Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng cao chất lượng đàn bò

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Tuyên Hóa đã tập trung tuyên truyền, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân phát triển chăn nuôi bò lai theo hướng nâng cao chất lượng.

Báo Quảng BìnhBáo Quảng Bình11/04/2025

 
Trước đây, đa số người dân huyện Tuyên Hóa nuôi giống bò cỏ của địa phương; hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu theo hộ gia đình và thả rông tự nhiên. Thể trọng, tầm vóc đàn bò nhỏ, tỷ lệ thịt thấp nên hiệu quả chăn nuôi không cao.
 
Nhằm phát triển và nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn, huyện Tuyên Hóa đã xây dựng và triển khai “Đề án phát triển đàn bò lai giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, UBND huyện đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ kinh phí trên 13 tỷ đồng để mua 1.283 con bò cái lai, 5 con bò đực giống lai Sind để hỗ trợ cho người dân; đồng thời hỗ trợ trên 380 triệu đồng cho các hộ dân trồng cỏ, nâng diện tích cỏ trồng cho trâu, bò ăn lên gần 600ha. Công tác phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho đàn bò, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi luôn được quan tâm… Đến năm 2020, tổng đàn bò toàn huyện lên đến 16.000 con, trong đó bò lai chiếm 67,5% tổng đàn.
Người dân huyện Tuyên Hóa đang chăm sóc đàn bò lai.
Người dân huyện Tuyên Hóa chăm sóc đàn bò lai.
Từ kết quả đạt được, đầu năm 2021, huyện Tuyên Hóa tiếp tục ban hành “Đề án chăn nuôi tập trung giai đoạn 2021-2025”. Đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn đã hoàn thành quy hoạch khu chăn nuôi tập trung; công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển đồng cỏ, tích trữ, chế biến thức ăn cho bò luôn được chú trọng.
 
Xã Tiến Hóa có 770 con bò, trong đó đàn bò lai đạt 90%. Để nâng cao chất lượng đàn bò, UBND xã đã tuyên truyền, hỗ trợ cho người chăn nuôi áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo giống bò 3B trên nền bò cái lai địa phương (lai Sind, Brahman). Đầu năm 2023, xã cũng đã thành lập 1 chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò lai sinh sản tại thôn Bàu 3 và vận động nguồn xã hội hóa hỗ trợ bò giống 3B cho người dân.
 
Chị Nguyễn Thị Phú, thôn Bàu 3 chia sẻ: “Ngoài việc được nhận bò giống, tôi còn được tập huấn nghiệp vụ chăn nuôi, chăm sóc, trồng cỏ và chế biến thức ăn cho bò lai để phổ biến lại cho bà con trong thôn. Đến nay, đàn bò của thôn có 110 con, trong đó đàn bò lai đạt khoảng 95%”.
Nhờ nuôi các giống bò lai, nhiều hộ dân huyện Tuyên Hóa đã vươn lên làm giàu.
Nhờ nuôi các giống bò lai, nhiều hộ dân huyện Tuyên Hóa đã vươn lên làm giàu.
Ông Lê Quang Tọa, ở thôn Bàu 3, xã Tiến Hóa phấn khởi: “Tôi thấy các giống bò lai đều phát triển tốt, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với các giống bò địa phương. Bê con lai cũng rất phàm ăn, tăng trọng nhanh, chi phí thức ăn cũng thấp hơn so với các giống bò khác”. Trước đây, gia đình ông Tọa chủ yếu nuôi giống bò địa phương nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Từ năm 2023, được Hội Nông dân xã tuyên truyền, hướng dẫn, ông đã cho thụ tinh nhân tạo giống bò 3B trên 2 con bò cái nền lai Sind. Nay 2 con bò cái của ông đã sinh được 2 con bê con có vóc dáng vượt trội so với những lứa bê trước đây, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.
 
Thuận Hóa là xã miền núi, có diện tích đất nông nghiệp khá rộng lớn, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi. Tận dụng lợi thế này, nhiều người dân trong xã đã phát triển chăn nuôi bò lai. Hiện, đàn bò toàn xã có 342 con, trong đó có 303 con bò lai.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết: “Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi bò lai; giao đất cho các hộ có nhu cầu để sớm đưa các khu chăn nuôi tập trung vào hoạt động. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ đàn bò lai toàn huyện đạt 80%. Huyện cũng sẽ xây dựng thêm vùng an toàn dịch bệnh, trang trại chăn nuôi đạt theo tiêu chí, chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn cho bò và tăng cường liên kết đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị”...
Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa Nguyễn Xuân Các cho biết: “Thời gian qua, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật, chăm sóc bò cho hộ chăn nuôi; hỗ trợ kinh phí cho người dân mua giống bò, trồng cỏ, máy chế biến thức ăn cho bò. Nhờ đó, số lượng, chất lượng đàn bò lai ngày càng tăng lên đáng kể”.
 
Anh Nguyễn Xuân Tư, ở thôn Xuân Canh, xã Thuận Hóa đang nuôi 5 con bò, trong đó có 3 con bò lai phối giống từ bò 3B bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Anh Tư chia sẻ: “So với giống bò địa phương thì các giống bò lai có ngoại hình to, lớn nhanh, đạt năng suất cao hơn. Có những con bò lai tôi bán được giá cao gấp đôi so với giống bò địa phương. Để chăm sóc đàn bò, tôi đã dành gần 1 sào đất trong vườn, tận dụng diện tích đất nông nghiệp manh mún để trồng cỏ, ủ rơm cho bò ăn”.
 
Theo nhiều người chăn nuôi bò lai tại địa phương, qua quá trình chăn nuôi, các giống bò lai đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội, như: Dễ nuôi, lớn nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, tỷ lệ thịt xẻ cao hơn so với các giống bò khác nên được các thương lái rất ưa chuộng…
Xuân Vương

Nguồn: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202504/nang-cao-chat-luong-dan-bo-2225541/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm