Liên quan đến việc chính quyền Donald Trump tuyên bố áp thuế 46% với hàng hóa Việt Nam, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại (Bộ Công Thương).
Chúng ta đã rất chủ động, nhưng Mỹ còn nhanh hơn
- Nhiều doanh nghiệp cảm thấy sốc, bối rối khi hay tin Mỹ áp thuế 46% với Việt Nam. Vậy, ông có nhìn nhận gì về chính sách thuế mới mà Mỹ vừa công bố?
TS. Lê Quốc Phương: Chúng ta đã biết chính quyền Trump 2.0 từ lúc chưa lên cầm quyền đã tuyên bố sử dụng thuế quan nhập khẩu làm “vũ khí” chính. Ngay khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã áp dụng ngay việc tăng thuế với một số mặt hàng của các quốc gia.
Đến ngày 3/4 là đòn đánh thuế mạnh nhất lên tất cả hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia.
Việt Nam bị ảnh hưởng vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Năm 2024, nước ta xuất khẩu sang Mỹ gần 120 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi, nhập khẩu hàng Mỹ còn khá ít nên thặng dư thương mại lớn. Do đó, việc Mỹ đánh thuế hàng Việt Nam là điều dễ hiểu và được dự đoán trước. Song, mức thuế 46% Mỹ áp với Việt Nam khiến tôi bất ngờ. Đây có thể là cú sốc lớn với chúng ta.
Nhiều ngành hàng ở nước ta bị ảnh hưởng khi Mỹ áp thuế 46% với hàng Việt. Ảnh: Hoàng Hà
Trước đó, Chính phủ có những động thái rất chủ động, làm rất nhanh như giữa tháng 3, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã sang Mỹ đàm phán và đưa ra nhiều cam kết nhập khẩu hàng Mỹ.
Một loạt tập đoàn lớn của Việt Nam ký hợp tác với doanh nghiệp Mỹ, tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế, thương mại ký kết lên tới 90,3 tỷ USD và dự kiến triển khai từ năm 2025.
Đến ngày 31/3, Chính phủ ban hành Nghị định 73 giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó có nhiều hàng từ Mỹ như: gỗ, thịt gà, táo, cherry, khí NLG, ethanol ngô, đậu tương, gỗ...
Ngày 1/4, Bộ trưởng Công Thương ký quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định về kiểm soát thương mại chiến lược của Việt Nam. Ngay chiều cùng ngày, bộ trưởng đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất, đồng thời công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược để lấy ý kiến.
Từ đó có thể thấy, Chính phủ đã chủ động đưa ra các biện pháp và hành động rất nhanh. Song, chính quyền Mỹ còn nhanh hơn chúng ta nhiều.
Những ngành hàng chịu tác động mạnh
- Những ngành hàng nào của Việt Nam sẽ chịu tác động nặng nhất từ chính sách thuế mới của Mỹ, thưa ông?
Như đã nói ở trên, Mỹ là thị trường chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, khi bị áp thuế 46% thì mặt hàng nào xuất khẩu càng nhiều sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng càng nặng.
Ví dụ nhóm hàng sản phẩm điện tử, điện thoại, máy tính, linh kiện,... bị tác động mạnh. Các doanh nghiệp FDI sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất vì đây là nhóm hàng chiếm cơ cấu lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó là các doanh nghiệp ngành thuỷ sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, nông sản khác... của Việt Nam, bởi Mỹ là thị trường truyền thống, kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn.
- Việt Nam có thể thực hiện những biện pháp cụ thể nào để giảm căng thẳng thương mại và tránh bị áp thuế cao hơn?
Chúng ta không thể “trả đũa” Mỹ như EU, Trung Quốc, Canada... Các quốc gia này có tiềm lực kinh tế mạnh nên họ chơi “tất tay”. Trong khi nền kinh tế Việt Nam yếu hơn và kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ đang rất lớn.
