
Bí mật nằm ở bộ não của bạn - một bậc thầy ảo thuật, liên tục điều chỉnh và làm mịn mọi thứ bạn thấy, đến nỗi bạn chẳng hề hay biết (Ảnh: SP).
Thực tại hay ảo ảnh?
Thử một lần, hãy mở camera điện thoại ở chế độ quay video và nhìn chằm chằm vào màn hình như một khung ngắm. Bạn sẽ thấy hình ảnh rung lắc, hơi méo mó và độ mượt mà không đạt yêu cầu.
Nhưng đây mới chính là sự phản chiếu chân thực những gì mắt bạn thực sự cảm nhận.
Sự khác biệt nằm ở chỗ não bộ can thiệp để điều chỉnh, làm mịn và ổn định hình ảnh, biến trải nghiệm thị giác hỗn loạn thành một dòng chảy liền mạch và dễ chịu.
Sống trong quá khứ để tồn tại ở hiện tại
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Aberdeen và Đại học California, Berkeley, đã công bố một khám phá chấn động trên tạp chí Science Advances: Bộ não của chúng ta không nhận thức thế giới theo thời gian thực.
Thay vào đó, nó dựa vào 15 giây cuối cùng để tạo ra một hình ảnh trực quan mạch lạc và trôi chảy về môi trường xung quanh. Nói cách khác, chúng ta đang sống trong một ảo ảnh thị giác tự nhiên, liên tục khiến chúng ta nhận thức về quá khứ, chứ không phải hiện tại.
Mỗi giây, mắt chúng ta tiếp nhận hàng loạt hình ảnh không ổn định, liên tục thay đổi do ánh sáng, góc nhìn, khoảng cách, chuyển động, chớp mắt và các vật thể xuất hiện hoặc biến mất.
Thế nhưng, mọi thứ vẫn dường như ổn định. Vật thể không dịch chuyển lung tung, khuôn mặt không bị biến dạng và thế giới không rung lắc như trong một video nghiệp dư.
Bởi vì não bộ của chúng ta thực hiện việc "làm mượt thời gian". Nó không chỉ phân tích khoảnh khắc hiện tại mà còn tính trung bình thông tin thị giác nhận được trong những giây trước đó.
Cơ chế này gọi là sự phụ thuộc tuần tự, khiến chúng ta cảm nhận các vật thể giống với những gì đã từng thấy trước đó, tạo ra ảo giác về sự liên tục thị giác - một thế giới dường như ổn định, ngay cả khi thực tế không phải vậy.
Một ảo tưởng, nhưng rất cần thiết
Nghiên cứu được củng cố bằng một loạt các thí nghiệm thú vị. Ví dụ, khi người tham gia quan sát một khuôn mặt dần thay đổi tuổi tác (từ trẻ đến già hoặc ngược lại), phần lớn đều ước tính thấp hơn hoặc cao hơn tuổi thực tế của khuôn mặt dựa trên những hình ảnh trước đó.
Điều này cho thấy, nhận thức thị giác hiện tại của chúng ta bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hình ảnh trong quá khứ, như thể não bộ từ chối thiết lập lại mọi thứ từng khoảnh khắc.
Thay vào đó, nó chọn cách kết hợp dữ liệu thành một hình ảnh mạch lạc, dễ hiểu và ít gây nhầm lẫn hơn. Đây không phải là lỗi, mà là một tính năng quan trọng để duy trì sự ổn định của nhận thức trong bối cảnh thị giác hỗn loạn.
Tuy nhiên, cơ chế này cũng có những nhược điểm. Việc neo chúng ta vào một quá khứ thị giác gần đây có thể khiến chúng ta mù quáng trước những thay đổi tinh tế.
Hiện tượng này được gọi là "mù thay đổi": Một vật thể đã được thay đổi hoặc di chuyển có thể thoát khỏi sự chú ý của chúng ta vì não bộ không kịp cập nhật hình ảnh của nó.
Một hiện tượng liên quan khác là mù do thiếu chú ý, xảy ra khi một yếu tố hữu hình không được nhận thức chỉ vì sự chú ý của chúng ta bị hướng đi nơi khác.
Những thành kiến này đã chỉ ra rằng, nhận thức của chúng ta kém khách quan hơn vẻ bề ngoài và nó được định hình bởi trí nhớ tức thời, sự chú ý, cùng những ưu tiên mà não bộ vô thức thiết lập để đảm bảo sự mạch lạc.
Ứng dụng thực tế
Nghiên cứu không chỉ mang tính học thuật mà còn có những hàm ý thực tiễn đáng kể.
Nó đã truyền cảm hứng cho các công nghệ ổn định video trên điện thoại thông minh, mô phỏng chính xác cách bộ não chúng ta hoạt động tự nhiên.
Đồng thời làm sáng tỏ các rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến nhận thức thị giác hoặc sự chú ý.
Hiểu rõ hơn về cách bộ não liên tục tái tạo thực tế có thể giúp thiết kế các hệ thống hỗ trợ thị giác, giao diện nhập vai tự nhiên hơn hoặc các công cụ chẩn đoán nhận thức hiệu quả.
Quan trọng hơn, những khám phá này nhắc nhở chúng ta về một sự thật đáng kinh ngạc: Những gì chúng ta thấy không bao giờ hoàn toàn là sự thật. Bộ não, vì sự thoải mái của chúng ta, ưa thích một phiên bản ổn định của thế giới hơn là một thực tại thô sơ, bất định.
Nó cố tình trì hoãn chúng ta vài giây và chính nhờ cơ chế này mà con người có thể nhìn rõ trong sự hỗn loạn của hiện tại.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/nao-bo-luon-lua-doi-ban-chung-ta-chi-nhan-thuc-the-gioi-tu-15-giay-truoc-20250722102759244.htm
Bình luận (0)