Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng cao chất lượng nhân lực thương mại điện tử

Từ nhiều năm nay, nguồn nhân lực cho ngành thương mại điện tử được tỉnh Lạng Sơn cũng như các doanh nghiệp chú trọng. Việc nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ quản lý, lao động là một trong những yếu tố then chốt để phát triển thương mại điện tử.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân04/07/2025

Nông dân Lạng Sơn bán na qua sàn thương mại điện tử.
Nông dân Lạng Sơn bán na qua sàn thương mại điện tử.

Tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 164.000 người hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, trong đó 60% tham gia hoạt động thương mại điện tử. Từ năm 2021 đến nay, các ngành, đơn vị liên quan đã phối hợp, triển khai nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các kỹ năng số, ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh.

Hằng năm, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn mở từ hai đến ba lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho khoảng 100 lượt cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về thương mại điện tử và cho khoảng 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên toàn tỉnh.

Để giúp đội ngũ quản lý, lao động trong lĩnh vực thương mại điện tử có đủ kiến thức, kỹ năng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, Sở Công thương chủ động nghiên cứu, rà soát các nội dung mới, cần thiết để bổ sung, cập nhật, tham mưu tổ chức các chương trình tập huấn kịp thời, phù hợp. Bên cạnh những kiến thức liên quan, các lớp tập huấn còn lồng ghép nội dung thực hành, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã thiết lập tài khoản kinh doanh, quy trình livestream trên sàn thương mại điện tử.

Với đặc thù là tỉnh biên giới, cửa ngõ trung chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu quan trọng của Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc và ngược lại, tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tháng 12/2024, Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới: Tăng tốc và Bứt phá” do tỉnh Lạng Sơn phối hợp Bộ Công thương tổ chức ghi nhận sự tham gia tích cực của các chuyên gia và gần 200 đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã. “Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh tiếp cận các kỹ năng số, ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh”, đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cho biết.

Tham dự một phiên livestream của Hợp tác xã sản xuất Trà diếp Lụa Vy (xã Quan Sơn), có thể thấy công nghệ đã giúp thay đổi và cải thiện các phương thức thương mại truyền thống. Trong không gian được hỗ trợ bởi các thiết bị công nghệ, hợp tác xã dễ dàng quảng bá các mặt hàng nông sản quê hương trên các kênh phân phối, sàn thương mại điện tử. Hiện nay, với các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng cả nước đã có thể tiếp cận các sản phẩm OCOP Lạng Sơn như na, trà diếp cá, hồng vành khuyên…

Chị Vi Thị Lụa, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất Trà diếp cá Lụa Vy cho biết: “Thông qua các nền tảng kinh doanh số, thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước. Kênh YouTube Lụa Vy đang có 1.000 người theo dõi với nhiều video đạt gần 100.000 lượt xem. Kênh Tiktok Lụa Vy cũng có 26.400 lượt theo dõi,… Những con số ấn tượng ấy mang tới hơn 40% tổng doanh thu, giúp hợp tác xã ký kết với nhiều đại lý phân phối. Thương hiệu Lụa Vy có chỗ đứng tốt hơn trên thị trường”.

Thời gian qua, lực lượng thanh niên tỉnh Lạng Sơn luôn là thành tố chủ lực, đồng hành với các cơ sở kinh doanh và hợp tác xã nông sản, hỗ trợ các đơn vị và người dân thao tác thành thạo trên các sàn thương mại điện tử. “Đoàn Thanh niên đã tổ chức các phiên livestream trực tuyến, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá và bán các sản phẩm nông sản Lạng Sơn trực tiếp đến người tiêu dùng. Những chiến dịch truyền thông, quảng bá thương hiệu nông sản Lạng Sơn trên không gian số với nòng cốt là thanh niên, đã giúp nâng cao nhận thức của nhân dân về chất lượng sản phẩm địa phương” - chị Vũ Thị Viên, thành viên Hợp tác xã Thanh niên Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết.

Thời gian tới, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn tiếp tục là đơn vị đầu mối, phối hợp các ngành liên quan xây dựng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và hoạt động đúng quy định của pháp luật. Với những giải pháp thiết thực, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Lạng Sơn ngày càng được nâng lên.

Minh chứng rõ ràng nhất là phần lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các hình thức giao dịch như: Sử dụng hóa đơn điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng các website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá và bán sản phẩm. Lạng Sơn hiện có hơn 21.000 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, đứng thứ hai toàn quốc với hơn 50.000 giao dịch thành công, đứng thứ tư cả nước; có 229.000 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, đứng thứ ba toàn quốc…

Nguồn: https://nhandan.vn/nang-cao-chat-luong-nhan-luc-thuong-mai-dien-tu-post891767.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm