Nguồn lực từ các công trình, dự án
Quảng Ninh vốn xuất phát điểm thấp, nhiều năm trước, KT-XH, hạ tầng nông thôn cũng như đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh dành cho vùng khó, các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS của tỉnh, nơi đây đã từng bước “thay da đổi thịt”, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện nhiều. Kết quả đó nhờ những chủ trương, chính sách kịp thời của Trung ương và của tỉnh, nhất là trong triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Đặc biệt, với sự phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, nhất là phát huy trách nhiệm người đứng đầu, các dự án hạ tầng, trọng điểm là hạ tầng giao thông động lực, kết nối liên vùng và nội vùng; hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thủy lợi... đã nhanh chóng được đầu tư, hoàn thiện, đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả.
Giai đoạn 2021-2025 tỉnh đầu tư sửa chữa, nâng cấp 24 trường học các cấp; hỗ trợ các địa phương đầu tư mới các trường theo tiêu chí chất lượng cao; hoàn thiện đưa vào sử dụng 3 công trình y tế lớn và nâng cấp các thiết chế y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện và cơ sở phục vụ tốt chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, 100% thôn, bản vùng đồng bào DTTS có nhà văn hóa. Các cơ chế, chính sách, nhất là về y tế, giáo dục, văn hóa, nhà ở, điện, nước sinh hoạt, giải quyết việc làm, tín dụng CSXH... được xây dựng, triển khai đảm bảo kịp thời.
Giai đoạn 2021-2025, riêng nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp các địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đã đầu tư 785 công trình, dự án (301 dự án giao thông; 125 dự án thủy lợi; 56 dự án nước sinh hoạt; 64 dự án giáo dục; 2 dự án y tế; 138 dự án văn hóa; 25 dự án điện; 2 dự án nhà công vụ; 72 dự án chỉnh trang khu dân cư). Tỉnh cũng ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng khó khăn, gắn kết với các trung tâm kinh tế, trung tâm đô thị, vùng động lực, KKT, KCN nhằm tăng cường mở rộng khai thác lợi thế kinh tế, thúc đẩy vùng phát triển nhanh bền vững các khu vực. Điển hình là hạ tầng kết nối động lực giữa TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ cùng nhiều công trình giao thông động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi, biên giới; 3 cửa khẩu (Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Móng Cái)…
Đời sống dân sinh ngày càng được nâng lên; chính sách hỗ trợ sản xuất phát huy hiệu quả; khu vực nông thôn trước đây gặp nhiều khó khăn, trở ngại thì nay đã hiện hữu những cơ hội phát triển mới từ việc đáp ứng những nhu cầu bức thiết của người dân trong đời sống, lao động, sản xuất. Điển hình, huyện Bình Liêu đặc thù có địa hình nhiều đồi núi, vốn khó khăn về giao thông cũng như các điều kiện canh tác. Để giải quyết những khó khăn của người dân, huyện Bình Liêu đã chỉ đạo khảo sát, nghiên cứu địa hình và lên phương án xây dựng tuyến đập, mương để cung cấp nguồn nước cho người dân sản xuất nông nghiệp. Tính riêng năm 2024, huyện xây dựng 18 công trình đập và kênh, trong đó có 8 đập và 10 kênh tại các thôn khó khăn, như: Sông Moóc, Nà Choòng, Nà Áng, Ngàn Vàng Dưới, Nà Khau... Nước tưới tiêu đảm bảo đến tận chân ruộng, bà con phấn khởi khi diện tích trồng cấy cho năng suất cao hơn. Không chỉ quan tâm đầu tư kênh mương nội đồng, đến nay Bình Liêu có 100% đường xã, đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa; 100% số xã có đường ô tô đến tận thôn, bản; 100% trường học đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, 2; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia...
