Cơ hội hút khách quốc tế cao cấp
Dữ liệu tổng hợp từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm tới nay đạt mức tăng trưởng trong khoảng 10%-25%, xếp thứ 7 trên thế giới. Việt Nam cũng là điểm đến duy nhất trong khu vực Đông Nam Á nằm trong top 10, vượt xa một số nước trong khu vực như Philippines, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Trong thời gian qua, sự xuất hiện của những du khách nổi tiếng như tỷ phú Bill Gates tại Đà Nẵng; đám cưới của các tỷ phú Ấn Độ đã được tổ chức tại các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam; hay hình ảnh hai triệu phú người Mỹ đến tham quan, trải nghiệm tại Hà Giang, Quảng Ninh hồi đầu năm... đã tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm của giới thượng lưu toàn cầu đến Việt Nam.
Theo các chuyên gia du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam rất thích phong cảnh thiên nhiên, ẩm thực và văn hóa bản địa. Những khách hạng sang thường lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều sẽ lựa chọn những dòng sản phẩm khác biệt, đòi hỏi cao về chất lượng môi trường và quản trị bền vững.
Theo Chủ tịch Tập đoàn LuxGroup Phạm Hà, khách quốc tế cao cấp thường đi dài hơn, có khả năng chi trả cao hơn. Dòng khách này thường thích những sản phẩm xanh, thân thiện với điểm đến, thích du thuyền, chơi gofl, du lịch nông nghiệp, ẩm thực, tour “no carbon”... Do vậy, các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến cần tập trung vào những yếu tố này để gia tăng lượng khách cao cấp đến với Việt Nam.
Đánh giá về tiềm năng thu hút du khách quốc tế cao cấp, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Việt Nam hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành điểm đến hàng đầu cho dòng khách quốc tế cao cấp, nhờ nền văn hóa đặc sắc, ẩm thực đa dạng và hệ thống danh lam thắng cảnh nổi tiếng.
Nhằm mục tiêu nâng cao hình ảnh, lan tỏa thương hiệu du lịch quốc gia và thu hút mạnh mẽ hơn nữa lượng khách quốc tế, đặc biệt là từ phân khúc thị trường cao cấp, trong tháng Năm này, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã giới thiệu chương trình du lịch Việt Nam tại 3 nước Italia, Thụy Sĩ và Pháp. Dự kiến trong năm 2025, Cục Du lịch quốc gia sẽ triển khai 7 chương trình xúc tiến du lịch quốc tế quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều địa phương và doanh nghiệp.
Xây dựng sản phẩm độc đáo
Khách du lịch cao cấp thường tìm kiếm những trải nghiệm riêng biệt và chất lượng cao. Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn kinh tế thế giới Oxford Economics, du khách sẵn sàng chi trả khoảng 250 USD/ngày cho các dịch vụ cao cấp.
Các loại hình du lịch như chơi golf, lặn biển, du lịch MICE (hội nghị, hội thảo), du thuyền, khám phá thiên nhiên hoang dã và thám hiểm hang động đang được nhiều doanh nghiệp tập trung phát triển để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhóm khách này.
![]() |
Với dòng khách cao cấp, sự đẳng cấp nằm ở tính tinh tế trong phục vụ, tính nguyên sơ của văn hóa bản địa và khả năng tạo ra trải nghiệm độc đáo. (Ảnh minh họa: Khu nghỉ dưỡng P'apiu) |
Các chuyên gia du lịch cho rằng, để thu hút được dòng khách du lịch cao cấp cần thấu hiểu sâu sắc nhu cầu và kỳ vọng của họ. Đây là nhóm khách hàng đặc thù, có yêu cầu cao về chất lượng, sự riêng tư và tính cá nhân hóa trong mọi trải nghiệm. Việc sử dụng các sản phẩm du lịch phổ thông để phục vụ nhóm khách này sẽ không hiệu quả và có thể khiến họ mất thiện cảm với điểm đến.
Với dòng khách cao cấp, sự đẳng cấp nằm ở tính tinh tế trong phục vụ, tính nguyên sơ của văn hóa bản địa và khả năng tạo ra trải nghiệm độc đáo. Từ không gian lưu trú, phong cách phục vụ, đến từng món ăn, thức uống, tất cả đều được thiết kế riêng đúng với sở thích, thói quen và lối sống của từng cá nhân. Do đó, ngành du lịch cần chuyển từ tư duy “bán cái mình có” sang “cung cấp điều khách cần”, đặc biệt là trong lĩnh vực cao cấp.
