Xuân Lộc chỉ cách Sài Gòn 80 cây số, là mục tiêu quan trọng nhất mà Bộ Tư lệnh Miền chọn để tiến công tiêu diệt địch trong đợt chiến đấu tạo thế giải phóng Sài Gòn.
Đây là khu vực phòng ngự trọng yếu nhất của quân Việt Nam Cộng hòa để bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông, là một trong những trọng điểm của tuyến phòng ngự Xuân Lộc - Biên Hòa - Bà Rịa - Vũng Tàu; là vòng đai ngoài bảo vệ phi trường Biên Hòa, Sài Gòn. Đó còn là điểm tựa cho hậu phương vững chắc của phòng tuyến Phan Rang.
Nghệ thuật chọn mục tiêu
Chọn Xuân Lộc để tiến công sẽ làm rung động toàn bộ chiến trường, tác động mạnh mẽ làm lung lay toàn bộ tuyến phòng thủ vòng ngoài Sài Gòn, làm cho tuyến phòng thủ Phan Rang - Long Khánh nguy kịch, tạo tâm lý hoang mang trong quân ngụy Sài Gòn. Xa hơn làm cho nước Mỹ lo âu, bất lực, thế giới bất ngờ, sửng sốt.
Ta chọn mục tiêu Xuân Lộc là mục tiêu mạnh và rắn, nhưng đó là sự lựa chọn đúng đắn và táo bạo. Trong thực tế chiến đấu, lực lượng tuy có tổn thất, nhưng chiến thắng Xuân Lộc vẫn là một minh chứng về nghệ thuật chọn mục tiêu chiến dịch.
Ngày 9/4/1975, các đơn vị bộ binh và xe tăng thần tốc tiến về giải phóng Xuân Lộc và đến 21/4, Xuân Lộc giải phóng, mở cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Vì là mắt xích quan trọng nhất thuộc tuyến phòng thủ từ xa của Việt Nam Cộng hòa, Xuân Lộc được đánh giá là “phòng tuyến bất khả xâm phạm".
Theo Ký ức chiến tranh của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, thời điểm tháng 4/1975, ở vòng cung phòng thủ vòng ngoài Sài Gòn từ hướng tây - bắc đến đông - nam (từ Tây Ninh đến Vũng Tàu), địch bố trí tới 3 sư đoàn thiện chiến nhất. Như Sư đoàn 25 ở Trảng Lớn (Tây Ninh); Sư đoàn 5 ở Lai Khê - Bến Cát (Bình Dương); Sư đoàn 18 ở Xuân Lộc (Long Khánh).
Trong số 5 sư đoàn của địch bảo vệ vòng ngoài Sài Gòn (F5, F7, F18, F22 và F25) thì Sư đoàn 18 ở Xuân Lộc có đầy đủ quân số, được đầu tư xây dựng về mọi mặt, được chi viện tối đa về hỏa lực và tăng cường các đơn vị dự bị chiến lược cuối cùng của quân VNCH.
Không chỉ vậy, tại Xuân Lộc, địch đã sử dụng toàn bộ khả năng hiện có để chống lại cuộc tiến công của ta. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vét hết quân để ngăn chặn quân ta hòng đợi mùa mưa đến sẽ phản công hoặc tìm kiếm giải pháp cứu vãn tình thế.
Nếu so sánh tương quan lực lượng, lực lượng của ta đánh Xuân Lộc không chiếm ưu thế hơn phía họ. Quân Việt Nam Cộng hòa ở Xuân Lộc có khoảng 9 Trung đoàn, với không quân, pháo binh chi viện tối đa, cùng lực lượng xe tăng - thiết giáp hơn ta nhiều lần.
Đồng bào vùng mới giải phóng theo dõi bản đồ chiến sự những ngày cuối cùng của chiến tranh. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)
Còn quân ta, lực lượng chủ yếu là Quân đoàn 4, chỉ có 2 sư đoàn đủ quân, còn Sư đoàn 6, Quân khu 7 thiếu. Phải đến gần cuối chiến dịch mới được tăng cường Trung đoàn 95B của Bộ Chỉ huy Miền.