Còn tại TP Hạ Long, cùng với huy động các nguồn lực, thành phố luôn quan tâm các công trình nước sạch cho các xã vùng cao. Riêng năm 2024, thành phố khởi công 4 dự án cấp nước tập trung với tổng vốn hơn 200 tỷ đồng, nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch ổn định cho khoảng 4.000 hộ dân trên địa bàn của 10 xã, đưa thành phố trở thành địa phương dành nguồn ngân sách lớn nhất toàn tỉnh cho việc mang nước sạch đến với người dân vùng cao. Năm 2025, trong số 60 công trình, dự án trọng điểm chào mừng đại hội Đảng các cấp, nhóm dự án đưa nước sạch cho 10 xã vùng cao thuộc nhóm dự án có độ khó cao với khối lượng đường ống lên tới 250km, trải dài trên địa bàn 10 xã của TP Hạ Long. Hiện các dự án đang được gấp rút thi công theo tiến độ. Bà Nguyễn Thị Gái (thôn Đồng Ho, xã Sơn Dương, TP Hạ Long) phấn khởi, cho biết: Trên địa bàn xã có nhiều công trình vừa được đầu tư xây dựng khang trang như trường học, trụ sở công an. Mới đây, công trình cấp nước sạch cho bà con chúng tôi cũng hoàn thành, nhà nào cũng phấn khởi vì không còn lo lắng về thiếu nước sinh hoạt và thêm yên tâm khi sử dụng nước đảm bảo sức khỏe mỗi ngày...
Quảng Ninh với nhiều tiềm năng, lợi thế, nhất là bản sắc văn hóa, thiên nhiên, con người có nét đặc trưng, đây cũng là sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn thu hút du khách tham quan, tìm hiểu. Với sự quan tâm định hướng của tỉnh, cùng sự nỗ lực của các địa phương, bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS đã trở thành các sản phẩm du lịch. Một số địa phương như: Hạ Long, Móng Cái, Đông Triều, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Vân Đồn đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.
Nhiều địa phương cụ thể hóa chủ trương, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, đề án, như: Phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu; thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 Làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2025; bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030; bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở...
Điển hình, huyện Đầm Hà gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, như: Phát triển du lịch cộng đồng và thành lập các câu lạc bộ may thêu trang phục dân tộc; tổ chức chương trình về miền Sán Cố để thu hút người dân, du khách tham gia nhằm kích cầu du lịch; sưu tầm phục dựng một số nghi lễ tiêu biểu của đồng bào DTTS, phát triển các môn thể thao dân tộc; triển khai các mô hình Chợ phiên Ba Nhất và khu ẩm thực Cầu Tình, du lịch cộng đồng tại thôn Tầm Làng, làng hạnh phúc tại thôn Mào Sán Cáu…
Còn với huyện Ba Chẽ, với sự đa dạng, phong phú về văn hoá đã mang lại cho địa phương nguồn tài nguyên giá trị về văn hoá vật thể, phi vật thể, nhất là các lễ hội văn hoá, tạo dấu ấn riêng có cần được tiếp tục bảo tồn và phát triển. Các lễ hội đặc sắc đang được bảo tồn, duy trì hiệu quả, như: Lễ hội đình Làng Dạ, Lễ hội miếu Ông - miếu Bà, Lễ hội Bàn Vương, Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay, Lễ hội đình Đồng Chức, Lễ hội xuống đồng...
Tỉnh còn có nhiều quyết sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bào lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong đồng bào các dân tộc. Hiện trên địa bàn tỉnh có 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Ngoài những di sản văn hoá vật thể nổi bật, tỉnh còn có 362 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 12 di sản phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU, tỉnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, con người của cả giai đoạn 2021-2025, góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng đời sống nhân dân. Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS&MN, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 83,79 triệu đồng/người/năm (tăng 40,090 triệu đồng/người/năm, gấp 1,9 lần so với năm 2020).
Nỗ lực cho giai đoạn tiếp theo
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành các mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 (ngày 18/11/2019) của Quốc hội khóa XIV về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 (ngày 19/6/2020) của Quốc hội khóa XIV về phê duyệt 22 chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 và các chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tiễn của Quảng Ninh. Trong đó, tập trung hoàn thành cơ bản chỉ tiêu đã đề ra trong mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030; tiếp tục thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền trong tỉnh; các xã không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh; 100% hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời; các xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, biên giới, hải đảo của tỉnh có hệ thống kết cấu KT-XH đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, kết nối thuận lợi với các vùng phát triển của tỉnh; 100% xã vùng đồng bào DTTS&MN, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt chuẩn NTM nâng cao.
