Miền quê đáng sống
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi trở lại những “địa chỉ đỏ” - nơi gắn liền với năm tháng “mưa bom, bão đạn”. Vùng đất từng bị “bom cày đạn xới” ngày nào đã thay đổi kỳ diệu với những cánh đồng lúa, chanh trải dài ngút mắt, những ngôi nhà kiên cố, vững chãi như minh chứng cho sự phát triển sau 50 năm ngày đất nước thống nhất. Xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An chính là một trong những vùng đất như thế!
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thanh Phú là tuyến giao thông huyết mạch nối liền Nam - Bắc lộ 4, một điểm nóng trên chiến trường của tỉnh. Khi ấy, địch dùng mọi thủ đoạn ra sức đánh phá, bình định hòng cắt đứt con đường tiếp tế chiến lược này.
Với lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc sâu sắc, quân và dân Thanh Phú đã kiên cường bám đất, giữ đường, nuôi giấu cán bộ, chiến đấu đến cùng, góp phần tô thắm những trang sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, làm nên thắng lợi chung của toàn dân tộc.
Ghi nhận những đóng góp to lớn trong công cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, năm 1998, Đảng và Nhà nước đã phong tặng quân và dân Thanh Phú danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là phần thưởng xứng đáng cho một vùng đất kiên trung.
Xã Thanh Phú (huyện Bến Lức) được công nhận xã nông thôn mới nâng cao năm 2020 và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, Thanh Phú khoác lên mình “chiếc áo mới”, trở thành một vùng quê đáng sống. Những tuyến đường đất ngày nào giờ đã được láng nhựa, bêtông thẳng tắp. Nhà cửa khang trang mọc lên ngày càng nhiều.
Năm 2020, xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nâng cao. Từ đó, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Đến nay, xã không còn hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập bình quân đạt 74 triệu đồng/năm.
Chủ tịch UBND xã Thanh Phú - Nguyễn Minh Thắng cho biết: “Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, xã còn chú trọng thực hiện công tác bảo vệ môi trường và xây dựng đời sống văn hóa. Trường, lớp được đầu tư khang trang, xã có 4/4 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân luôn được quan tâm. Hiện hộ dân sử dụng nước sạch đạt 88%, người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%”.
Công tác chăm lo cho gia đình chính sách được xã Thanh Phú (huyện Bến Lức) xem là nhiệm vụ quan trọng
Không chỉ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ cũng phát triển mạnh mẽ. Địa bàn xã có 68 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa phương.
Cùng với đó, công tác chăm lo gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn luôn được địa phương quan tâm.
“Những đổi thay hôm nay là kết tinh từ tinh thần quật khởi năm xưa và sự bền bỉ, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân. Phát huy truyền thống vẻ vang của xã anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Phú tiếp tục đoàn kết, đồng lòng thực hiện những nhiệm vụ mà Đảng đề ra trong thời kỳ mới. Đó là xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, hội nhập và phát triển” - ông Nguyễn Minh Thắng nhận định.
“Thay da, đổi thịt” từng ngày
Với vị trí địa lý khá đặc biệt, trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước là địa bàn quan trọng đối với lực lượng cách mạng và kể cả của địch. Chính vì thế, sau chiến tranh, vùng đất này hoang tàn, đổ nát.
Bước ra từ lửa đạn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, chung sức, chung lòng, sáng tạo lao động, biến vùng đất Mỹ Lệ phèn chua ngập mặn trở thành một vùng quê no ấm. Để rồi 50 năm đi qua kể từ khi quê hương sạch bóng quân xâm lược - khoảng thời gian không dài so với lịch sử hình thành vùng đất Chợ Đào nhưng làng quê và cuộc sống của người dân Mỹ Lệ “thay da, đổi thịt” từng ngày.
