Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cùng đoàn công tác của tỉnh tặng quà chúc mừng Phật đản thượng tọa Thích Huệ Khai và ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương tại tổ đình Long Thiền. Ảnh: S.Thao |
Ngoài là cơ sở tôn giáo, trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, ngôi chùa cổ này là căn cứ cách mạng. Sau khi đất nước thống nhất, tổ đình Long Thiền là nơi tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường.
Căn cứ cách mạng trong kháng chiến
Qua 361 năm hình thành, tổ đình Long Thiền đã truyền qua 41 đời trụ trì. Thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Trụ trì hiện nay của tổ đình Long Thiền cho hay, chùa do tổ sư Thành Nhạc sáng lập vào năm 1664 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Trải qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo dưới thời các vị trụ trì đã làm nên nét kiến trúc hiện nay. Hiện tổ đình Long Thiền còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc cổ với chánh điện, tổ đường, nhiều bảo tháp của các đời trụ trì, nhiều cây cổ thụ và hiện vật…
Phó giám đốc Sở Dân tộc và tôn giáo Nguyễn Đình Kiên cho hay, tổ đình Long Thiền là một trong những cơ sở tôn giáo lâu đời, giàu truyền thống của Phật giáo Đồng Nai.
Hiện Tổ đình Long Thiền là một trong 24 di tích tại Đồng Nai được công nhận là Di tích cấp quốc gia. |
Chính vì vậy mà thời gian qua, tổ đình đón nhiều đoàn nghiên cứu văn hóa, lịch sử, như: Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu tôn giáo (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cùng các cơ quan nghiên cứu đến khảo sát về kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Ngoài là nơi tu tập của tăng, ni, sinh hoạt Phật giáo của người dân, trong chiều dài hình thành và phát triển, tổ đình Long Thiền đã đóng góp sức người, sức của trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Theo thượng tọa Thích Huệ Khai, năm 1945, hòa thượng Thích Huệ Thành, trụ trì tổ đình tiền nhiệm đã đứng ra triệu tập Đại hội Phật giáo để thiết lập Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa và chùa là trụ sở của hội. Việc vận động tăng, ni, phật tử tham gia các hoạt động yêu nước, nuôi giấu, tiếp tế lương thực, thuốc men… cho kháng chiến đã xuất phát từ ngôi chùa này. Còn trong kháng chiến chống Mỹ, hòa thượng Thích Huệ Thành lại tiếp tục lãnh đạo chư tăng, phật tử kêu gọi trí thức đấu tranh góp phần vào công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Với những yếu tố về kiến trúc và lịch sử, năm 1991, chùa Long Thiền được Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội
Từ sau ngày đất nước thống nhất, tổ đình Long Thiền đón nhận nhiều sự quan tâm của chính quyền các cấp, nhân dân. Đồng thời, từ sự tích cực của các đời trụ trì mà cơ sở vật chất, kiến trúc của chùa ngày càng khang trang hơn nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và thành phố Biên Hòa tổ chức chương trình thả cá xuống sông Đồng Nai khu vực phía trước tổ đình Long Thiền. |
Thượng tọa Thích Huệ Khai cho biết, cùng với tu tập, sinh hoạt tôn giáo của tăng, ni, phật tử, nhà chùa còn chăm lo đến công tác từ thiện, xã hội. Các nhà sư ở chùa thường xuyên tổ chức hoạt động thiện nguyện giúp người dân, một trong số này là tổ chức phục vụ bữa ăn miễn phí dành cho người dân vào ngày rằm hàng tháng. Trước đó, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nơi đây liên tục tổ chức những chuyến xe yêu thương đưa thực phẩm, nhu yếu phẩm đến với bà con ở các vùng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, đến với tăng, ni ở các tự viện vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, tổ đình còn thường xuyên hỗ trợ học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trợ giúp kinh phí xây dựng cầu dân sinh, tặng lương thực và thực phẩm đối với người dân khó khăn tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Những năm gần đây, sau khi tổ đình Long Thiền hoàn thành việc cải tạo lại khuôn viên khu vực tiếp giáp với sông Đồng Nai, nơi đây trở thành công viên thu nhỏ mở cửa tự do để người dân đến sinh hoạt, hóng mát vào mỗi buổi chiều. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa (phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) cho hay, gia đình bà cùng hàng xóm thường xuyên đến tổ đình Long Thiền để ngắm cảnh, dạo mát và tham gia hoạt động từ thiện, xã hội. Khuôn viên chùa như một công viên thu nhỏ, việc sinh hoạt của bà con khi đến đây được tạo điều kiện thuận lợi.
Từ năm 2023 đến nay, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và môi trường) cùng các đơn vị đã phối hợp cùng với Phật giáo Đồng Nai tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền kết hợp thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại tổ đình Long Thiền. Đây cũng là nơi hàng năm được Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và thành phố Biên Hòa tổ chức hội nghị tuyên truyền và thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản và chương trình phóng sinh trên sông Đồng Nai thu hút hàng ngàn nhà tu hành, phật tử cùng nhân dân tham gia.
Sông Thao
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/ngoi-chua-giau-truyen-thong-cua-phat-giao-dong-nai-1774361/
Bình luận (0)