Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngày 1/7 nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và nghĩ về câu chuyện đổi mới

1/7 là Ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Vị lãnh đạo được gắn liền với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đại hội của những đổi mới. Và ngày 1/7 cũng là ngày chính quyền địa phương hai cấp chính thức vận hành.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng01/07/2025

ls1.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chúc Tết tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng (cũ). Ảnh: tư liệu TTXVN

Tổng Bí thư gắn liền với công cuộc đổi mới

Đồng chí Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 27/4/1998) là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới đầy khó khăn, thách thức. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (sau đây gọi tắt Đại hội VI) diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986.

Trên cơ sở “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội VI đã đề ra đường lối đổi mới về: Cơ cấu kinh tế; cơ chế quản lý kinh tế; thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách xã hội; đổi mới chính sách đối ngoại, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại; đổi mới nội dung và phong cách lãnh đạo của Đảng, tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh được Đại hội Đảng lần thứ VI giao trọng trách Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí đã cùng với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đại hội VI. Đồng chí nhấn mạnh: “Phải nhìn thẳng vào sự thật, phải thấy rằng thiếu sót chủ quan của chúng ta là nghiêm trọng và kéo dài. Phải có tinh thần dũng cảm tự phê phán mạnh mẽ và triệt để để đổi mới. Không như thế, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài với những tai họa thật sự”.

Đồng chí Tổng Bí thư đã cùng tập thể Bộ Chính trị đột phá vào những khâu yếu nhất, đang là “điểm nghẽn”, đưa ra những quyết sách nhằm ổn định tình hình mọi mặt của đất nước; thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: Lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; lựa chọn lĩnh vực phân phối, lưu thông làm “mũi đột phá” trong chuyển đổi cơ chế, tạo đà chuyển biến cho xóa bỏ tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, tạo động lực phát triển sức sản xuất xã hội. Đồng chí chú trọng lãnh đạo đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, nhất là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, dẫn tới sự ra đời Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1988 (còn được gọi là khoán 10), giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất cho kinh tế hộ nông dân và chỉ trong năm sau, từ một nước thiếu ăn, hằng năm phải nhập khẩu hàng chục vạn tấn lương thực, đã chủ động giải quyết được nhu cầu lương thực trong nước và thời gian ngắn sau trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Cũng trong giai đoạn này, vấn đề làm trong sạch Đảng và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, bộ máy nhà nước ngang tầm nhiệm vụ mới cũng được triển khai quyết liệt.

Với tầm nhìn chiến lược, đổi mới tư duy khách quan, khoa học, chỉ rõ thực trạng đất nước, tổng kết được những kinh nghiệm từ thực tiễn thành công và thất bại, với ý thức trách nhiệm vì dân, dũng cảm thừa nhận sai lầm khuyết điểm, với tinh thần đoàn kết nhất trí cao, Đại hội VI đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng kéo dài hơn chục năm.

Trên cương vị Tổng Bí thư hay Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí cho rằng: “Tầm nhìn xa trông rộng, khả năng bắt mạch đúng nhu cầu hiện tại của cuộc sống và dự đoán có căn cứ khoa học sự vận động trong tương lai là những phẩm chất hàng đầu mà Đảng phải có”.

Những di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về đổi mới, nhất là tư duy kinh tế, những bài học kinh nghiệm của đồng chí để lại nhất là về hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, được Đảng ta vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo trong giai đoạn lịch sử mới.

ls2.jpg
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trao các nghị quyết, quyết định của Trung ương cho các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng

Đổi mới trong giai đoạn lịch sử mới

Từ ngày 1/7 này, cả nước đã chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp – cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và cấp xã/phường. Đây là sự đổi mới, là một cuộc cải cách thể chế sâu sắc và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quản trị Nhà nước hiện đại ở nước ta.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì đằng sau quyết định mang tính lịch sử này là một tầm nhìn cải cách mạnh mẽ, một khát vọng kiến tạo nền hành chính phục vụ và một niềm tin rằng cải cách thể chế là đòn bẩy chiến lược để thúc đẩy phát triển bền vững.

Chính quyền địa phương hai cấp sẽ khắc phục tình trạng cồng kềnh, tầng nấc, trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong mô hình tổ chức chính quyền 3 cấp trước đây, đồng thời là cơ sở quan trọng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã - nơi gần dân, sát dân và trực tiếp phục vụ người dân.

Hiện nay, từ 63 tỉnh giảm còn 34 tỉnh; số xã từ hơn 10.300 giảm còn 3.321. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhận định: Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ là hoạt động hành chính đơn thuần mà là bước đi chiến lược, mang ý nghĩa to lớn về chính trị, tổ chức và thực tiễn. Đây là quá trình thiết yếu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống quản lý Nhà nước; đồng thời tạo lập không gian phát triển mới, phát huy tốt nhất các tiềm năng, lợi thế của vùng; không chỉ thay đổi về địa giới hành chính mà quan trọng hơn là tạo ra những điều kiện, động lực và cơ chế mới để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

ls3.jpg
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng mới sẵn sàng cùng cả nước vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững

Tại Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện; thành lập tổ chức Đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp thành phố, xã, phường, đặc khu diễn ra tại TP Hồ Chí Minh sáng 30/6, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính Nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

Việc tổ chức lại địa giới hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương mới là yêu cầu khách quan và tất yếu của sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ hội quý báu để đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới phương thức quản lý Nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và tăng cường hiệu quả phục vụ Nhân dân. Để chấp nhận thay đổi, từ bỏ những thói quen đã gắn bó nhiều năm là không dễ. Nhưng chính trong lúc này, tinh thần gương mẫu vì tập thể, vì lợi ích chung của các đồng chí lại càng được thể hiện hơn bao giờ hết.

Đứng trước vận hội lớn, Tổng Bí thư kêu gọi: Hãy để mỗi ngày làm việc là một ngày kiến tạo. Hãy để mỗi người là một chiến sĩ trên mặt trận đổi mới. Hãy để tinh thần cách mạng tấn công mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo, thấm đẫm hồn dân tộc trong từng hành động, từng quyết sách và từng bước phát triển đi lên.

Tỉnh Lâm Đồng mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông trở thành địa phương có diện tích lớn nhất cả nước với trên 24.233 km², dân số gần 4 triệu người, GRDP hơn 320.000 tỉ đồng. Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Đây là cơ hội lịch sử để ba địa phương cùng hợp lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, tạo nên một không gian phát triển mới rộng lớn và mạnh mẽ hơn. Nắm bắt cơ hội lịch sử này, biến thách thức thành động lực, để tỉnh Lâm Đồng mới trở thành niềm tự hào của cả nước.

Đến thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng cũng như cả nước, đội ngũ đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân bước vào kỷ nguyên mới, vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Nguồn: https://baolamdong.vn/ngay-1-7-nho-ve-tong-bi-thu-nguyen-van-linh-va-nghi-ve-cau-chuyen-doi-moi-290736.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm