chồng tôi làm kế toán ở một doanh nghiệp tư nhân, thu nhập ổn định chứ không cao nên gia đình chỉ dám mua những mặt hàng thiết yếu”, chị Dung cho biết.

Sáng tạo trong cách tiết kiệm, chị Thanh (TP Tuy Hòa) cho biết đã giải thích cho con cái hiểu về tình hình kinh tế khó khăn, khuyến khích con tiết kiệm và chia sẻ. “Những đứa trẻ, dù còn nhỏ tuổi, cũng có thể góp phần vào việc tiết kiệm bằng cách tắt đèn khi ra khỏi phòng, không lãng phí đồ ăn thức uống hoặc tự giác giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà. Sự sẻ chia và thấu hiểu giúp các thành viên trong gia đình gắn kết hơn, để cùng nhau vượt qua khó khăn”, chị Thanh cho biết.

Trước tình hình kinh tế có nhiều biến động, các chuyên gia kinh tế cho rằng, người dân nên lập kế hoạch chi tiêu hợp lý, ưu tiên những khoản cần thiết; tìm kiếm thêm nguồn thu nhập để tăng khả năng tài chính; cập nhật thông tin kinh tế một cách chọn lọc, tránh hoang mang.

Nguồn: https://baophuyen.vn/hon-nhan-gia-dinh/202505/than-trong-chi-tieu-truoc-bien-dong-2a91796/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nhiều bãi biển ở Phan Thiết rợp cánh diều gây ấn tượng cho du khách
Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm