Trên mảnh đất biên cương xứ Lạng, những hoạt động đội sôi nổi, sáng tạo được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo đội viên tham gia, mang đến không chỉ kỹ năng sống mà còn là hành trang đạo đức, lý tưởng để các em lớn lên thành người công dân tốt. Dưới sự quan tâm của Hội đồng Đội (HĐĐ) Trung ương, sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và HĐĐ tỉnh, công tác đội tại Lạng Sơn ngày càng được nâng cao về chất lượng, có chiều sâu và gần gũi với đời sống đội viên, thiếu niên, nhi đồng.
Quan tâm bồi dưỡng tổng phụ trách đội
Chị Lê Thùy Dung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch HĐĐ tỉnh cho biết: Công tác đội và phong trào thiếu nhi luôn được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, HĐĐ tỉnh quan tâm, chỉ đạo thường xuyên gắn với các hoạt động của tổ chức đoàn, hội toàn tỉnh. Nhằm phát huy vai trò đồng hành của HĐĐ các cấp với đội viên, thiếu niên, nhi đồng trong quá trình phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, HĐĐ tỉnh đã chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ tổng phụ trách (TPT) đội tại các trường học, đồng thời triển khai các phong trào, tạo môi trường để các em đội viên, thiếu nhi thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng, thể hiện năng khiếu, sở trường và khẳng định năng lực của bản thân trong học tập và tham gia các hoạt động phong trào.
Hiện toàn tỉnh có gần 74.000 đội viên sinh hoạt tại 392 liên đội với 392 TPT. Tổ chức đội có mặt tại tất cả các trường tiểu học, trường có cấp THCS. Để dẫn dắt các hoạt động phong trào tại liên đội, ngay từ đầu các năm học, HĐĐ các huyện, thành phố đã tổ chức tập huấn cho 100% TPT nhằm kịp thời bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên mới nhận nhiệm vụ, đồng thời cập nhật nghiệp vụ, phương pháp tổ chức hoạt động đội cho toàn đội ngũ. Ở cấp tỉnh, hằng năm, HĐĐ tỉnh cử cán bộ tham gia các chương trình huấn luyện, trại hè quốc gia, sau đó tổ chức trại huấn luyện Hoàng Văn Thụ với thời gian 5 ngày. Tại đây, các TPT từ cơ sở được học tập, thực hành 3 ca/ngày, rèn luyện kỹ năng tổ chức trò chơi, múa hát tập thể, nghi thức đội, dựng trại, làm báo tường, ứng dụng công nghệ số… nhằm góp phần nâng cao năng lực tổ chức và phương pháp tập hợp, dẫn dắt thiếu nhi. Theo ước tính, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 2.400 lượt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho TPT.
Không dừng ở đội ngũ giáo viên, công tác đào tạo, phát triển đội ngũ chỉ huy đội, phụ trách sao nhi đồng cũng được thực hiện bài bản. Các liên hoan, hội thi chỉ huy đội giỏi, tuyên truyền măng non, TPT đội giỏi… diễn ra sôi nổi, là sân chơi rèn luyện và phát hiện nhân tố tiêu biểu.
Cùng với đó, các hoạt động truyền thống như kết nạp đội viên, sinh hoạt sao, xây dựng chi đội 3 tốt, liên đội 3 tốt, hoạt động ngoài giờ lên lớp… được tổ chức với nhiều đổi mới. Việc kết nạp đội viên mới được thực hiện tại các nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử, đài tưởng niệm, nơi ghi dấu lịch sử đã khơi gợi trong các em lòng tự hào, biết ơn, và nhận thức sâu sắc về sứ mệnh đội viên. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có trên 10.000 em được kết nạp đội, nâng tổng số đội viên lên hơn 74.000 em.
Công tác nhi đồng cũng được quan tâm triển khai, theo đó 100% học sinh tiểu học được tham gia chương trình "Dự bị đội viên". Các buổi sinh hoạt sao được tổ chức linh hoạt, lồng ghép trò chơi, kể chuyện, học kỹ năng sống. HĐĐ các cấp cũng tổ chức tập huấn kỹ năng cho phụ trách Sao nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục, hướng đến mục tiêu "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Đa dạng chương trình đồng hành
Nếu việc bồi dưỡng đội ngũ TPT tận tâm là bước gieo mầm cho những giá trị sống đẹp, thì các phong trào, chương trình đồng hành chính là cơn gió lành nâng bước đội viên, giúp các em tự tin bay cao, bay xa trên hành trình rèn luyện, trưởng thành.
Những năm qua, HĐĐ tỉnh đã triển khai hàng nghìn hoạt động bổ ích, thiết thực nhằm giúp thiếu nhi học tập tốt, sống đẹp, rèn luyện kỹ năng và trưởng thành trong môi trường an toàn, lành mạnh. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 5.400 buổi tuyên truyền, thu hút trên 1 triệu lượt đội viên, thiếu niên, nhi đồng tham gia với các chuyên đề thiết thực như: xây dựng tình bạn đẹp, phòng chống bạo lực học đường; phòng tránh đuối nước, tai nạn thương tích; kỹ năng phòng vệ cá nhân; phòng chống xâm hại; an toàn giao thông; tác hại của ma túy, thuốc lá điện tử, HIV/AIDS... Những kiến thức này không chỉ trang bị cho các em sự hiểu biết, mà còn là hành trang để các em biết tự bảo vệ mình và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
Bên cạnh đó, chương trình tiếp xúc cử tri trẻ em, diễn đàn trẻ em, Quốc hội trẻ em… được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện để các em cất lên tiếng nói của mình trước các đại biểu, lãnh đạo các cấp. Từ đây, các em học được kỹ năng bày tỏ chính kiến, thể hiện mong muốn, đồng thời nâng cao ý thức làm chủ trong cuộc sống.
HĐĐ các cấp cũng tích cực hưởng ứng phong trào "Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy" với hàng loạt hoạt động ý nghĩa: mô hình "Đôi bạn cùng tiến", "Hoa trạng nguyên nhỏ tuổi", "Nói lời hay, làm việc tốt", phong trào "Nói không với rác thải nhựa", "Xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường"…
Các liên đội sáng tạo triển khai các mô hình như: "Phóng viên nhỏ", "Truyền thanh măng non", "Hội thi Nghi lễ Đội", "Lớp học về trẻ dễ ngoan", xây dựng các công trình măng non gắn với giáo dục truyền thống. Ở các huyện Tràng Định, Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn, hàng trăm hoạt động "về nguồn" đã được tổ chức, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc trong lòng thiếu nhi.
Công tác chăm sóc, hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm triển khai thông qua nhiều mô hình hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực. Trong đó, đội viên, thiếu niên, nhi đồng đóng góp để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn thông qua phong trào: “Kế hoạch nhỏ”, nuôi lợn đất, giúp bạn đến trường…. HĐĐ các cấp cũng tăng cường công tác phối hợp, huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nhà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, nhận đỡ đầu, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ học tập và sinh hoạt cho học sinh bán trú… Từ năm 2022 đến nay, Tỉnh đoàn, HĐĐ tỉnh phối hợp với các tổ chức, cá nhân xây dựng 27 “Nhà vệ sinh cho em”, trao tặng 16 căn nhà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng 2 điểm trường đẹp; xây mới, sửa chữa, nâng cấp 17 sân chơi cho thiếu nhi; giúp đỡ trên 15.000 lượt thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn…
Em Đặng Bảo An, học sinh lớp 7B, Trường THCS xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng chia sẻ: "Tham gia hoạt động đội giúp em tự tin hơn, biết cách làm việc nhóm và chủ động hơn trong học tập. Em còn được gặp gỡ nhiều bạn bè từ các trường khác, học hỏi được rất nhiều điều thú vị. Năm nay em rất vui khi được chọn là 1 trong 7 đội viên tiêu biểu của tỉnh tham gia Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc".
Những hoạt động xây dựng nền móng và đồng hành cùng đội viên của HĐĐ các cấp đã giúp lớp măng non trên địa bàn tỉnh có môi trường thuận lợi để học tập, rèn luyện, phát huy những thế mạnh của bản thân, nhờ đó, mỗi năm có hơn 1.800 đội viên tiêu biểu được khen thưởng ở cấp huyện và tỉnh, trở thành những điểm sáng truyền cảm hứng cho bạn bè cùng nỗ lực. Với những thành tích nổi bật đã đạt được trong công tác đội và phong trào thiếu nhi năm học 2023 - 2024, tỉnh Lạng Sơn có 10 tập thể và 6 cá nhân được Trung ương Đoàn tặng bằng khen; 30 tập thể và 33 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đội và phong trào thiếu nhi năm học 2023 – 2024 cũng được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, HĐĐ tỉnh tặng bằng khen.
Với hành trang là những giá trị tốt đẹp được bồi đắp từ tổ chức đội, các đội viên, những măng non của xứ Lạng sẽ tiếp tục lớn lên, vươn cao như những chồi xanh giữa trời xuân, góp phần dựng xây quê hương giàu đẹp, văn minh.
Nguồn: https://baolangson.vn/chap-canh-doi-ta-5046875.html
Bình luận (0)