Cuộc đàm phán tại Geneva có 'tiến bộ đáng kể'
Các quan chức Mỹ tuyên bố hai bên đã đạt được một "thỏa thuận" nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, trong khi phía Trung Quốc khẳng định đã đạt được "đồng thuận quan trọng" và đồng ý khởi động một diễn đàn đối thoại kinh tế mới.
Dù chưa bên nào công bố cụ thể nội dung thỏa thuận, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong cho biết một tuyên bố chung sẽ được công bố tại Geneva vào hôm nay. Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương nói rằng bản tuyên bố sẽ mang đến "tin vui cho thế giới".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer cũng nhấn mạnh đã có "tiến triển đáng kể" trong các cuộc đàm phán, và sẽ công bố chi tiết vào đầu tuần tới.
Tuy nhiên, cả hai phía đều không đề cập đến việc cắt giảm mức thuế quan 145% mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc và 125% mà Trung Quốc áp lại.
Greer mô tả kết quả tại Geneva là “một thỏa thuận mà chúng tôi đạt được với đối tác Trung Quốc”, nhằm góp phần giảm bớt thâm hụt thương mại hàng hóa toàn cầu của Mỹ hiện đang ở mức 1.200 tỷ USD. Ông nhận định đây là cuộc thảo luận “rất xây dựng” và diễn ra nhanh chóng, cho thấy các khác biệt có thể không lớn như nhiều người tưởng.
Phó Thủ tướng Trung Quốc cho biết các cuộc đàm phán lần này mang tính "thẳng thắn, sâu sắc và xây dựng", đạt được tiến bộ rõ rệt và đồng thuận quan trọng giữa hai bên. Những lời phát biểu này đã được hoan nghênh bởi đông đảo quan chức Trung Quốc có mặt tại trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ông Hà Lập Phong cũng đã có cuộc gặp với Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, người bày tỏ sự hài lòng với kết quả tích cực và kêu gọi hai nước tận dụng động lực này để tiếp tục xoa dịu căng thẳng thương mại.
Dù WTO trước đây đã ra phán quyết chống lại các mức thuế của chính quyền Trump, các vụ kiện hiện vẫn bị đình trệ do Mỹ chặn việc bổ nhiệm thẩm phán cho cơ quan phúc thẩm của tổ chức.
Mỹ - Trung nhất trí thành lập cơ chế tham vấn mới về thương mại
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong cho biết, hai bên đã đồng ý thiết lập một cơ chế tham vấn mới để xử lý các vấn đề kinh tế và thương mại, với các chi tiết cụ thể sẽ được hoàn tất trong thời gian sớm nhất.
Trong vài thập kỷ qua, Mỹ và Trung Quốc từng thành lập nhiều cơ chế đối thoại nhằm thu hẹp khác biệt kinh tế song phương, giống như Nhóm Công tác Kinh tế được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và ông Hà Lập Phong thành lập vào năm 2023 dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên, các cơ chế này thường chỉ dừng lại ở việc lắng nghe khiếu nại lẫn nhau, chứ chưa tạo ra bước tiến rõ ràng nào trong nỗ lực của Washington nhằm thúc đẩy Trung Quốc chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa.
Cuộc họp vừa qua tại Geneva cũng đánh dấu lần đầu tiên các quan chức kinh tế cấp cao Mỹ - Trung gặp mặt trực tiếp kể từ khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và bắt đầu chiến dịch áp thuế toàn cầu.
Hồi tháng 2, ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến khủng hoảng fentanyl và áp thuế 20% lên hàng hóa Trung Quốc.
Đến tháng 4, mức thuế này được nâng lên 34%, và sau nhiều đợt tăng thêm, thuế quan giữa hai nước đã vượt 100%, khiến gần 600 tỷ USD giá trị thương mại song phương gần như tê liệt.
Trung Quốc luôn khẳng định việc hạ thuế là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán nào. Tuy nhiên, lần đầu tiên ông Trump đã nêu cụ thể một mức giảm tiềm năng, cho rằng mức thuế 80% với hàng hóa Trung Quốc là “hợp lý”.
Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cho biết, trước khi diễn ra các cuộc gặp vào cuối tuần, hai bên đã chuẩn bị kỹ lưỡng và kết quả đạt được sẽ góp phần giải quyết tình trạng khẩn cấp thương mại mà Tổng thống Trump đã tuyên bố.
“Chúng tôi tin rằng thỏa thuận với phía Trung Quốc sẽ giúp chúng tôi tiến đến giải quyết vấn đề cấp bách này”.
Nhà Trắng sau đó cũng ra thông cáo báo chí ngắn gọn, nhắc lại lời của Greer và Bộ trưởng Tài chính Bessent, với dòng tiêu đề đáng chú ý: “Mỹ công bố thỏa thuận thương mại với Trung Quốc tại Geneva”. Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ chi tiết cụ thể nào được tiết lộ.
Thêm nhiều thỏa thuận thương mại đang được Mỹ xúc tiến sau đàm phán với Trung Quốc
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết, phía Trung Quốc đang “rất háo hức” tái cân bằng quan hệ thương mại với Mỹ thông qua các cuộc đối thoại.
Ông Hassett chia sẻ trong chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News rằng có thể sẽ có thêm nhiều thỏa thuận thương mại khác được công bố trong tuần này, không chỉ với Trung Quốc mà còn với các quốc gia khác.
Tuần trước, Mỹ đã đạt được một thỏa thuận thương mại hạn chế với Anh, nhưng vẫn giữ mức thuế 10% đối với nhiều mặt hàng từ nước này. Hassett tiết lộ ông đã được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick báo cáo về khoảng 24 thỏa thuận đang được đàm phán với sự tham gia của Đại diện Thương mại Jamieson Greer.
Theo Hassett, các thỏa thuận này “có hình thức tương tự như thỏa thuận với Anh, nhưng mỗi bản là một phiên bản tùy chỉnh”.
Về cuộc gặp với Trung Quốc, Tổng thống Trump tiếp tục đưa ra đánh giá tích cực. Trên mạng xã hội Truth Social, ông gọi đây là một cuộc “thiết lập lại toàn diện… trong tinh thần thân thiện nhưng mang tính xây dựng”.
Washington hiện đang hướng tới mục tiêu giảm thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 295 tỷ USD với Bắc Kinh. Mỹ cũng kỳ vọng Trung Quốc sẽ từ bỏ mô hình kinh tế mang tính trọng thương mà Washington cho rằng đang làm méo mó thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, để đạt được điều này, Trung Quốc sẽ phải thực hiện các cải cách nội địa nhạy cảm về chính trị.
Nguồn: https://baonghean.vn/my-va-trung-quoc-ket-thuc-dam-phan-thuong-mai-geneva-voi-tin-hieu-tich-cuc-se-cong-bo-chi-tiet-vao-hom-nay-10297077.html
Bình luận (0)