Ta đánh Xuân Lộc là thực hiện phương châm: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng". Táo bạo, bất ngờ ở chỗ: Khi phòng tuyến Phan Rang của địch đã hình thành, toàn bộ trục đường Phan Rang đến Sài Gòn do các đơn vị mạnh của địch chiếm giữ, mà Xuân Lộc nằm sâu phía sau phòng tuyến Phan Rang, quân ta sẽ bất lợi khi triển khai binh khí, kỹ thuật hạng nặng.
Trong khi đó, các binh đoàn cơ động của ta chưa vào kịp, ta buộc phải dùng lực lượng tại chỗ để đánh vào khu vực phòng thủ mạnh như Xuân Lộc quả là táo bạo, bất ngờ.
Thực chất, đánh vào Xuân Lộc về quy mô do Quân đoàn chủ lực tại chỗ thực hiện, nhưng ý nghĩa chiến dịch rất lớn, quyết định tạo thế thuận lợi cho mục tiêu chiến lược giải quyết dứt điểm chiến tranh.
“Trong toàn cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Xuân Lộc là một chuỗi các trận đánh ác liệt, cũng là một trong những thử thách oanh liệt nhất của Quân đoàn 4”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh - Nguyên Chính ủy Trung đoàn 141 - Sư đoàn 7– Quân đoàn 4 bình luận.
Đánh Xuân Lộc, kéo địch ra xa Sài Gòn
5h30 ngày 9/4/1975, ta nổ phát súng đầu tiên. Ngay ngày đầu tiên, báo chí Mỹ đưa tin về cuộc nói chuyện của các sỹ quan Lầu Năm góc, với nhận định: “Cuộc tiến công này có thể là một trong những trận đánh quyết định của năm 1975”, “Trận Xuân Lộc cũng có thể là cuộc thử sức đầu tiên xem quân VNCH có đứng vững không?”,…
Quân ta vẫn tiếp tục bám trụ trận địa. Trong 2 ngày tiếp theo (10 - 11/4/1975), ta nhiều lần tấn công vào căn cứ của địch nhưng đều bị chặn.
Bản đồ trận đánh Xuân Lộc.
Qua 3 ngày chiến đấu, địch ngoan cố chống cự quyết liệt. Ta dù chiếm được một số mục tiêu, diệt được một bộ phận sinh lực địch, giữ một số bàn đạp quan trọng, nhưng Quân đoàn 4 bị thương vong hàng nghìn chiến sỹ.
Trước tình thế địch chống cự quyết liệt, ta không thể đánh chiếm các căn cứ. Ngày 12/4/1975, Sở chỉ huy Quân đoàn 4 lệnh tạm ngưng tấn công.
Ngày 13/4/1975, Thượng tướng Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, vượt sông Đồng Nai, đến Sở chỉ huy Quân đoàn 4 nghiên cứu diễn biến trận đánh, quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh.
Ngày 14/4/1975, ta tăng cường thêm Sư đoàn 6 (Quân khu 7), Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325 - Quân đoàn 2) vào tiếp viện cùng Quân đoàn 4.
Quân ta dùng xe tăng dẫn đầu chọc thủng khu vực phòng thủ Bắc Xuân Lộc, chiến sự diễn ra ác liệt cả trong và ngoài thị xã. Toàn bộ lữ đoàn dù của địch gồm 3.000 quân bị ghìm chân ở một đồn điền cao su gần Xuân Lộc.
Đến tối 15/4/1975, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B diệt gọn một trung đoàn địch gồm 3.000 quân, bắt sống hơn 100 tên. Địch bị ta đánh tan tác, phải bỏ lại 8 đại bác 105 và 155mm.