Trong bối cảnh mới này, Chính phủ cần tiếp tục đàm phán với Mỹ.
Ngoài ra, để giảm căng thẳng, cần xem xét hạ thuế nhập khẩu với hàng Mỹ. Việc này cần làm nhanh. Hiện chúng ta không có những lĩnh vực cạnh tranh nhiều với quốc gia này, do đó không quá lo lắng về việc giảm thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến hàng sản xuất trong nước.
Thực tế cho thấy, hàng hoá Việt Nam và Mỹ có sự bổ trợ cho nhau, giảm thuế nhập khẩu cũng không đáng ngại. Chúng ta phải chấp nhận thiệt hại khi giảm thuế nhập khẩu. Tôi cho rằng mức thiệt hại đó hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Cần tăng cường nhập khẩu hàng hoá của Mỹ để cải thiện cán cân thương mại. Bên cạnh đó, phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần làm mọi cách để 'cầm cự'
- Trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu gia tăng, theo ông đâu là chiến lược thương mại để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững?
Việc rất quan trọng nhưng cũng rất khó là đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Chúng ta phải hiểu, ở quốc gia nào cũng xác định một vài thị trường chủ lực để xuất khẩu.
Mỹ đối với nhiều nước trên thế giới là thị trường lớn. Việt Nam cũng luôn xác định Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực, tuy nhiên chiếm đến gần 30% kim ngạch nghĩa là phụ thuộc quá lớn.
Những năm qua, các bộ ngành luôn đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở cửa thị trường mới, doanh nghiệp đã cố gắng đa dạng thị trường xuất khẩu nhưng vẫn “chưa ăn thua”. Do bán hàng cho thị trường lớn, quen thuộc dễ hơn bán cho thị trường nhỏ, thị trường ngách.
Song, chính điều này dẫn đến rủi ro cho doanh nghiệp khi xảy ra tình huống như áp thuế 46%. Thế nên, trong bối cảnh hiện nay buộc phải đa dạng hoá thị trường, tìm những thị trường tiềm năng.
Ngoài ra, còn câu chuyện muôn thuở nhưng bắt buộc phải làm là cải thiện môi trường kinh doanh sao cho minh bạch, cắt giảm bớt thủ tục hành chính, quản lý thông thoáng hơn... Từ đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hoá.
- Còn các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân cần thay đổi ra sao trong chiến lược sản xuất, kinh doanh để thích nghi với môi trường thương mại toàn cầu ngày càng biến động?
Mỹ là thị trường lớn và tiềm năng, doanh nghiệp không thể bỏ qua. Nhưng khi đối mặt với mức thuế cao 46%, cần đàm phán với các nhà nhập khẩu Mỹ để mỗi bên chịu một phần.
Trong chuyện này sẽ xảy ra hai trường hợp. Thứ nhất, bị áp thuế 46%, các nhà nhập khẩu Mỹ có thể chọn lựa không nhập, kéo theo sẽ không có hàng để sản xuất và bán. Thứ hai, nhập nhưng không tăng giá thì doanh nghiệp Việt không chịu nổi. Cuối cùng vẫn là đàm phán để hai bên cùng có lợi.
Điều quan trọng, doanh nghiệp cũng phải xác định lợi nhuận sẽ sụt giảm mạnh, phải cắt giảm chi phí, tiết kiệm nguyên vật liệu... để cầm cự trong lúc chờ đợi.
Tôi cho rằng khi Mỹ đưa ra mức thuế 46% với Việt Nam, họ cũng chờ xem chúng ta sẽ làm gì tới đây. Nếu chúng ta có những biện pháp thiện chí như giảm thuế, tăng nhập khẩu hàng hoá... thì rất có thể trong một thời gian Mỹ sẽ hạ thuế chứ không thể duy trì mãi. Vấn đề là mình làm được đến đâu.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/my-ap-thue-46-voi-viet-nam-can-dam-phan-va-ha-thue-nhap-khau-voi-hang-my-2387533.html
Bình luận (0)