Đó là nội dung trọng tâm tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, đánh giá kết quả chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 4/7.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ; các thành viên Ban Kiểm soát Quỹ, các chủ rừng là tổ chức và các tổ chức chi trả địa phương…

Được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ và hỗ trợ kịp thời của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An, Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, các sở, ngành liên quan; sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, các chủ rừng, sự đồng thuận của nhân dân, trong 6 tháng đầu năm 2025, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tiến hành kịp thời việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế và dự án Thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).
6 tháng đầu năm 2025, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã ký 48 hợp đồng, trong đó 23 hợp đồng ký uỷ thác với các cơ sở sản xuất thủy điện, 14 cơ sở sản xuất nước sạch và 11 hợp đồng cơ sở sản xuất công nghiệp; tổng nguồn thu hơn 59 tỷ đồng.

Thực hiện chương trình trồng rừng thay thế, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thu và phân bổ thực hiện các dự án (trồng rừng thay thế) là hơn 101,2 tỷ đồng tương ứng với diện tích 5.389,19 ha (trong đó tổng số tiền đã giải ngân lũy kế ngày 30/6/2025 là: 66,3 tỷ đồng.
Nhờ đó, tại Nghệ An, diện tích trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh thực hiện là 4.811,12 ha/5.389,19 ha diện tích phải trồng, cụ thể: trồng 1.195,13ha rừng phòng hộ, 165,78 ha rừng đặc dụng, 1.837,13 ha rừng sản xuất và mô hình, 1.613,08 ha cây phân tán (diện tích quy đổi).

Thực hiện thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), Nghệ An đạt được kết quả khá. Luỹ kế thu từ nguồn EPA đến nay là hơn 356,4 tỷ đồng và theo kế hoạch giải ngân năm 2025 đã được phê duyệt hơn 178,6 tỷ đồng, trong đó: Chủ rừng là tổ chức: 85,2 tỷ đồng; UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng là hơn 12,2 tỷ đồng; cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân hơn 34,7 tỷ đồng; kinh phí chi trả cho các đối tượng hưởng lợi năm 2024 chuyển tiếp sang năm 2025 thực hiện hơn 29,2 tỷ đồng.

Nhờ thực hiện tốt nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), trồng rừng thay thế và nguồn thu từ Thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã phát huy tác dụng, có tác động rất tích cực tới công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, sinh kế của cộng đồng, người dân. Rừng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh giảm dần qua các năm; từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích rừng, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sinh thái.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế và nguồn thu từ Thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA); đồng thời nêu các đề xuất, kiến nghị để Nghệ An hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2025.
Nguồn: https://baonghean.vn/nghe-an-thu-hon-356-ty-dong-tu-thoa-thuan-chi-tra-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-vung-bac-trung-bo-10301573.html
Bình luận (0)