Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nghị quyết 68 trao niềm tin cho doanh nghiệp tư nhân

(Chinhphu.vn) - Chiều 9/5, tại Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các chuyên gia và diễn giả đã khẳng định vai trò then chốt của khu vực tư nhân trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị không chỉ trao niềm tin, mà còn gửi gắm kỳ vọng, đồng thời đặt ra yêu cầu cải cách toàn diện cho cả hệ thống tài chính-ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân bứt phá.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ09/05/2025

Nghị quyết 68 trao niềm tin cho doanh nghiệp tư nhân- Ảnh 1.

Nghị quyết 68 là cú hích mạnh mẽ, thúc đẩy hệ thống tài chính-ngân hàng thay đổi tư duy và phương thức phục vụ để đồng hành sâu sát hơn với doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Minh Thi

Dưới góc nhìn của một ngân hàng thương mại luôn gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) suốt nhiều năm qua, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho rằng Nghị quyết 68 là bước ngoặt chiến lược khi xác định khu vực kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Theo ông, đây không chỉ là một vinh dự mà còn là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi nỗ lực đồng bộ từ cả hệ thống chính trị đến các tổ chức kinh tế.

"Với vai trò là ngân hàng thương mại, ACB xác định không chỉ là người cho vay, mà còn là đối tác chiến lược của doanh nghiệp. Nghị quyết 68 là cú hích mạnh mẽ, thúc đẩy hệ thống tài chính-ngân hàng thay đổi tư duy và phương thức phục vụ để đồng hành sâu sát hơn với doanh nghiệp. Ngân hàng chính là hậu phương tài chính vững chắc, tiếp sức để họ bứt phá", ông Từ Tiến Phát nhấn mạnh.

Một trong những nội dung cốt lõi của Nghị quyết 68 là hoàn thiện cơ chế tín dụng, ưu tiên một phần tín dụng thương mại cho DNVVN-lực lượng chiếm tỉ trọng lớn nhưng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn. Ông Từ Tiến Phát cho rằng, để chính sách này phát huy hiệu quả thực tiễn, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, cơ chế phân bổ hạn mức tín dụng linh hoạt và minh bạch giữa các ngân hàng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vẫn bị "giam vốn" do chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn tài sản bảo đảm hay hồ sơ tài chính chưa minh bạch.

Nghị quyết 68 trao niềm tin cho doanh nghiệp tư nhân- Ảnh 2.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu trao đổi tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vì vậy, việc phát triển mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ phát triển DNVVN là vô cùng cấp thiết. Theo ông Phát, đây sẽ là "bệ đỡ trung gian" chia sẻ rủi ro với các tổ chức tín dụng, từ đó khuyến khích các ngân hàng mạnh dạn cấp vốn cho các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tiềm năng, sáng tạo, nhưng chưa có đủ điều kiện vay vốn theo cách truyền thống.

ACB- đồng hành cùng hơn 1 triệu DNVVN, hộ kinh doanh 

Một điểm sáng khác của Nghị quyết 68 là chủ trương khuyến khích doanh nghiệp lớn dẫn dắt chuỗi cung ứng nội địa, kết nối với DNVVN và hộ kinh doanh. Đây là hướng đi chiến lược, giúp tăng cường liên kết trong hệ sinh thái doanh nghiệp nội địa, giảm phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng nước ngoài và tăng tính tự chủ cho nền kinh tế quốc gia.

ACB là một trong những ngân hàng tư nhân được hình thành và phát triển từ giai đoạn đổi mới, sau năm 1993. Đến nay, ACB đang phục vụ gần 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn 800.000 hộ kinh doanh-một con số ấn tượng cho thấy mức độ gắn bó mật thiết giữa ngân hàng và khu vực tư nhân. 

Nhận thức rõ vai trò của mình trong bối cảnh Nghị quyết 68 xác lập kinh tế tư nhân là "trụ cột quan trọng hàng đầu", ACB đã chủ động thực hiện nhiều chính sách tín dụng phù hợp để đồng hành và tiếp sức cho doanh nghiệp. 

Một trong những chương trình nổi bật là gói tín dụng "Khơi thông vốn, đón cơ hội" với lãi suất từ 5,5%/năm, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo đà tăng trưởng dịp cuối năm 2024. Gói vay này dành cho doanh nghiệp tại TPHCM, với lãi suất ngắn hạn từ 5,5%/năm và dài hạn từ 6,4%/năm, được áp dụng đến hết năm.

Nghị quyết 68 trao niềm tin cho doanh nghiệp tư nhân- Ảnh 3.

Hiện nay, ACB đang dành khoảng 5.000 tỷ đồng tài trợ vốn cho DNVVN trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu - Ảnh: VGP/Minh Thi

Điểm nổi bật của chương trình là tính linh hoạt và ứng dụng công nghệ số: doanh nghiệp có thể ký số và nhận tiền chỉ trong vài phút mà không cần đến ngân hàng để ký chứng từ giấy. Đây là bước đi phù hợp với xu thế chuyển đổi số, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng doanh nghiệp.

ACB đang dành khoảng 5.000 tỷ đồng tài trợ vốn cho DNVVN trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu. Theo nhu cầu thực tế, quy mô gói tín dụng này có thể tăng lên 10.000 tỷ đồng hoặc 20.000 tỷ đồng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có định hướng phát triển "xanh", nhằm đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của các đối tác quốc tế.

Không chỉ hỗ trợ tài chính, ACB còn chú trọng phát triển hạ tầng thanh toán và công nghệ số nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Theo ông Phát, khi doanh nghiệp cảm thấy thuận tiện và tự tin trong các giao dịch tài chính, đó cũng là lúc ngân hàng thể hiện rõ vai trò hỗ trợ chiến lược cho sự phát triển của khu vực tư nhân.

Nghị quyết 68 là một tín hiệu chính sách mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phát huy vai trò của kinh tế tư nhân như một động lực tăng trưởng bền vững. Trong hành trình ấy, các ngân hàng thương mại như ACB đang thể hiện tinh thần tiên phong, trách nhiệm và đồng hành-không chỉ bằng các gói tín dụng ưu đãi, mà còn bằng cả chiến lược phát triển tài chính toàn diện, hiện đại và bền vững.

Minh Thi


Nguồn: https://baochinhphu.vn/nghi-quyet-68-trao-niem-tin-cho-doanh-nghiep-tu-nhan-102250509181728676.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm