Phong trào “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” được triển khai một cách bài bản, đồng bộ. Từ năm 2022, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 59/HD-LĐLĐ về nội dung, tiêu chí văn hóa trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ trì phối hợp với Sở VH,TT&DL, Sở Nội vụ và các ngành chức năng để cụ thể hóa thành bảng điểm phù hợp với đặc thù từng ngành, từng địa phương, giúp việc đánh giá, xét công nhận minh bạch, chặt chẽ hơn.
Chất “văn hóa” trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được thể hiện qua những chương trình giao lưu, hoạt động cộng đồng, trong từng câu nói, thái độ phục vụ và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Các phong trào thi đua lao động sáng tạo, phong trào xây dựng “Cơ quan văn hóa”, “Đơn vị văn minh” được lồng ghép sâu trong nhiệm vụ chuyên môn, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng công tác và đời sống cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó, việc tăng cường cải cách hành chính trong cơ quan nhà nước đã góp phần nâng cao kỷ luật hành chính, rút ngắn quy trình thủ tục, giảm tải áp lực cho cả cán bộ và người dân. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin từ cấp tỉnh đến cấp xã đã tạo ra môi trường làm việc hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Với các doanh nghiệp, việc xây dựng đơn vị đạt chuẩn văn hóa cũng được quan tâm. Sở VH,TT&DL và Liên đoàn Lao động tỉnh đã thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp đã ký kết, như: Tổ chức thành công 2 chương trình giao lưu Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát tại khu công nghiệp Hải Yên và khu công nghiệp Texhong.
Tại buổi giao lưu, Liên đoàn Lao động tỉnh và cấp công đoàn cơ sở, địa phương cũng đã trao tặng nhiều phần quà cho đại điện các gia đình và con em các gia đình công nhân trong khu công nghiệp có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn chung tay ủng hộ về tinh thần, vật chất, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho công nhân lao động.
Bên cạnh đó, những mô hình thiết thực như “Cụm Văn hóa - Thể thao trong CNVCLĐ”, “Tổ tự quản công nhân khu nhà trọ”, “Câu lạc bộ công nhân xa nhà” đã được triển khai rộng khắp, trở thành điểm tựa tinh thần, giúp người lao động có thêm không gian sinh hoạt, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau. Sân chơi truyền hình công nhân viên chức lao động với pháp luật mang tên “Sau giờ thứ 8” cũng thu hút đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức, lao động tham gia; góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật, đồng thời làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần ở các doanh nghiệp.
Tinh thần “Công nhân tiên phong bước vào kỷ nguyên mới” được thể hiện rõ nét trong Tháng Công nhân năm 2025. Những hoạt động tôn vinh, tri ân người lao động không chỉ mang tính hình thức mà đã trở thành ngày hội thực thụ, khơi lên niềm tự hào về nghề nghiệp được lan tỏa khắp các phân xưởng.
Việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh. Được biết, Sở VH,TT&DL cùng Liên đoàn Lao động tỉnh đã rà soát, đánh giá và chính thức công nhận 50 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2023-2024.
Năm 2025, giữ vững tinh thần “bứt phá trong phát triển kinh tế”, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao gắn với nhiệm vụ chuyên môn, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đặc biệt, việc lồng ghép phong trào văn hóa vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội sẽ tạo cú hích mới, giúp cán bộ, công chức, viên chức, lao động Quảng Ninh tự tin, năng động và sáng tạo hơn trong công việc; góp phần vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nang-tam-van-hoa-co-quan-doanh-nghiep-quang-ninh-3365004.html
Bình luận (0)