Giá dầu tiếp tục suy yếu
Theo ghi nhận từ MXV, sắc đỏ bao trùm thị trường năng lượng trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ghi nhận mức giảm lên tới 1,47%, rơi xuống mốc 66,21 USD/thùng, mốc thấp nhất trong vòng gần ba tuần trở lại đây. Giá dầu Brent cũng giảm 0,9% trong ngày hôm qua, dừng ở mốc 68,59 USD/thùng.
Thị trường dầu mỏ toàn cầu tiếp tục đối mặt với làn sóng lo ngại mới về triển vọng tăng trưởng kinh tế, đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng tiếp tục suy yếu trong bối cảnh thời hạn Chính phủ Mỹ áp dụng thuế đối ứng sắp tới gần. Tính đến hết phiên hôm qua, Mỹ mới chỉ đạt được thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh, Việt Nam và Indonesia. Thông tin về việc Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị các biện pháp trả đũa hay tiến trình đàm phán không mấy khả quan giữa Mỹ và Ấn Độ càng làm bức tranh thị trường thêm phần phức tạp.
Động thái mới nhất từ Mỹ và Nhật Bản gây chú ý trên thị trường quốc tế. Theo đó, đêm qua theo giờ Việt Nam, Mỹ đã công bố một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, qua đó tạo kỳ vọng sẽ góp phần xoa dịu căng thẳng thương mại trên thị trường toàn cầu hiện tại.
Bên cạnh đó, giá dầu tiếp tục chịu áp lực khi mặt bằng lãi suất cơ bản tại Mỹ vẫn duy trì ở mức cao 4,25–4,5%, theo quyết định của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đặt ra.
Giá đồng có phiên tăng thứ 3 liên tiếp
Ở chiều ngược lại, thị trường kim loại chứng kiến lực mua mạnh mẽ khi có tới 8/10 mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh. Đáng chú ý, giá đồng COMEX tiếp tục nới rộng đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp, tăng gần 1,5% lên 12.613 USD/tấn và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới chưa từng ghi nhận trước đó. Diễn biến này phản ánh xu hướng tích trữ mạnh mẽ, khi những lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cục bộ do Mỹ siết chặt thuế quan vẫn còn hiện hữu.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp thuế 50% đối với đồng nhập khẩu vào ngày 8/7, thị trường đồng ngay lập tức phản ứng mạnh mẽ. Dữ liệu từ Kpler cho thấy ngay sau động thái này, giá đồng trên sàn COMEX đã tăng vọt, khiến chênh lệch giá so với đồng LME lập tức nới rộng từ 11% lên tới 27%. Đáng chú ý, đến phiên giao dịch ngày 22/7, mức chênh lệch lớn này vẫn được duy trì quanh ngưỡng 27%.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), hiện nay, 45% nhu cầu đồng của quốc gia này vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ nhập khẩu.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/mxv-index-chua-thoat-khoi-dien-bien-giang-co-trong-vung-2200-diem-102250723093111116.htm
Bình luận (0)