Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngành ngân hàng Việt Nam thận trọng chiến lược để ứng phó rủi ro thuế quan

Để thực tế hóa kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2025, các ngân hàng của Việt Nam cần hết sức phải thận trọng điều chỉnh chiến lược để thích nghi với rủi ro thuế quan toàn cầu.

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước05/05/2025

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là từ chính sách thuế đối ứng mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn duy trì kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2025.

Tuy nhiên, phía sau sự ổn định bề ngoài là những thách thức phức tạp đang dần hình thành, buộc các ngân hàng phải thận trọng điều chỉnh chiến lược để thích nghi với rủi ro thuế quan toàn cầu.

Thận trọng kế hoạch lợi nhuận

Theo báo cáo cập nhật mới nhất của SSI Research, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đã trình kế hoạch Đại hội đồng cổ đông năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 17% so với năm trước-sát với mức dự báo 18% mà SSI đưa ra.

Điều này cho thấy sự lạc quan thận trọng của ngành trước những diễn biến khó đoán trong và ngoài nước.

Dù đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao, lên đến 21% đối với nhóm này, nhưng dự báo lợi nhuận lại thấp hơn năm 2024-phản ánh kỳ vọng thận trọng về biên lãi ròng (NIM) trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất và chi phí vốn gia tăng.

Một số ngân hàng như Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) mạnh dạn đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn kỳ vọng của thị trường, trong khi các đơn vị như Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) lại tỏ ra dè dặt hơn so với ước tính của SSI từ 4-5%.

Trong các kịch bản hiện tại, SSI nhận định kế hoạch của nhiều ngân hàng vẫn chưa hoàn toàn phản ánh các rủi ro từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ.

Tuy nhiên, việc Washington tạm hoãn áp dụng thuế trong vòng 90 ngày được đánh giá là một “khoảng lặng tích cực,” giúp các ngân hàng có thêm thời gian để ứng phó và điều chỉnh danh mục tín dụng, nhất là trong quý 2/2025 - thời điểm được dự báo sẽ có hoạt động tích trữ hàng hóa tăng cao trước các mốc thời gian nhạy cảm.

Về chính sách cổ tức, xu hướng chung là hạn chế chi trả bằng tiền mặt để giữ lại nguồn lực phục vụ tăng vốn. Ngoại trừ ACB, MB và OCB có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt, phần lớn các ngân hàng còn lại lựa chọn chia cổ phiếu. Trong đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) nổi bật với kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên đến 44,64%, đồng thời giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2024 nhằm củng cố năng lực tài chính.

Hoạt động giao dịch tại VietinBank.(Ảnh: Vietnam+)

Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đang có những bước đi chiến lược nhằm mở rộng hoạt động như tăng vốn điều lệ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và MB, hoặc tái cấu trúc danh mục đầu tư như trường hợp Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) lên kế hoạch thoái vốn khỏi TNEX Finance và tìm mua lại công ty chứng khoán hoặc quản lý quỹ - nhằm hoàn thiện hệ sinh thái tài chính đa dạng hơn trong dài hạn.

Không thể xem nhẹ tác động của thuế quan

Chính sách thuế đối ứng của Mỹ tuy chưa được triển khai tức thời, nhưng vẫn là biến số có sức ảnh hưởng đáng kể đến hệ sinh thái kinh tế-tài chính của Việt Nam. Với vai trò là “xương sống” dẫn vốn cho nền kinh tế, ngành ngân hàng có liên hệ chặt chẽ với các lĩnh vực chịu tác động trực tiếp từ thương mại quốc tế như dệt may, thủy sản, đồ gỗ và các doanh nghiệp có vốn FDI.

SSI nhận định rằng nếu các mức thuế mới được áp dụng vào cuối năm, nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay ngoại tệ cao như BIDV, Vietcombank, VietinBank hay MB sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn, cả về tăng trưởng tín dụng lẫn chất lượng tài sản.

