Tinh gọn để giảm áp lực
Từ ngày 1/7/2025, cả nước chính thức áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bỏ cấp huyện. Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng được sửa đổi, trong đó có Thông tư 22/2019 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo Điều 9 Thông tư 12/2025 của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 12/6/2025, thẩm quyền tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 của Thông tư 22/2019 sẽ do UBND cấp xã thực hiện. Thay thế cụm từ “Trưởng phòng GD&ĐT” thành “Chủ tịch UBND xã”, “Phòng GD&ĐT” thành “UBND xã”, “cấp huyện” thành “cấp xã” tại Thông tư 22/2019.
Trao đổi về điều này, nhà giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hồng Hà, Hà Nội) cho rằng, khi đã áp dụng chủ trương tinh gọn bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu cắt giảm một số cuộc thi/hội thi không cần thiết. Cụ thể, bà Hồng đề xuất không nên tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi ở cấp xã/phường để giảm áp lực cho thầy cô.
“Tùy vào khả năng và nguyện vọng cá nhân, thầy cô có thể tham gia thi ở cấp trường. Sau đó, sở GD&ĐT cần ban hành những hướng dẫn để tổ chức thi giáo viên dạy giỏi dưới hình thức liên xã/phường, sau đó chọn lọc giáo viên đủ phẩm chất, tiêu chuẩn tham dự vòng thi cấp thành phố. Đó là chưa kể, cán bộ xã/phường nếu không đủ chuyên môn mà chấm vòng thi cấp xã liệu có đảm bảo khách quan”, bà Hồng đặt vấn đề.
Nằm ở địa bàn khó khăn của tỉnh, nhà giáo Nguyễn Thị Ngân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Nham (Dân Chủ, Phú Thọ) cho biết, nếu tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp xã trong khi thiếu điều kiện nhân lực, cán bộ có năng lực từ phòng GD&ĐT huyện chuyển về thì sẽ là thách thức không nhỏ tới các địa phương.
Vì thế, bà Ngân cho hay, nếu triển khai thi giáo viên dạy giỏi cấp xã thì sở GD&ĐT các tỉnh cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về cách thức triển khai, nhất là giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhà trường về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự làm công tác chấm thi sao cho khách quan, công tâm thì mới đảm bảo hiệu quả.
Ở góc độ địa phương, nhà giáo Doãn Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Giao Thủy (Giao Thủy, Ninh Bình) hiến kế, để góp phần nâng cao chuyên môn cho giáo viên mà không cần tham gia thi giáo viên dạy giỏi thì ban giám hiệu có thể dự giờ trực tiếp.
Trong đó xây dựng hai bộ giám khảo. Khi chấm thì chọn ngẫu nhiên 1 bộ và dự ngoài hành lang lớp để không ảnh hưởng đến tiết học, lớp học chọn ngẫu nhiên trong khối và phải đủ 100% học sinh lớp đó, tránh chỉ chọn những em học tốt mà cho học sinh yếu kém nghỉ, tránh dạy diễn.
Nếu đổi mới bằng cách dự giờ online, ta có thể chọn ngẫu nhiên bộ giám khảo dự giờ từ xa có camera đặt các góc độ khác nhau để giám khảo theo dõi. Giáo viên thi phải bốc bài ngẫu nhiên và chuẩn bị trước 20 phút và dạy một lớp bất kỳ trong khối để tránh gà bài, mớm câu hỏi cho học sinh.
“Thực tế cho thấy, thi giáo viên giỏi khác nhiều so với dạy đại trà trên lớp vì bài đi thi là giáo viên toàn trường xây dựng. Đây là trí tuệ tập thể nên cần đưa ra nhiều phương án để phát huy tính độc lập của thầy cô đi thi”, Hiệu trưởng Doãn Văn Tuấn phân tích.

Sân chơi bổ ích
Theo nhà giáo Nguyễn Thị Đàm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đội Bình (Hòa Xá, Hà Nội), để tạo sân chơi cho giáo viên rèn nghề thì vẫn nên tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi ở cấp xã, bởi số lượng các trường rất đông nên không thể trường nào cũng cử đại diện thi cấp thành phố. Phải có sự “sàng lọc” ngay từ cấp xã để chọn được thầy cô ưu tú nhất dự thi cấp cao hơn.
“Trước đây khi tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện có ban giám khảo là các cán bộ quản lý giỏi chuyên môn và làm việc khách quan, minh bạch. Những thầy cô được chọn cử đi thi thành phố từ kết quả thi cấp huyện đều xứng đáng. Tôi đề nghị nên để thi cấp xã trước là hợp lý”, bà Nguyễn Thị Đàm đề nghị.
Nhà giáo Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Bích San (Nam Định, Ninh Bình) chia sẻ, vẫn nên thi giáo viên dạy giỏi cấp phường rồi chọn thi tỉnh. Ví dụ: Phường Nam Định có 16 trường THCS sẽ chia thành 4 cụm, mỗi cụm 4 trường và chọn giáo viên của 4 trường đại diện thi cấp phường. 4 cụm thi sẽ chọn được đại diện đi thi cấp tỉnh.
Cũng theo bà Nguyệt, hội thi sẽ giúp phát hiện những giáo viên có năng lực, tâm huyết tại địa phương để có kế hoạch bồi dưỡng và phát triển phù hợp. Giáo viên có cơ hội trau dồi chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ngay tại đơn vị; đồng thời tạo ra diễn đàn để giáo viên cùng xã, cụm trường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Dưới góc nhìn quản lý một cơ sở giáo dục liên cấp, ông Nguyễn Văn Hoàng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Kim Bôi (Kim Bôi, Phú Thọ) cho rằng, Thông tư 12/2025 của Bộ GD&ĐT về thi giáo viên dạy giỏi không tổ chức nội dung thi viết kiểm tra kiến thức giáo viên chưa hợp lý. Theo ông, vẫn nên tổ chức nội dung thi viết để đánh giá đúng kiến thức chuyên môn thầy cô giáo dự thi.
“Sau sáp nhập, các trường về xã Kim Bôi mới có 7 trường tiểu học & THCS. Nếu tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp xã thì chỉ có 7 trường này tham gia; hình thức tổ chức vẫn như cấp huyện nhưng thành phần giám khảo chủ yếu là ban giám hiệu, giáo viên cốt cán giỏi chuyên môn, nếu trong xã thiếu thì có thể mời giám khảo ở xã khác cho khách quan, công bằng, hiệu quả hơn” - ông Nguyễn Văn Hoàng nói.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/nen-hay-khong-thi-giao-vien-day-gioi-cap-xa-post738485.html
Bình luận (0)