Chủ tịch Tập đoàn LuxGroup Phạm Hà cho rằng: Khi hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp, điều quan trọng là phải tạo ra sự đồng điệu trong cách truyền tải thông điệp, thiết kế sản phẩm, tư duy dịch vụ và cả gu thẩm mỹ. Chỉ khi đó mới có thể chạm đến kỳ vọng và đẳng cấp mà họ mong đợi.
Theo ông Phạm Hà, đối với nhóm khách hạng sang, chi phí không phải là yếu tố quyết định chính mà chỉ chiếm khoảng 5%, 95% còn lại phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ, sự chuyên nghiệp của đội ngũ phục vụ và trải nghiệm cảm xúc mà điểm đến mang lại.
“Họ lựa chọn Việt Nam không chỉ để nghỉ dưỡng mà còn để tận hưởng những khoảnh khắc đáng nhớ, nơi họ cảm thấy được tôn trọng, được truyền cảm hứng và thực sự kết nối với điểm đến. Vì vậy, cần đầu tư và nhân rộng các sản phẩm đặc thù như du thuyền cao cấp, khu nghỉ dưỡng sinh thái, điểm đến xanh...
Muốn làm được điều đó, ngành du lịch Việt Nam cần thay đổi tư duy từ phục vụ đại trà sang tư duy phục vụ mang tính cá nhân hóa và đẳng cấp. Chỉ khi hiểu và hành động theo tinh thần ấy, chúng ta mới có thể chinh phục và giữ chân tệp khách cao cấp một cách bền vững”, ông Phạm Hà nói.
Ngành du lịch Việt Nam cần thay đổi tư duy từ phục vụ đại trà sang tư duy phục vụ mang tính cá nhân hóa và đẳng cấp. Chỉ khi hiểu và hành động theo tinh thần ấy, chúng ta mới có thể chinh phục và giữ chân tệp khách cao cấp một cách bền vững.
Chủ tịch Tập đoàn LuxGroup Phạm Hà
Để hoạt động đón khách quốc tế hiệu quả, đặc biệt là tạo sức hút với dòng khách du lịch cao cấp, Tổng giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan, cho rằng, khách du lịch cao cấp là nhóm có khả năng chi trả cao, sở hữu gu trải nghiệm tinh tế và sẵn sàng đầu tư cho những điều khác biệt. Chính vì vậy, để thu hút hiệu quả phân khúc này, ngành du lịch cần xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ và cao cấp, từ sản phẩm trải nghiệm đến cơ sở lưu trú và hàng không.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, các sản phẩm du lịch dành cho khách cao cấp cần được cá biệt hóa theo sở thích, nhu cầu cá nhân hóa, đồng thời mang đến những trải nghiệm mới lạ, độc đáo. Thay vì khai thác mùa thấp điểm bằng giá rẻ, cần định hướng khách lựa chọn thời điểm lý tưởng nhất trong năm để tối ưu trải nghiệm. Đối với các tour cao cấp, đội ngũ hướng dẫn viên cũng cần đạt chuẩn cao hơn. Hướng dẫn viên không chỉ là người thực hiện thủ tục, mà là chuyên gia tư vấn, có khả năng đồng hành và truyền cảm hứng trong từng hoạt động của du khách.
Một yếu tố quan trọng khác là chuyển hướng từ việc phục vụ theo số đông sang phục vụ theo chiều sâu. “Việc ghép đoàn đông người để giảm chi phí từng phổ biến, nhưng không phù hợp với khách cao cấp, bởi sẽ làm giảm mức độ chăm sóc và không đáp ứng được nhu cầu cá nhân hóa-yếu tố then chốt với nhóm khách này”, ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ.
Sự gia tăng của dòng khách du lịch quốc tế cao cấp sẽ là cơ hội vàng để Việt Nam nâng tầm thương hiệu du lịch quốc gia. Với chiến lược phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, chính sách thu hút phù hợp và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu cho giới thượng lưu toàn cầu.
Nguồn: https://nhandan.vn/nang-tam-thuong-hieu-du-lich-viet-nam-tu-dong-khach-cao-cap-post878270.html
Bình luận (0)