Nhận thức rõ vai trò quan trọng đó, tỉnh Bắc Ninh xác định nông nghiệp là một trong 9 lĩnh vực ưu tiên trong lộ trình chuyển đổi số; lựa chọn một số lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế để triển khai thí điểm, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.
Hiệu quả từ cánh rừng đến chuồng trại
Một trong những điểm sáng về chuyển đổi số ngành Nông nghiệp của tỉnh là việc đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành quản lý bảo vệ rừng với 9 hệ thống camera tại các điểm đỉnh núi cao để quan sát, cảnh báo cháy rừng, chặt phá, lấn chiếm rừng; 19 hệ thống camera đặt tại các cửa rừng để quan sát, tự động cảnh báo khi có người, phương tiện xuất hiện tại các khu vực cửa rừng.
Các diễn biến về rừng được truyền về Trung tâm giám sát, điều hành quản lý, bảo vệ rừng đặt tại Chi cục Kiểm lâm, đồng thời gửi thông tin về điện thoại của cán bộ phụ trách địa bàn. |
Ông Từ Quốc Huy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong bối cảnh diện tích rừng của tỉnh lớn, xa khu dân cư, nhiều nơi hiểm trở, khó tiếp cận thì việc ứng dụng công nghệ số là hết sức cần thiết. Ngoài chức năng giám sát, tự động phát hiện, cảnh báo khi có người, phương tiện di chuyển đến cửa rừng, các camera có khả năng quét và ghi lại rõ khuôn mặt người, phương tiện ra vào rừng, hỗ trợ công tác kiểm soát của lực lượng chức năng. Các camera có khả năng quan sát, ghi hình trong phạm vi hơn 14 km, phát hiện các nguy cơ xâm hại rừng và gửi thông tin cảnh báo về màn hình trung tâm cũng như điện thoại thông minh, giúp cán bộ kiểm lâm xác định vị trí, quan sát rõ nét toàn cảnh hiện trường rừng trong phạm vi quản lý.
Hiệu quả của hệ thống này bước đầu được ghi nhận khi dịp đầu năm nay, thông qua camera, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện nhiều vụ cháy rừng, từ đó có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, kiểm lâm Bắc Ninh đang ứng dụng hệ thống thông tin địa lý vào xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng và theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp đồng bộ với Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (Formis) toàn quốc; phần mềm bản đồ trên smartphone giúp tuần tra, quản lý địa bàn đến từng lô rừng hiệu quả nhất.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Bắc Ninh đã vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý về chăn nuôi cũng như cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ số vào nuôi ghép cá trắm cỏ; công nghệ Biofloc vào nuôi cá rô phi thâm canh trong ao; công nghệ thông tin trong quản lý dịch bệnh động vật trực tuyến, nhiều cơ sở chăn nuôi đã áp dụng hệ thống cảm biến điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, cho ăn và cấp nước uống tự động.
Để chuyển đổi số mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới ngành Nông nghiệp Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, nhiệm vụ hoàn thiện hạ tầng công nghệ số hiện đại, đồng bộ và nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận, đưa công nghệ số vào quản lý, sản xuất nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu. |
Vấn đề truy xuất nguồn gốc được quan tâm, tiêu biểu như Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế đã tiên phong thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm gà đồi Yên Thế từ nhiều năm nay. Theo ông Giáp Quý Cường, Giám đốc Hợp tác xã, thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc đã góp phần tạo dựng được vị thế của đơn vị và niềm tin đối với khách hàng. Điều này được thể hiện ở chỗ các sản phẩm như: Giò, chả, xúc xích gà, gà ủ muối hoa tiêu, khô gà lá chanh đều đã có mặt trên kệ hàng của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích và nhà hàng tại nhiều tỉnh, thành phố… Ngoài bán qua kênh truyền thống, các sản phẩm của Hợp tác xã cũng được đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử.
Ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh cho hay, đơn vị đang có ý tưởng cấp mã số định danh cho các cơ sở chăn nuôi trong tỉnh, qua đó làm căn cứ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng hiệu quả quản lý an toàn dịch bệnh, kiểm soát nguồn thực phẩm khi đưa ra thị trường.
Hoàn thiện hạ tầng số
Trong chuyển đổi số, một trong những giải pháp được ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh quan tâm là phát triển nông nghiệp thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu, nhất là hệ thống dữ liệu lớn về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thời tiết, môi trường, tự động hóa quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương mại điện tử. Qua đó góp phần khắc phục điểm yếu cố hữu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tạo thuận lợi cho nông sản tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng. Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm của Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc qua mã QRcode. |
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường cho hay, tỉnh đã xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh nông sản chủ lực và mã số vùng trồng quy mô từ 10 ha trở lên. Cùng đó, thực hiện số hóa vùng trồng cây ăn quả tập trung để quản lý quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm khu vực trồng trọt trọng điểm, áp dụng phần mềm số hóa quy trình chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ứng dụng công nghệ thời tiết thông minh Imetos trong trồng cây ăn quả giúp tính toán thời điểm bón phân, thu hoạch, cảnh báo sớm sâu bệnh; công nghệ tưới tự động, châm phân cho cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; ghi sổ nhật ký điện tử; dùng máy bay không người lái trong gieo mạ, phun thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng mã QRcode, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và gian hàng không gian ảo lên sàn thương mại điện tử cho hợp tác xã, doanh nghiệp. Trong vụ vải thiều năm nay, hàng nghìn tấn vải đã được tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử.
Để chuyển đổi số mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, thời gian tới ngành Nông nghiệp Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, nhiệm vụ hoàn thiện hạ tầng công nghệ số hiện đại, đồng bộ và nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận, đưa công nghệ số vào quản lý, sản xuất nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, triển khai trước đối với các loại dữ liệu về vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, đất đai, thổ nhưỡng, chỉ dẫn địa lý, thời tiết, quy trình, công nghệ sản xuất, phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh đó, tiếp tục ứng dụng công nghiệp Internet vạn vật, cập nhật đầy đủ thông tin theo định kỳ đối với các phần mềm cơ sở dữ liệu và duy trì kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định. Tổ chức triển khai mô hình làng, xã chuyển đổi số, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là gắn kết phát triển thương mại điện tử với các chương trình: Mỗi xã một sản phẩm, xây dựng nông thôn mới và hướng tới nông thôn mới thông minh.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/nganh-nong-nghiep-bac-ninh-bat-song-cong-nghe-so-postid422136.bbg
Bình luận (0)