Pháp lệnh Dân số (sửa đổi) vừa được thông qua, với việc quy định các cặp vợ chồng được tự quyết định số con, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cách tiếp cận từ kiểm soát sang phát triển dân số một cách chủ động, bền vững.
Theo Chi cục Dân số tỉnh, gia đình đóng góp vai trò then chốt trong việc bảo đảm chất lượng dân số. Việc các cặp vợ chồng, cá nhân được tự quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm, bảo đảm phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng.
Gia đình chị Lê Thu Huyền (phường Hạ Long) sinh được 2 con gái (1 cháu 5 tuổi và 1 cháu 7 tuổi). Hiện gia đình chị Huyền chưa có ý định sinh thêm con thứ 3 để đảm bảo việc chăm sóc, giáo dục con được tốt hơn và ổn định kinh tế của gia đình. Chị Huyền chia sẻ: Mặc dù có 2 con gái, nhiều khi gia đình hay bạn bè cũng khuyên nên sinh thêm một bé trai cho có nếp, có tẻ, nhưng hiện tại vợ chồng tôi chưa có ý định sinh thêm nữa. Khi nào cảm thấy kinh tế gia đình có điều kiện tốt hơn sẽ tính đến việc sinh thêm.
Gia đình là nơi đầu tiên thực hiện các biện pháp chăm sóc SKSS, sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát dị tật bẩm sinh, xây dựng nếp sống văn minh. Đây là những yếu tố góp phần trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng dân số. Trước những lo ngại về việc các cặp vợ chồng được tự quyết định số con có thể dẫn đến bùng nổ dân số, theo Chi cục Dân số tỉnh điều này không dẫn đến nguy cơ gia tăng dân số bởi nếu được thực hiện có định hướng thì gia đình chính là mắt xích quan trọng trong việc hiện thực hóa chính sách này.
Cùng với xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp, việc tăng cường truyền thông, giáo dục và hỗ trợ gia đình nâng cao nhận thức, kỹ năng nuôi dạy con cái là nhiệm vụ quan trọng, để đảm bảo mỗi đứa trẻ sinh ra đều được phát triển trong môi trường tốt nhất.
Theo đó, Chi cục Dân số tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đảm bảo các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ đến phụ nữ, trẻ em gái; tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, phổ biến giáo dục pháp luật về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; Luật Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời tăng cường giáo dục về kỹ năng sống hiệu quả, giáo dục giới tính toàn diện chú trọng bình đẳng giới để trẻ em gái được an toàn và phát triển đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ… Ngoài những nỗ lực tuyên truyền tại cộng đồng, trường học thì chính sự đồng hành của gia đình sẽ giúp cho việc tuyên truyền về công tác dân số ngày càng hoàn thiện và đạt hiệu quả cao.
Để nâng cao chất lượng dân số, việc trang bị kiến thức SKSS, sức khỏe tiền hôn nhân cho những cặp vợ chồng trẻ cũng rất quan trọng. Khi có kiến thức đầy đủ, các cặp vợ chồng sẽ ý thức việc không nên sinh con quá trễ; có kỹ năng chăm sóc con cái. Khi đứa trẻ sinh ra được gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng khỏe mạnh, chất lượng dân số sẽ cao hơn.
Trong 6 tháng đầu năm, số cặp được tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân đã đạt tỷ lệ 99,2%, số cặp được khám sức khỏe tiền hôn đạt 91%. Điều này đã cho mỗi cặp vợ chồng đã ý thức được tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh. Nhờ đó, góp phần đảm bảo sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, góp phần xây dựng hôn nhân gia đình bền vững, đảm bảo được cơ cấu, chất lượng dân số.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nen-tang-xay-dung-hanh-phuc-gia-dinh-3365080.html
Bình luận (0)