Đường giao thông trên địa bàn xã Mỹ Lệ (huyện Cần Đước) được quan tâm đầu tư đồng bộ
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lệ - Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Với sự chung sức, chung lòng, Đảng bộ và Nhân dân xã Mỹ Lệ “đồng cam cộng khổ” vượt qua thử thách, hoàn thành nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử. Mỹ Lệ là một trong những đơn vị đi đầu các phong trào thi đua của huyện, trong đó, xây dựng thành công xã văn hóa và xã NTM chính là thành tích tiêu biểu của Đảng bộ và Nhân dân Mỹ Lệ”.
Phát huy thế mạnh của địa phương có vùng lúa đặc sản Nàng Thơm và Tài Nguyên Chợ Đào, xã thực hiện mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao liên kết “4 nhà” bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Bên cạnh đó, vận động hình thành các tổ liên kết, chỉnh trang đồng ruộng nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Sản lượng lương thực đạt 7.734 tấn/năm. Diện tích rau công nghệ cao đạt 791 tấn/năm, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Hộ dân sử dụng nước sạch đạt 92%. Người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 98%. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu xây dựng khang trang.
Ông Trần Quốc Tuấn (ấp Cầu Làng, xã Mỹ Lệ) chia sẻ: “Từ khi xây dựng NTM đến nay, bộ mặt của xã nhiều khởi sắc. Đặc biệt, đường sá được đầu tư đồng bộ. Người dân chí thú làm ăn nên đời sống ngày càng nâng cao”.
Xứng danh vùng đất anh hùng
Trong kháng chiến, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành từng được chọn làm nơi đứng chân, nơi đặt cơ quan lãnh đạo của Phân khu 3 Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Huyện ủy Châu Thành,... Đây là nơi địch tập trung đánh phá hết sức ác liệt, gây nên những tổn thất nặng nề về người và của. Nêu cao truyền thống yêu nước, quân và dân Thuận Mỹ sẵn sàng hy sinh, bảo vệ an toàn căn cứ cách mạng.
Hòa bình lập lại, Thuận Mỹ nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng quê hương trong điều kiện có nhiều khó khăn, thiếu thốn. Khi đó, hạ tầng nông thôn yếu kém, những yếu tố cần thiết cho đời sống như nước sinh hoạt, điện chưa có; trường học, trạm y tế, nhà ở tạm bợ;...
Di tích lịch sử Căn cứ Phân khu ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu 3 thuộc xã Thuận Mỹ (huyện Châu Thành) là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
Với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thuận Mỹ từng bước khắc phục khó khăn, hăng hái lao động, sản xuất. 50 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, diện mạo của xã ngày càng khởi sắc.
Trong sản xuất nông nghiệp, hầu hết chuyển sang sản xuất 2 vụ lúa. Bên cạnh đó, người dân mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật trong nuôi tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kinh tế của xã ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.
Xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2024. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 79,84 triệu đồng/năm. Hộ nghèo đa chiều là 0,42%. Người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,2%.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thuận Mỹ - Trần Hoàng Sang thông tin: “Đảng bộ và Nhân dân Thuận Mỹ 2 lần được tuyên dương Anh hùng trong kháng chiến. Từ một chi bộ Đảng năm 1975 với hơn 10 đảng viên, sau 50 năm giải phóng đã phát triển thành Đảng bộ với 14 chi bộ có 280 đảng viên. Trong 4 năm (2021-2024), Đảng bộ xã liên tục được công nhận Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây là tiền đề vững chắc để Thuận Mỹ không ngừng phát triển trên con đường đi lên giàu mạnh”.
Người dân xã Thuận Mỹ (huyện Châu Thành) được tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại địa phương
Từ những vùng đất từng chìm trong khói lửa chiến tranh, Thanh Phú, Mỹ Lệ, Thuận Mỹ đã khoác lên mình diện mạo mới - yên bình, ấm no và từng bước phát triển bền vững. Sự đổi thay ấy không chỉ minh chứng cho đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng trong phát triển KT-XH gắn với giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương mà còn là động lực để các địa phương tiếp tục hành trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Ngọc Mận - Huỳnh Hương
Nguồn: https://baolongan.vn/ngay-moi-o-nhung-vung-dat-kien-trung-a193547.html
Bình luận (0)