Thời gian này, tỉnh Quảng Ninh đang quyết liệt thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy. Sau khi hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ninh kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU và cơ quan tham mưu giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp cơ sở. Đồng thời, lập Đề án cụ thể hóa, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn II (2026-2030) gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU.
Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất, cơ cấu lại sản xuất gắn với tiềm năng, lợi thế từng vùng, miền; tổ chức thực hiện các mô hình, dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là các mô hình, dự án liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở các địa phương nhằm tạo sinh kế, nguồn thu nhập bền vững cho người dân. Đồng thời, phân tích cơ cấu nguồn thu nhập của người dân trên cơ sở kết quả khảo sát thu nhập hộ dân cư vùng đồng bào DTTS&MN để xây dựng giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân trong giai đoạn 2026-2030.
Tỉnh sẽ rà soát, xử lý dứt điểm tình trạng chồng lấn trong quy hoạch 3 loại rừng, tranh chấp đất rừng, lâm nghiệp giữa hộ gia đình và các tổ chức được giao quản lý, chăm sóc, bảo vệ, sử dụng rừng; tăng diện tích rừng có chứng chỉ rừng và chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Để phát triển bền vững thủy sản, tỉnh tập trung hoàn thành giao khu vực biển NTTS theo quy hoạch và triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển NTTS, khai thác hải sản ở các địa bàn có lợi thế vùng đồng bào DTTS&MN.
Theo số liệu của Sở NN&MT, tính đến ngày 23/5, cấp huyện trong tỉnh đã tiếp nhận 686 hồ sơ, hoàn thành việc giao khu vực biển cho 613 cá nhân và đang hoàn thiện thủ tục cho 73 cá nhân thuộc thẩm quyền; tỉnh tiếp nhận 4 hồ sơ giao biển thuộc thẩm quyền cấp của tỉnh, trong đó đã giao khu vực biển cho 1 hồ sơ, đang thẩm định 3 hồ sơ. Đối với cấp phép nuôi biển đã tiếp nhận, xin ý kiến 16 hồ sơ, trong đó đã cấp phép 11 hồ sơ, 2 hồ sơ đang báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 3 hồ sơ đang xin ý kiến các ngành. Tại cuộc họp của UBND tỉnh ngày 24/5 để nghe báo cáo về tiến độ cấp phép và giao khu vực biển để thực hiện NTTS, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghiêm Xuân Cường, yêu cầu: Các địa phương, sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn tất thủ tục giao biển. Đối với hồ sơ của các HTX, doanh nghiệp đã thiết lập phải khẩn trương nộp trước 30/6/2025 và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ tối đa để sớm hoàn thiện trình UBND tỉnh phê duyệt. Sở NN&MT tham mưu UBND tỉnh mở đợt cao điểm xây dựng, hoàn tất trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ của các HTX, doanh nghiệp đủ điều kiện; cập nhật cẩm nang hướng dẫn thực hiện thủ tục giao biển NTTS và công khai rộng rãi trên các nền tảng để cho các tổ chức, cá nhân và cơ quan chuyên môn các địa phương tiếp cận và nắm thông tin về trình tự, thủ tục, hồ sơ mẫu trong thực hiện lập hồ sơ thủ tục giao biển NTTS. Các địa phương chủ động xây dựng các tiêu chí lựa chọn tự thu hút nhà đầu tư vào khu vực nuôi biển trên địa bàn để thúc đẩy hoạt động nuôi biển.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất; đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất, tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi xuống cấp; đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn vùng đồng bào DTTS&MN đến nay đã xuống cấp và chưa đáp ứng được yêu cầu về lưu thông, kết nối vùng, nội vùng; cải tạo, nâng cấp các công trình nước sinh hoạt tập trung, phân tán để duy trì, nâng cao tỷ lệ người dân vùng đồng bào DTTS&MN được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn y tế. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại,... phục vụ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN...
Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn II là 4.500 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư công là 4.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 200 tỷ đồng; vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH cho vay phát triển sản xuất 300 tỷ đồng.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nghi-quyet-so-06-nq-tu-dong-luc-cho-giai-doan-moi-3359625.html
Bình luận (0)