Các khoản cho vay liên quan đến xuất khẩu có thể chậm giải ngân, hoặc có nguy cơ chuyển nhóm nợ nếu thị trường không phục hồi kịp thời.

Cùng quan điểm, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV trong báo cáo Triển vọng thị trường tài chính 2025 cho rằng: "Năm 2025 được kỳ vọng là năm giữ đà tăng trưởng ổn định của ngành ngân hàng, nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức. Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng còn nhiều trở ngại."

Cụ thể, vị chuyên gia chỉ rõ tỷ lệ nợ xấu vẫn còn ở mức cao, chủ yếu ở các ngành như xây dựng, bất động sản, thương mại và sản xuất... trong khi thanh khoản nợ vẫn còn yếu, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của các ngân hàng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ khó khăn hơn với chính sách thuế quan mới của Mỹ dẫn đến rủi ro nợ xấu tiếp tục gia tăng.

Ngoài ra, việc các nguồn thu từ kinh doanh ngoại hối, banca... chưa thể phục hồi nhanh để đóng góp vào lợi nhuận hay chi phí quản lý có xu hướng tăng do đầu tư công nghệ... cũng sẽ là thách thức với các ngân hàng trong năm nay.

Bên cạnh đó, theo SSI, khối tài chính tiêu dùng cũng có thể bị ảnh hưởng gián tiếp. Lý do là nhóm khách hàng chính của khối này, bao gồm người lao động thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, sẽ dễ bị tổn thương hơn trước biến động kinh tế, từ đó làm tăng rủi ro tín dụng và chi phí trích lập dự phòng.

Ngoài ra, đồng USD đang có xu hướng yếu đi, góp phần làm giảm chi phí vốn huy động bằng ngoại tệ và hạ áp lực tỷ giá cho ngân hàng. Chính phủ Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng, như đẩy mạnh đầu tư công, cơ cấu lại nợ và hỗ trợ lãi suất nhằm giữ nhịp ổn định cho hệ thống tài chính.

Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng tạo điều kiện, ưu đãi lãi suất cho lĩnh vực tư nhân. (Ảnh: Vietnam+)

Về dài hạn, SSI cho rằng triển vọng vẫn tiềm ẩn nhiều bất định. Nếu Mỹ triển khai chính sách thuế một cách toàn diện vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2026, ngành ngân hàng sẽ phải điều chỉnh chiến lược tăng trưởng từ “bám xuất khẩu” sang “nội địa hóa,” tức ưu tiên cho tiêu dùng, đầu tư tư nhân và đầu tư công trong nước.

Đây cũng có thể là bước chuyển dịch cần thiết giúp giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và xây dựng năng lực phục hồi nội tại tốt hơn.

Nội dung này mới đây cũng được bàn luận tại cuộc họp Đại hội cổ đông của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB).

Trước lo ngại của cổ đông về ảnh hưởng từ các chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết SHB đã có buổi làm việc với đại sứ Mỹ và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó.

Khách hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng nhỏ trong danh mục tín dụng của SHB, do đó ảnh hưởng là không đáng kể. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn chủ động chuẩn bị các kịch bản ứng phó để đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn.

Ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2025 được đánh giá là đang giữ được sự cân bằng tương đối giữa tăng trưởng lợi nhuận và phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, những biến động khó lường từ chính sách thuế của Mỹ vẫn là điểm nghẽn lớn cần theo dõi.

Trong bối cảnh ấy, sự chủ động điều chỉnh chiến lược, tái cơ cấu danh mục cho vay và duy trì nền tảng vốn vững mạnh sẽ là chìa khóa giúp ngân hàng Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/172356/nganh-ngan-hang-viet-nam-than-trong-chien-luoc-de-ung-pho-rui-ro-thue-quan


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM
Sa Pa rực rỡ chào hè với Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025
Tạp chí danh tiếng tiết lộ những điểm đến đẹp nhất Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm