Sử sách ghi lại: Năm 1698 Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào Nam Kinh lược, Ông thiết lập nên xã, thôn, làng… Trong sinh hoạt lâu đời của đồng bào Nam bộ, khi có làng là phải có Đình và người ta dùng ngay địa danh nơi đó để đặt tên cho Đình. Đình Chí Hòa xuất hiện và có tên gọi cũng từ những tập quán và yếu tố trên.
Đình Chí Hòa còn ghi lại nhiều sự kiện văn hóa lịch sử của đất Gia Định xưa, như:
Trong khoảng thời gian 1785-1792, nhà giáo Võ Trường Toản đã mở trường dạy học trong khuôn viên đình. Từ lớp học này đã xuất hiện nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như: Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, v.v...
Năm 1915 - 1917, phong trào Thiên Địa Hội do Phan Xích Long lãnh đạo chống lại thực dân Pháp đã chọn đình Chí Hòa làm nơi luyện tập võ nghệ bí mật của phong trào.
Năm 1945, phong trào Thanh niên Tiền phong nổi lên rầm rộ khắp nơi, đình Chí Hòa lại trở nên sôi động. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, từ tại đình, các thanh niên trong phong trào ấy đã dùng giáo mác, gậy gộc... xông ra đường chặn đánh quân Pháp. Trong đình, dưới bệ sân khấu (võ ca) có hầm bí mật được lực lượng Thanh niên Tiền phong sử dụng trong một thời gian ấy [2].
Ngoài giá trị lịch sử vừa kể, các hiện vật trong đình cũng rất đáng được chú ý, đó là các bộ liễn chữ Hán khảm xà cừ và các đồ tế tự (như bộ bát bửu, chiêng, trống, bộ tàn lọng,...) đã có cách nay nhiều năm. Trước đây, trong đình có một bộ liễn xưa do các học trò của cụ Võ Trường Toản làm để tặng thầy, bên trên có khảm hai câu như sau:
Sanh tiền giáo dưỡng đắc nhân vô tử như hữu tử
Một hậu lưu danh tại thế, tuy vong giã bất vong.
Tạm dịch:
Lúc sống, dạy dỗ được người, dầu không con cũng như có con.
Khi qua đời, tuy đã mất nhưng tiếng tăm vẫn còn tại thế.
Bình luận (0)