Ngày 16/4/1975, ta làm chủ đoạn đường số 1, ngã ba Dầu Giây từ Xuân Lộc tới Bầu Cá và đoạn đường số 2 bị cắt đứt. Lực lượng chi viện của địch phải quay đầu trở lại Trảng Bom vì bị ta chặn chặn đứng ở Dầu Giây và đường số 20. Tình cảnh của địch ở Xuân Lộc lúc này bi đát, tinh thần quân lính sa sút, hoang mang.
Quân giải phóng đánh chiếm Sở chỉ huy sư đoàn 18 VNCH trong Chiến dịch Xuân Lộc. (Ảnh tư liệu)
Ngày 18/4/1975, tướng Lê Minh Đảo đề nghị rút bỏ Xuân Lộc. Cùng ngày, địch phải chuyển máy bay F5 từ Biên Hòa về Tân Sơn Nhất, A37 về Trà Nóc - Cần Thơ…
Chiều tối 20/4/1975, lực lượng còn lại của địch ở Xuân Lộc tháo chạy dưới trời mưa tầm tã. Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 lệnh cho tất cả các đơn vị truy kích tiêu diệt địch, bắt sống đại tá tỉnh trưởng Long Khánh Phạm Xuân Phúc.
Sáng 21/4/1975, ta tấn công vào các căn cứ còn lại của địch tại Xuân Lộc. Thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh hoàn toàn được giải phóng.
Đến 19h ngày 21/4/1975, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức. Người lên thay là Trần Văn Hương.
9 ngày sau đó, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cả miền Nam hoàn toàn được giải phóng.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ là Phó tham mưu tác chiến Trung đoàn 88 tiến về Sài Gòn hướng Chợ Gạo qua Long An để đến huyện Bình Chánh, tiến đánh Tổng nha Cảnh sát và Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa. (Ảnh: Hà Linh)
Chiến thắng Xuân Lộc - cánh cửa thép của quân VNCH ở phía Đông Sài Gòn thực sự đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ còn lại của địch, tạo ra thế trận mới, tạo thuận lợi tập kết lực lượng cánh Đông – Đông Nam vào trận quyết chiến cuối cùng giải phóng Sài Gòn: Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Nếu không có Chiến dịch Xuân Lộc, địch sẽ co cụm sát vành đai và nội đô, trận chiến sẽ giằng co ác liệt. Biên Hòa và Sài Gòn khó tránh khỏi bị tàn phá, các cánh quân của Chiến dịch Hồ Chí Minh từ hướng đông vào sẽ gặp khó khăn và gây tác động, diễn biến phức tạp tới toàn chiến dịch.
Do đó, phải khẳng định trận Xuân Lộc đã góp phần cho chiến thắng và sự nguyên vẹn của Biên Hòa - Sài Gòn - Gia Định.
Cũng nhờ chiến thắng Xuân Lộc, đợt tác chiến tạo thế cho Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra nhanh chóng, chớp được thời cơ tiến công mục tiêu chiến lược, tiến công và nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã quân địch, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc kéo dài suốt 30 năm.
Giá trị của chiến thắng Xuân Lộc không chỉ trong phạm vi miền Đông Nam Bộ mà với cả giai đoạn cuối cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Giải phóng Xuân Lộc coi như cánh cửa phía Đông Sài Gòn mở sẵn đón lực lượng của các Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 và Sư đoàn 3 vào trận chiến cuối cùng.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đánh giá: "Trận Xuân Lộc góp phần quyết định thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh. Nếu ta không giữ Xuân Lộc thì 18 trung đoàn bộ binh và các binh chủng của địch đang tập trung ở đây sẽ tắt qua Biên Hòa, kéo về Sài Gòn, chiến tranh sẽ rất ác liệt. Sài Gòn, Biên Hòa sẽ đổ nát chứ không bình yên".
"Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần quân địch càng thêm suy sụp. Tin chiến thắng đã làm nức lòng nhân dân cả nước". (Trích hồi ký "Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Vtcnews.vn
Nguồn:https://vtcnews.vn/nghe-thuat-chon-muc-tieu-trong-tran-danh-lich-su-o-canh-cua-thep-xuan-loc-ar935342.html
Bình luận (0)